MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá – liệu có dừng lại ở mức 3%?

03-01-2009 - 12:01 PM | Tài chính - ngân hàng

Trước áp lực từ sự sụt giảm đầu tư, kiều hối và xuất khẩu trong năm 2009, xu hướng tỷ giá sẽ còn tăng trong ngắn hạn.

Ngày 24/12, NHNN nâng tỷ giá giao dịch liên ngân hàng lên 3%, tức là ở mức 16.989 VNĐ/USD. Ngay lập tức, tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại (NHTM) bị đẩy lên trần biên độ giao dịch 3%, tức là gần đạt mức 17.500 VNĐ/USD. Câu hỏi đặt ra là tỷ giá tăng lần này có gì khác so với hồi tháng 6/2008 và xu hướng sẽ ra sao?

Tỷ giá tăng lên 19.400 đồng/USD – do những yếu tố ngắn hạn và đầu cơ

Nhìn lại thời điểm tháng 6/2008 tỷ giá tăng có lúc lên đến 19.400 VNĐ/USD (tăng 18% trong vòng 1 tháng) do những yếu tố ngắn hạn và đầu cơ.

Thứ nhất, lạm phát lúc đó tăng cao lên đến mức dự báo 17% cho cả năm, làm người dân chuyển sang dự trữ bằng USD để không bị mất giá.

Nắm bắt được tâm lý như vậy, các nhà đầu cơ găm USD đẩy tỷ giá lên cao trên thị trường tự do, từ đó tác động lại tỷ giá của các NHTM.

Ngoài ra, lúc đó các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại sự suy giảm của TTCK, đã tìm cách bán chứng khoán và mua USD chuyển về nước.

Do đó, ngay sau khi Chính phủ thực hiện các biện pháp bình ổn, tỷ giá đã nhanh chóng giảm, và được hỗ trợ bởi xu hướng giảm phát, nên nhanh chóng ổn định từ tháng 7 cho đến giữa tháng 12.

Tỷ giá tăng hiện nay – xuất phát từ nền kinh tế

Ngay sau khi các tin về khủng hoảng kinh tế toàn cầu được các tổ chức uy tín trên thế giới chính thức thừa nhận từ tháng 10/08, nhiều nước đang phát triển đã nhanh chóng hạ lãi suất, phá giá đồng nội tệ (nhiều nước phá giá 10 - 30%) để kích thích xuất khẩu khi tăng trưởng suy giảm.

Sau chính sách tiền tệ, nhiều nước bổ sung thêm chính sách tài khóa (gói kích cầu) nhằm giúp phục hồi kinh tế trong cơn suy thoái.

Việt Nam phản ứng chính sách tiền tệ chậm hơn do khó chuyển nhanh từ mục tiêu chống lạm phát sang mục tiêu tăng trưởng kinh tế vì hai mục tiêu này vốn mâu thuẫn nhau.

Do đó, dễ thấy là mãi đến gần đây, các chính sách tiền tệ và tài khoá được nới lỏng và cho đến nay thực hiện cùng một lúc các chỉ tiêu: giảm lãi suất mạnh, giảm giá VNĐ và tăng chi tiêu Chính phủ (gói kích cầu 1 tỷ USD).

Ngoài ra, nếu xét yếu tố lạm phát thì với tốc độ lạm phát ở mức 22,97% trong năm 2008, trong khi đồng USD chỉ tăng dưới 2% thì VNĐ đáng nhẽ phải mất giá 18% trong năm 2008.

Tuy nhiên, nếu tính tỷ giá bán của Vietcombank ngày 31/12 với ngày 1/1/08 thì VNĐ chỉ mất giá 9% so với USD. Tính thực, VNĐ tăng giá ít nhất là 9% trong năm 2008 và đây là một câu hỏi lớn trong bối cảnh suy thoái hiện nay.

Các chỉ số dự báo kinh tế 2009 liên tục điều chỉnh giảm

Khi nhận ra được được tác động sâu xa hơn của cuộc suy thoái toàn cầu tới kinh tế trong nước, các chỉ số kinh tế 2009 liên tục được các chuyên gia, các tổ chức uy tín đề xuất giảm: như tăng trưởng GDP từ 6.5% xuống 5%, xuất khẩu từ 13% xuống 5% và thậm chí còn thấp hơn.

Lý do quan trọng nhất là xuất khẩu và đầu tư nước ngoài sẽ giảm mạnh khi cầu thế giới suy giảm.

Áp lực trước mắt mà ai cũng có thể thấy là hàng Trung Quốc giá rẻ, do không xuất được sang các nước phát triển nên đang đe dọa tràn sang Việt Nam. Cạnh tranh về giá trong bối cảnh suy thoái trở nên quyết liệt nhất và chính sách tỷ giá cần giúp định giá hàng Việt Nam cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới.

Rõ ràng với tỷ giá tăng 3% làm giá hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm 3% thì không giúp hàng Việt Nam cạnh tranh được với những nước phá giá 10 - 30% đồng nội tệ của họ.

 Áp lực lên dự trữ ngoại tệ và từ sụt giảm đầu tư, kiều hối từ nước ngoài

 Mức dự trữ quốc gia 20.7 tỷ USD của Việt Nam công bố hồi tháng 8/2008 có vẻ không còn là một chỉ tiêu an toàn tại thời điểm hiện nay, khi mà nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu giảm mạnh, kiều hối giảm, đầu tư gián tiếp và trực tiếp dự báo sẽ giảm trong 2009.

Nhập siêu công bố 17 tỷ USD trong năm 2009 chiếm tới hơn 80% dữ trữ ngoại tệ. Trong năm 2009 khi xuất khẩu giảm thì nhập siêu dự kiến vẫn không giảm nhiều do hàng nhập khẩu vào Việt Nam vẫn chủ yếu là máy móc thiết bị và nguyên vật liệu cơ bản, là đầu vào của sản xuất. Kênh tiểu ngạch và buôn lậu mua hàng giá rẻ từ Trung Quốc cũng là nguồn tiêu thụ ngoại tệ lớn nhưng rất khó thống kê.

Gánh nặng nợ nước ngoài có thể không còn là ưu tiên hàng đầu

Lưu ý rằng tăng tỷ giá gây áp lực ngược lại lên nợ nước ngoài, là yếu tố bất lợi dài hạn. Một số nước đang phát triển phá giá đồng nội tệ thì thường xác định chấp nhận nợ nước ngoài tăng cao do phá giá nội tệ. Thậm chí, họ sẵn sàng vay nợ thêm ngoại tệ để phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề này nợ nước ngoài luôn được cân nhắc kỹ, và Nhà nước thường có nhiều ưu tiên khác nhau về tỷ giá để cân bằng lợi ích quốc gia.

Tỷ giá liệu còn tăng bao nhiêu nữa?

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự báo tỷ giá tăng lên mức 18.200 cuối quý II/2009 và sau đó giảm xuống 17.800 vào cuối năm. Theo dự báo này, tỷ giá sẽ chỉ tăng 4% trong vòng 6 tháng tới.

Theo chúng tôi, nếu mặt bằng giá hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ giảm 4% (do yếu tố tỷ giá) thì sẽ không “xi-nhê” gì trên thế giới khi nhiều nước đang phát triển khác đã và đang phá giá đồng nội tệ của họ với tỷ lệ cao hơn.

Ngoài ra, chỉ tiêu xuất khẩu trong quý I/2009 là rất quan trọng để đo lường xem các chỉ tiêu kinh tế 2009 có thực hiện được không, do đó chúng tôi cho rằng tỷ giá phải tăng nhiều hơn nữa trong quý I/2009 thì mới kiểm chứng được mức độ cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới và giảm áp lực lên dữ trữ ngoại tệ. Và áp lực này sẽ đến rất sớm ngay sau khi nếu các số liệu xuất khẩu trong quý IV/2008 không thuận lợi.

Lê Anh Thi
Giám đốc Tư vấn – Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán Âu Việt

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên