MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VAMC - Lo về sau

17-10-2013 - 08:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Liệu các ngân hàng đang muốn dựa vào VAMC để làm sạch bảng cân đối tài chính để nhanh được tái cấp vốn?

DĐĐN có cuộc trao đổi với ông Ngô Trí Long - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) xung quanh vấn đề này.

- Việc NHNN thành lập VAMC với mục đích chủ yếu là giải quyết nợ xấu và lành mạnh hoá tài chính trong các tổ chức tín dụng. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả cho đến lúc này ?

Thực ra cách làm của VAMC không mới, nhiều quốc gia như Malaysia, Thái Lan đã thực hiện. Và ở nước họ, đây là cách làm đã thành công. Tuy nhiên, ở VN thì tôi chưa dám khẳng định chắc chắn rằng VAMC sẽ thành công? Bởi khi nợ xấu đã chuyển về VAMC, việc xử lý những khoản nợ này như thế nào mới là điều quan trọng. VAMC cũng chỉ là Cty trung gian, muốn bán được khoản nợ này, bản thân VAMC phải có đối tác, có thị trường và khách hàng.

Nếu chuyển  các khoản nợ khủng từ các TCTD sang VAMC mà không nghiên cứu đến đầu ra, cách thức xử lý tài sản, nguồn vốn hoạt động, thị trường mua bán thì tất cả mới chỉ dừng lại ở khâu hình thức.

Trước mắt, rất nhiều các TCTD đang xếp hàng mong muốn được bán  được hết nợ cho VAMC. Nhìn vào sự việc, nhiều người cho thấy việc mua nợ của VAMC rất hấp dẫn. Nhưng nhìn sâu xa hơn các ngân hàng này muốn bán nợ xấu, chẳng qua vì muốn làm sạch bảng cân đối tài chính để nhanh được tái cấp vốn.

Dù việc mua bán nợ xấu đã được ký kết, dù VAMC cam kết sẽ cùng các TCTD cơ cấu lại nợ, làm sạch nợ, nhưng thực chất đây cũng mới chỉ là hình thức chuyển giao nợ có thời hạn từ các TCTD sang VAMC. Bởi theo quy định, nếu sau 5 năm, VAMC vẫn không giải quyết được khối tài sản thế chấp, tín chấp, thì VAMC lại có quyền trả lại khoản nợ xấu đã mua cho các TCTD.

- Như vậy có nghĩa là bản chất cốt lõi của nợ xấu chưa được giải quyết?

Nếu chuyển  các khoản nợ khủng từ các TCTD sang VAMC mà không nghiên cứu đến đầu ra, cách thức xử lý tài sản, nguồn vốn hoạt động, thị trường mua bán thì tất cả mới chỉ dừng lại ở khâu hình thức.

Thực tế hiện nay, tình trạng tồn kho không chỉ diễn ra ở các DN sản xuất hàng hoá mà còn xảy ra đối với  nguồn vốn của các NH. Nhiều NH huy động vào nhưng không cho vay được. Thậm chí, có nhiều TCTD, nợ xấu còn lớn hơn vốn điều lệ. Chính vì thế, hướng xử lý về lý thuyết rất trơn tru nhưng trong thực tế còn nhiều rào cản, trở ngại. Do vậy, VAMC có hoạt động hiệu quả hay không còn tuỳ thuộc nhiều vào sự tự giác của các NHTM. Nếu các NH chuyển sang những món nợ không giải quyết được thì VAMC cũng đành bó tay. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều chuyên gia cũng có cái nhìn lo ngại khi VAMC nói số nợ xấu có tài sản bảo đảm. Nếu tài sản đó là bất động sản thì trong bối cảnh này VAMC có mua lại cũng khó mà bán được. Thứ nhất là cơ sở pháp lí của những tài sản đó. Muốn xử lí bất động sản này không chỉ  NHNN mà cả Bộ Tài chính cần làm rõ nguồn gốc, cơ sở pháp lí của nguồn bất động sản. Mặt khác, muốn bán tài sản thế chấp này cũng phải qua các công đoạn pháp lí về giải chấp và bán tài sản thế chấp. Nói chung theo tôi, thủ tục khá phức tạp.

- Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, trước tình hình trên, thời gian tới thị trường có thể bùng nổ cuộc đua bán nợ xấu cho VAMC để né hạn chót (ngày 30/6/2014) thực hiện Thông tư 02. Ý kiến ông về vấn đề này?

Thông tư 02 qui định rõ, NHTM phải hoàn thiện quy định về phân loại nợ, mức trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động. Tuy nhiên, đối với những NH có khoản nợ xấu quá nghiêm trọng, họ buộc phải trình ra để lấy trái phiếu đặc biệt để được tái cấp vốn thực hiện sản xuất kinh doanh, song cũng có không ít NH dè dặt. Theo tôi chắc chắn sẽ không xảy ra cuộc bùng nổ  bán nợ xấu cho VAMC. Ngoài các nguyên nhân tôi đã phân tích ở trên, còn có nguyên nhân là các tổ chức tín dụng bán nợ xấu, họ rất sợ bị phanh phui nhiều khoản nợ "khó lý giải" và  “sân sau” của các khoản nợ đó.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Hà Phương

thanhhuong

Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên