USD ngân hàng vượt 22.000 đồng sau QĐ tăng biên độ tỷ giá của NHNN
Sáng nay 12/8/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ phát đi thông báo quyết định tăng biên độ tỷ giá lần đầu tiên kể từ ngày 11/2/2011. Cách đây hơn 4 năm, biên độ được điều chỉnh giảm từ +/-3% xuống +/-1%.
Biên độ tỷ giá VND/USD tăng gấp đôi
Theo quyết định do Thống đốc Nguyễn Văn Bình ký, kể từ ngày 12/8/2015, các ngân hàng, TCTD phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối, gọi chung là tổ chức tín dụng được phép, được ấn định tỷ giá mua, bán giao ngay giữa đồng VND với các ngoại tệ khác theo nguyên tắc:
Thứ nhất, với USD, biên độ tỷ giá tối đa là +/-2% so với giá bình quân liên ngân hàng do NHNN áp dụng cho ngày hôm đó. Biên độ này tăng gấp đôi so với mức +/-1% đã áp dụng suốt 4 năm rưỡi qua.
Thứ hai, với các ngoại tệ khác, tổ chức tín dụng được phép tự xác định biên độ, tức là NHNN không quy định.
Thứ ba, chênh lệch giữa giá mua và giá bán cũng do tổ chức tín dụng tự xác định.
Trần tỷ giá lên 22.106 đồng/USD
Với quyết định lần này của Thống đốc, và theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng đang áp dụng là 21.673 đồng thì mức trần tỷ giá VND/USD đã được nâng từ 21.890 đồng lên 22.106 đồng. Tỷ giá sàn giảm từ 21.456 đồng xuống 21.240 đồng.
Lần gần đây nhất NHNN điều chỉnh biên độ tỷ giá là ngày 11/2/2011, khi ấy biên độ giao dịch được giảm từ +/-3% xuống +/-1%. Cùng ngày 11/2 NHNN đã nâng tỷ giá liên ngân hàng ở mức cao kỷ lục là 9,3%, từ 18.932 đồng lên 20.693 đồng.
Từ sau đợt nâng tỷ giá hồi tháng 2/2011 tới nay, tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt, biến động trong biên độ hẹp +/-1% mỗi lần điều chỉnh.
Do Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ
Lý giải cho động thái tăng biên độ tỷ giá lần này, NHNN cho biết, chủ yếu do quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc ở mức 1,9% trong ngày 11/8 – mạnh nhất trong 2 thập kỷ - kéo theo một loạt đồng tiền chủ chốt ở châu Á khác giảm theo. Với đặc thù Trung Quốc là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của Việt Nam thì việc điều chỉnh tỷ giá đồng CNY sẽ có tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam nên NHNN đã đưa ra quyết định nới biên độ tỷ giá để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế nêu trên, đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Trước đó, NHNN luôn tuyên bố sẽ duy trì tỷ giá biến động không quá 2% trong năm nay, và thực tế đã sử dụng hết “room” này trong nửa đầu năm.
Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ thêm 1,6% - ngày thứ hai liên tiếp
Liên quan đến động thái của Trung Quốc, hôm qua nước này điều chỉnh giảm tỷ giá của đồng Nhân dân tệ 1,9% - mức giảm mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Chưa dừng lại, sáng nay 12/8, Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng bản tệ thêm 1,6% - ngày phá giá thứ 2 liên tiếp. Ngay sau quyết định này, đồng CNY trên thị trường quốc tế sụt tiếp 1,8% sau phiên giảm thê thảm nhất kể từ năm 1994 ngày hôm qua.
Theo lý giải của NHTW Trung Quốc, việc cố định tỷ giá giữa USD và Nhân dân tệ đã đi xa khỏi tỷ giá giao ngay trong một thời gian rất dài, làm yếu đi cơ chế tham chiếu của tỷ giá. Khi thị trường ngoại tệ trong nước trở nên phát triển hơn, với các nhà tạo lập thị trường được trang bị kỹ năng quản lý rủi ro, ngân hàng trung ương tin rằng đã tới lúc cơ chế xác định tỷ giá phải được định hướng theo thị trường nhiều hơn nhằm phản ánh tốt hơn cung cầu thị trường.
Các ngân hàng đồng loạt tăng tỷ giá thêm 200 đồng
Sau quyết định của NHNN, sáng nay các ngân hàng đồng loạt nâng tỷ giá, trong đó giá bán ra đều lên trên 22.000 đồng, sát với mức trần cho phép.
Cụ thể tỷ giá của Vietcombank và BIDV là 21.960 - 22.040 đồng; của Vietinbank là 21.970 - 22.040 đồng; của DongABank là 21.940 - 22.040 đồng; của Eximbank và ACB là 21.980 - 22.100 đồng... So với hôm qua, tỷ giá đã tăng khoảng 200 đồng.