MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tranh chấp về bảo lãnh thanh toán: Ngân hàng hay doanh nghiệp sẽ thiệt?

29-11-2012 - 16:26 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong nhiều vụ tranh chấp và cần đến sự can thiệp của luật pháp, có những trường hợp ngân hàng là bên thắng kiện, nhưng cũng không ít trường hợp doanh nghiệp thắng kiện.

Thị trường tài chính mấy ngày nay xôn xao vụ tranh chấp về bảo lãnh thanh toán trái phiếu doanh nghiệp giữa ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và công ty Vinaconex – Viettel (VVF). Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết quả phần thắng thuộc về bên nào.

Trong nhiều vụ tranh chấp và cần đến sự can thiệp của luật pháp, có những trường hợp ngân hàng là bên thắng kiện, nhưng cũng không ít trường hợp doanh nghiệp thắng kiện. Nhưng hậu quả dễ nhìn thấy nhất đó là uy tín của ngân hàng giảm sút và những ái ngại về hoạt động bảo lãnh thanh toán ngân hàng.

Trở lại với trường hợp giữa VVF và SeABank, ngày 27/11, SeABank bất ngờ phát đi một thông cáo báo chí cho biết nhà băng này quyết định không chấp nhận yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo chứng thư bảo lãnh phát hành ngày 24/10/2011 do phó TGĐ Nguyễn Thị Hương Giang ký bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Tập đoàn Vina Megastar vì chứng thư bảo lãnh này trái pháp luật. Cụ thể, bà Giang đã ký bảo lãnh phát hành trái phiếu của Vina Megastar không đúng thẩm quyền theo pháp luật và quy định của SeABank.

Sáng 28/11, VVF tổ chức họp báo về vấn đề này. VVF đã tiết lộ thông tin, việc mua trái phiếu doanh nghiệp lần này là xuất phát từ lời mời của một phó TGĐ SeABank mời VFF mua trái phiếu doanh nghiệp của một khách hàng của ngân hàng này. Và sau khi nghiên cứu tính khả thi cũng như tin tưởng vào uy tín của SeABank đã đứng ra bảo lãnh với số tiền 150 tỷ đồng, nên VVF mới bắt tay vào thương vụ.

Phía VVF cho biết thêm không có ý định “tuyên chiến” với SeABank mà luôn thực hiện chính sách đối ngoại xuất phát từ quan điểm tôn trọng pháp luật, hợp tác và nhân văn. VVF cũng muốn cùng Vina Megastar và SeABank tìm giải pháp ôn hòa nhất để giải quyết những vấn đề liên quan đến trách nhiệm bảo lãnh phát hành trái phiếu.

VVF đồng thời tin tưởng 100% sẽ thu lại được khoản tiền đầu tư cả gốc và lãi và rằng đối tác chỉ chưa thanh toán chứ không phải là không thanh toán.

Theo nguồn tin của chúng tôi, đến sáng nay 29/11, VVF và SeABank đã có buổi gặp mặt để tiếp tục giải quyết vấn đề. Chiều nay, lãnh đạo của VVF cũng tham dự một cuộc họp nữa có liên quan đến vấn đề này. Điều đó chứng tỏ VVF đang thể hiện rõ thiện chí của mình trong việc giải quyết ôn hòa vấn đề với các bên.

Tuy nhiên, cùng ngày, phía SeABank lại phát đi một số thông tin thêm về việc từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trái phiếu của Vina Megastar. Cụ thể, theo SeABank, chứng thư bảo lãnh với VVF là không có số, ngân hàng cũng không có hồ sơ đề nghị bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh với Vina Megastar, giao dịch bảo lãnh cho Vina Megastar không được theo dõi quản lý trong hồ sơ trong hệ thống của SeABank và không có phí bảo lãnh.

Về những thông tin thêm từ SeABank, chúng tôi đã có liên hệ với một số luật sư tại Hà Nội. Họ đều cho rằng, trong trường hợp này, thời điểm bà Lê Thu Thủy giữ chức vụ Quyền Tổng giám đốc SeABank, ủy quyền cho bà Giang ký chứng thư bảo lãnh là hoàn toàn hợp pháp. Còn việc Ngân hàng SeABank có chia hạn mức ký chứng thư bảo lãnh đối với Phó TGĐ được ký chứng thư bảo lãnh không quá 30 tỷ đồng, còn các khoản trên 70 tỷ đồng phải được sự phê duyệt của HĐQT thì chỉ có ý nghĩa trong việc quản trị tài chính cũng như nội bộ của Ngân hàng SeABank chứ không ảnh hưởng tới giá trị pháp lý của Hợp đồng ủy quyền.

Về việc chứng thư bảo lãnh không có số, vấn đề này pháp luật không quy định điều kiện để Hợp đồng/Chứng thư bảo lãnh phải có số mới có hiệu lực pháp luật. Việc đánh số trong Hợp đồng/chứng thư bảo lãnh chỉ để thuận tiện trong việc quản lý Hợp đồng/Chứng thư bảo lãnh. Do đó Chứng thư bảo lãnh này mặc dù không có số nhưng vẫn hoàn toàn có hiệu lực thi hành.

Với việc SeABank nói không có hồ sơ đề nghị bảo lãnh và hợp đồng cấp bảo lãnh với Vina Megastar, giao dịch bảo lãnh cho MegaStar không được theo dõi trong hệ thống của SeABank, không có phí bảo lãnh thì không có ý nghĩa bất lợi đối với VVF, miễn sao có đầy đủ hồ sơ tài liệu chứng minh cho ký chứng thư bảo lãnh là có thật và đúng thẩm quyền và trình tự theo quy định của pháp luật.

Đối với các trường hợp tương tự như thế này, theo ý kiến của một số chuyên gia, thì phần lợi thế lại đang nghiêng về phía doanh nghiệp.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, để gây nên tình trạng này, chưa biết đúng hay sai, nhưng chắc chắn uy tín của ngân hàng bị ảnh hưởng. Thêm nữa, vụ việc này cũng cho thấy đang bộc lộ một số bất ổn trong việc quản trị rủi ro tín dụng và nợ xấu của ngân hàng.

Còn một chuyên gia khác lại bày tỏ, nếu ngân hàng cứ dùng quy định quản trị nội bộ để phán quyết các giao dịch hợp pháp là vô hiệu, trái luật, thì quả là đang gây khó cho khách hàng. “Khách hàng khi thực hiện hợp đồng, họ không hề biết các quy định nội bộ của ngân hàng là thế nào thì làm sao để phân biệt được đúng sai? Hợp đồng đã có chữ ký của lãnh đạo gần cao nhất, đã có dấu đỏ của ngân hàng, đã được cả một hệ thống phê duyệt thì còn phải băn khoăn gì nữa? Nếu cứ như tình trạng này, khách hàng có lẽ phải mang hồ sơ đến Hội sở để xem xét lại xem các giao dịch đó có hợp pháp, có phù hợp với quy định nội bộ của ngân hàng hay không”, vị chuyên gia này nói.

Thành Hưng

hangnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên