MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vẫn vướng nhiều quy định về tiền tệ

06-01-2012 - 08:50 AM | Tài chính - ngân hàng

Những quy định được ban hành không hợp lý, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đã kiến nghị nhiều lần vẫn chưa được giải quyết, nay lại phát sinh thêm những tình tiết khó khăn mới.

Chưa giải quyết được lãi suất, đã phát sinh khả năng tăng tiền ký quỹ

Bà Nguyễn Thị Khánh, phó chủ tịch hiệp hội Du lịch (HHDL) TP.HCM, cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị về lãi suất tiền ký quỹ vì đây là quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp lữ hành. Theo luật Du lịch, một doanh nghiệp muốn được cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế, ngoài yêu cầu về nghiệp vụ thì phải ký quỹ 250 triệu đồng, dùng để bồi thường trong trường hợp công ty vi phạm hợp đồng cũng như giải quyết rủi ro cho khách du lịch... Tổng cục Du lịch sẽ cấp phép khi doanh nghiệp có xác nhận từ các ngân hàng về tiền ký quỹ. Tuy nhiên, tiền ký quỹ chỉ được lãi suất không kỳ hạn. Tính đến hết năm 2011, cả nước có gần 1.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế nên tổng số tiền ký quỹ đang nằm trong các ngân hàng không nhỏ.

Sau nhiều lần HHDL và sở Văn hoá, thể thao và du lịch (VT-TT-DL) TP.HCM kiến nghị, quy định tiền ký quỹ được hưởng lãi suất có kỳ hạn theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng mới được đề cập trong dự thảo lần hai của nghị định mới để sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 92/2007/NĐ-CP. Thế nhưng, lại phát sinh ra khả năng doanh nghiệp phải tăng tiền ký quỹ bởi trước đây chỉ quy định một mức ký quỹ là 250 triệu đồng cho doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, bao gồm cả đưa khách du lịch ra nước ngoài (outbound) và khách du lịch vào Việt Nam (inbound). Trong dự thảo sửa đổi, mức ký quỹ được chia ra làm hai loại: 250 triệu đồng cho kinh doanh đưa khách vào Việt Nam và 500 triệu đồng nếu doanh nghiệp đưa khách du lịch ra nước ngoài hoặc kinh doanh cả hai lĩnh vực.

Theo các công ty lữ hành, việc tăng tiền ký quỹ sẽ là một khó khăn mới cho các công ty lữ hành, vì công ty nào đã đăng ký lữ hành quốc tế thì muốn làm cả hai. Trong tình hình tài chính của doanh nghiệp khó khăn, nếu có quy định mới thì doanh nghiệp phải bỏ thêm nhiều tiền vào ngân hàng nữa. Trong khi đó, tiền ký quỹ gần như là tiền “chết” trong ngân hàng, rất khó rút ra khi cần. Tại đại hội HHDL Việt Nam vừa qua, các công ty lữ hành cho rằng phải làm rõ cơ chế quản lý và sử dụng tiền ký quỹ, cơ quan nào có quyền quyết định cho doanh nghiệp rút tiền, chứ để doanh nghiệp bỏ ra một khoản tiền lớn mà không lưu thông, không luân chuyển được thì không hợp lý, trong khi những rủi ro của du khách thường đã có công ty bảo hiểm lo.

Mất khách vì báo giá bằng tiền đồng

Theo nghị định 95/2011/NĐ-CP, phạt tiền 300 – 500 triệu đồng đối với hành vi niêm yết giá, quảng cáo hàng hoá, dịch vụ bằng ngoại tệ hoặc vàng không đúng quy định của pháp luật. Không chỉ các công ty lữ hành mà cả các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn cũng vô cùng bức xúc vì năm qua mất khách khi đưa thông tin giá tour, phòng khách sạn bằng VND thay vì bằng USD hay euro.

Ông Lại Hữu Phương, giám đốc công ty du lịch Bến Thành cho rằng việc cấm niêm yết giá bằng ngoại tệ chỉ nên áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ phục vụ khách tại Việt Nam. Còn lữ hành đưa khách quốc tế vào Việt Nam thì Chính phủ nên coi là hành động xuất khẩu tại chỗ, nên việc niêm yết giá quảng cáo tour cho người nước ngoài nên cho tính theo USD hoặc euro. 

Đúc kết thời gian qua, doanh nghiệp nhận thấy, khi tiếp nhận báo giá bằng VND, khách nước ngoài có tâm lý e ngại vì thấy dãy số quá dài nên nghĩ giá tour hay phòng khách sạn quá cao, nhiều khách ở các nước không biết tính ra bao nhiêu tiền của họ thay vì dễ quy đổi nếu giá là USD. Mặt khác, do tỷ giá ngoại tệ và VND thay đổi thường xuyên nên giá niêm yết của tour và phòng khách sạn cứ phải điều chỉnh khiến khách cho rằng doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh không uy tín.

Ông Từ Quý Thành, giám đốc công ty du lịch Liên Bang, nêu thêm một nỗi khổ là do khách yêu cầu chuyển đổi VND sang USD trên bảng báo giá để họ dễ trình duyệt, chỉ gửi mail báo giá thôi mà quản lý thị trường đã gọi phạt, ít nhất 500 triệu đồng là oan ức cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh du lịch ngày càng gay gắt với các nước trong khu vực, nghĩ cách tìm khách đã mệt mỏi rồi, doanh nghiệp còn phải đối phó với những quy định không hợp lý nữa thì càng đuối.

Các doanh nghiệp kiến nghị chỉ nên quy định về phương diện thanh toán, trên lãnh thổ Việt Nam thì chỉ cho phép giao dịch bằng VND, còn trên niêm yết giá cho người nước ngoài tham khảo, nhất là lĩnh vực đặc biệt như lữ hành, khách sạn thì nên cho dùng ngoại tệ thông dụng hoặc dùng cả VND cùng lúc.

Theo Các Ngọc

SGTT

tungns1

Trở lên trên