MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Võ Trí Thành: Chiến tranh tiền tệ - xác suất là không lớn

13-08-2015 - 15:06 PM | Tài chính - ngân hàng

TS.Võ Trí Thành cho rằng nếu nói về cuộc chiến tranh tiền tệ thực sự có xảy ra hay không thì xác suất là không quá lớn còn nói theo nghĩa chiến tranh nho nhỏ thì những gì đã xảy ra cũng được coi là cuộc xung đột.

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
110 bài viết

Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ trong 3 ngày liên tiếp kéo theo hàng loạt phản ứng của các NHTW các nước giảm giá đồng nội tệ để nâng cao cạnh tranh hàng hóa. Điều này khiến nhiều người nghi ngại đến khả năng xảy ra cuộc chiến tranh tiền tệ.

Bàn luận xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với TS.Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng nội tệ trong những ngày gần đây?

TS.Võ Trí Thành: Trung Quốc đang đi ngược lại chính sách dài hơi của mình. Họ một mặt tuyên bố đất nước đang quá trình tái cấu trúc nền kinh tế trong đó dựa ít hơn vào xuất khẩu và tăng nội nhu, tức là tiêu dùng trong nước. Trong khi đó quốc gia này lại phá giá đồng nhân dân tệ tức là hướng vào xuất khẩu.

Hơn nữa tái cấu trúc kinh tế Trung Quốc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng giá trị gia tăng. Một chính sách phá giá đơn thuần thì không dẫn đến điều này, ít nhất là trong ngắn hạn. Bản chất phá giá là dùng chính sách giá cả để hàng hóa của Trung Quốc cạnh tranh hơn.

Nếu quốc gia này điều chỉnh nhỏ, mức độ vừa phải hay ngắn hạn thì không quá ghê gớm nhưng nếu liên tục tiếp diễn thì trái với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của nước này, trái với tuyên bố trấn an thị trường của NHTW, với tuyên bố của một số quan chức Trung Quốc nói rằng Trung Quốc không thể tạo ra làn sóng phá giá ảnh hưởng đến lòng tin của thị trường.

Ông có cho rằng sẽ có một cuộc chiến tranh tiền tệ? Và nếu có thì hậu quả sẽ như thế nào?

Chiến tranh tiền tệ là cuộc đua phá giá các đồng tiền nhằm cạnh tranh hàng hóa.Trong ngôn ngữ kinh tế, mất giá là do tự thị trường tác động lên đồng tiền còn phá giá là nhà điều hành chủ động.

Giai đoạn gần đây, trước khi phá giá tại Trung Quốc, nhiều nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ dẫn đến đồng tiền của họ mất giá. Sau những động thái gần đây của Trung Quốc, một loạt các nước đã phản ứng theo chiều hướng phá giá hoặc để đồng nội tệ giảm giá.

Nếu nói về cuộc chiến tranh tiền tệ thực sự có xảy ra hay không thì xác suất không quá lớn còn nói theo nghĩa chiến tranh nho nhỏ thì những gì đã xảy ra cũng được coi là cuộc xung đột. Nếu mỗi nước chỉ vì lợi ích của mình mà thiếu sự hợp tác quốc tế thì khả năng này sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, bài học lịch sử đã có nhiều và việc phá giá vào vòng xoáy như hiện nay sẽ là con dao hai lưỡi, có nhiều tác động đến ngắn hạn, dài hạn, chính trị, cải cách và lòng tin.

Theo ông, NHNN cần có những bước đi như thế nào trong thời gian sắp tới?

Ngay từ đầu năm, tỷ giá được xem là câu chuyện phức tạp nhất của năm nay.

NHNN quyết định tăng biên độ từ +/-1% lên +/-2% là tương đổi kịp thời. Tuy nhiên sắp tới, áp lực đối với NHNN vẫn còn rất lớn, cơ quan này vẫn cần phải quan sát thật kỹ, có phản ứng cần thiết, cần dùng các công cụ: cung tiền, lãi suất, tỷ giá, chi ngân sách ,...gắn một loạt chính sách tổng thể nếu cần và khi cần để điều hành.

Bước đi của NHNN từ năm sau trở đi sẽ theo chiều hướng linh hoạt hơn mới đảm bảo được hai điều: kiểm soát được cung tiền tệ tốt và giảm thiểu cú “shock” từ bên ngoài.

Linh hoạt ở đây cụ thể hơn là như thế nào thưa ông?

Linh hoạt hơn tất nhiên là không thể thả nổi được nhưng vẫn có “van”, vẫn có hạn chế nhất định, có thể là nới lỏng biên độ gắn với thị trường ngoại hối đầy đủ và mang tính thị trường cao hơn.

Ngoài ra, NHNN cần linh hoạt trong cách thức công bố thông tin và cách thức điều chỉnh gắn với minh bạch thông tin.

Ví dụ như NHTW Singapore họ chỉ công bố mục tiêu chính sách tiền tệ là “target” vào tỷ giá để đảm bảo cạnh tranh xuất khẩu và ổn định kinh tế vĩ mô. Họ chỉ nói chung chung như vậy.

Minh bạch không có nghĩa là công khai mọi việc nhưng đã nói gì thì người ta hiểu đúng như thế.

Có NHTW nói về mục tiêu chính sách tiền tệ nhưng cung tiền, lãi suất là bao nhiêu thì chưa nói, có thể để thị trường quyết định hoặc do NHTW can thiệp mà chỉ công bố mục tiêu của họ lạm phát là bao nhiêu.

Tóm lại, yếu tố minh bạch và cách thức điều hành chính là công thức chuyển động tỷ giá, đảm bảo tính linh hoạt hơn.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên