MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Trần Hoàng Ngân: Chính phủ không ép người dân bán vàng

15-03-2011 - 08:53 AM | Tài chính - ngân hàng

Chính phủ đang xem xét để ban hành quy định khi mua ngoại tệ mặt của NH, người dân/ doanh nghiệp phải trả một khoản phí – phí sử dụng ngoại tệ tiền mặt.

Xung quanh việc chống đô la hóa của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ và "tin đồn" về khả năng sẽ tăng dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng và tổ chức tín dụng trong thời gian tới, CafeF đã có cuộc trao đổi với PSG. TS Trần Hoàng Ngân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại Học Kinh Tế Tp. Hồ Chí Minh, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.

Xu hướng đô la hóa đã giảm


Thưa ông, việc đóng cửa thị trường ngoại hối chợ đen như những ngày qua của Nhà nước có làm giảm tình trạng đô la hóa tại Việt Nam đã diễn ra trong suốt thời kỳ dài không?

Chống đô la hóa là một đề án đã được chuẩn bị trong nhiều năm. Để triển khai nó không thể thực hiện ngay trong một tháng, một tuần. Quá trình này đang triển khai và xu hướng đô la hóa cũng đang giảm dần kể từ khi có Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/02/2011. Theo tôi đây là một nghị quyết rất có giá trị về mặt thực tiễn cũng như về mặt khoa học, là nghị quyết đổi mới về mặt quan điểm kinh tế, chính trị, sách lược có giá trị cho cả ngắn hạn và dài hạn.

Nghị quyết 11của Chính phủ đã ban hành kịp thời, góp phần đem lại sự ổn định tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Một khi đồng tiền được ổn định, lạm phát được kiềm chế là cơ sở tốt nhất để chống đô la hóa thành công.

Như chúng ta đã thấy, trong những ngày qua tỷ giá ít biến động hơn, người dân đã bắt đầu bán USD cho ngân hàng. Ngoài ra, xu hướng vay tín dụng bằng VND tăng lên, tỷ trọng tín dụng vay bằng USD giảm xuống do điều kiện cho vay khắt khe. Như vậy, số dư tiền gửi USD giảm, dư nợ vay tín dụng bằng USD giảm là chỉ báo cho xu hướng đô la hóa đã giảm.

Giải quyết bài toán đô la hóa theo tôi không gì hơn cách nâng sức khỏe của đồng tiền nội tệ - sự ổn định của đồng nội tệ, lạm phát kiềm chế là sức mạnh kinh tế.

Nhưng một thực tế được phản ánh rằng sau khi Nhà nước kiểm soát chặt hoạt động của thị trường ngoại tệ, người dân và doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng đã không thể mua được USD như trước đây. Vậy, theo ông trong tương lai có giải pháp nào cho doanh nghiệp/người dân có nhu cầu ngoại tệ chính đáng được đáp ứng không?

Nhà nước không cấm thị trường ngoại tệ hoạt động, chỉ đưa thị trường đi về hoạt động theo khuôn khổ. Doanh nghiệp và người dân có thể bán ngoại tệ tại các quầy ngoại tệ, chi nhánh ngân hàng được cấp phép và mua tại các tổ chức tín dụng được cấp phép.

Chính phủ cũng đang xem xét để ban hành quy định khi mua ngoại tệ mặt của các TCTD được cấp phép, người dân/ doanh nghiệp phải trả cho tổ chức này một khoản phí – phí sử dụng ngoại tệ tiền mặt (ở nước ngoài đã có loại phí này từ lâu). Tôi cho rằng, khi đã giải tỏa được áp lực về mặt phí này, ngân hàng sẽ tăng cường bán ngoại tệ cho người dân/ doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng.

Trong điều kiện hiện nay, khi Chính Phủ đã phát đi một thông điệp “thắt lưng buộc bụng” để kiềm chế lạm phát,  doanh nghiệp và người dân chia sẻ với Chính phủ trong  ý thức sử dụng đồng ngoại tệ.  

Ngân hàng nhà nước vừa đưa ra ý tưởng người dân có quyền giữ vàng miếng, tuy nhiên chỉ có thể bán cho NHNN hoặc đầu mối do cơ quan này chỉ định, mà không được phép mua lại. Theo ông ý tưởng này có khả thi không?

Chúng ta phải hiểu, Chính phủ không ép người dân bán vàng. Quản lý thị trường vàng là cần thiết. Mục tiêu của việc quản lý này là làm sao sử dụng hiệu quả nguồn ngoại tệ (vàng) phục vụ cho sản xuất kinh doanh, và làm sao cho giá vàng trong nước tương đồng với giá vàng thế giới để tránh đầu cơ, lũng đoạn, và buôn lậu để tránh thất thoát tài sản quốc gia.

Tôi nghĩ chúng ta nên chờ kết quả cuối cùng của đề án. Bởi hiện nay, Chính phủ đang bàn và lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp cũng như các nhà khoa học.

Chỉ nên tăng dự trữ bắt buộc với ngân hàng có dấu hiệu tăng nóng dư nợ

Ngoài thị trường đang có những phỏng đoán rằng sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng dự trữ bắt buộc đối với các Ngân hàng và tổ chức tín dụng. Theo ông, việc tăng dự trữ bắt buộc trong thời điểm này có khả thi không?

Tôi nghĩ cần phải làm rõ thông điệp của Chính phủ là sẽ giảm tổng cầu, nhưng tăng cung cho khu vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu…doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, dư nợ tín dụng năm nay vẫn tăng so với mức dư nợ cuối năm 2010.

Dự nợ tín dụng cuối năm 2010 của chúng ta 2.300.000 tỷ đồng, như vậy năm nay dư nợ tín dụng tăng thêm không quá 20% tương đương khoản tăng thêm gần 460.000 tỷ đồng. Như vậy sẽ thỏa mãn nhu cầu sản xuất kinh doanh theo mục tiêu tăng trưởng ổn định. Do đó, chúng ta không nên lo sợ thiếu tiền trong lưu thông.

Chính phủ sẽ theo dõi đà tăng trưởng tín dụng hàng tháng, hàng quý, CPI để điều hành một cách linh hoạt. Điều này không đồng nghĩa với việc sẽ tăng dự trữ bắt buộc bởi chưa có báo cáo về dự nợ của tháng 2, 3.

Nếu dư nợ tăng quá nhanh, ngân hàng nhà nước cần xem xét cụ thể từng ngân hàng. Những ngân hàng có dấu hiệu vi phạm định hướng này thì sẽ tăng dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng đó chứ không tăng dự trữ bắt buộc toàn hệ thống. Bởi nếu tăng dự trữ bắt buộc toàn hệ thống sẽ gây ra thiếu hụt thanh khoản, bất ổn cho thị trường tiền tệ.

Do đó quan điểm của tôi, nếu việc tăng dự trữ bắt buộc được tiến hành chỉ tăng ở những ngân hàng có dấu hiệu tăng nóng dư nợ, còn các ngân hàng chấp hành tốt định hướng của Chính phủ, của Ngân hàng nhà nước thì không có lý do gì bắt tăng dự trữ bắt buộc.

Xin cám ơn ông!

T. Sam

quynhnn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên