MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vàng vẫn đang trong xu hướng tăng giá

07-11-2009 - 06:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Vàng đã tăng giá khá nóng thời gian gần đây nhờ sự đóng góp của các quỹ đầu cơ thế giới và làm dấy lên e ngại sẽ có lúc các quỹ này bán vàng ra thu lợi nhuận.

Giá vàng đã tăng hơn một triệu đồng/lượng chỉ trong vòng năm ngày từ đầu tuần đến nay. Để tìm hiểu các yếu tố tác động lên giá vàng và xu hướng giá của kim loại quý này, ông Bùi Việt Cường, Trưởng phòng phân tích và tư vấn của Trung tâm giao dịch vàng Việt Nam (VGB) đã có trao đổi về diễn biến này.

Ông cho biết vì sao giá vàng trong nước tăng liên tục từ đầu tuần đến nay?

Giá trong nước tăng liên tục là do ảnh hưởng của giá vàng thế giới tăng mạnh trong thời gian qua cũng như tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ - dùng để quy đổi giá thế giới sang tiền đồng - đang có khuynh hướng tăng trở lại. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do giá vàng thế giới tăng mạnh tác động đến tâm lý nhà đầu tư và đẩy giá trong nước tăng theo.

Ấn Độ vừa công bố mua 200 tấn vàng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Điều đó tác động như thế nào đến giá vàng?

Trước đây khi IMF công bố sẽ bán ra 400 tấn vàng, nhiều người e ngại giá vàng sẽ giảm. Tuy nhiên, sau khi Ấn Độ mua 200 tấn vàng từ IMF thì tâm lý e ngại này đã được giải tỏa và giá vàng thế giới tăng liên tục từ khi có thông tin này.

Quyết định của Ngân hàng trung ương Ấn Độ mua một khối lượng vàng lớn như vậy cho thấy xu hướng các nước chuyển hóa dự trữ từ đô la Mỹ sang vàng đang diễn ra mạnh.

Trung Quốc có nhu cầu về vàng lớn hơn rất nhiều so với Ấn Độ, có nhiều ngoại tệ dự trữ nhất thế giới và có thể sẵn sàng làm điều mà Ấn Độ đã làm. Xu hướng chuyển hóa dự trữ như vậy hỗ trợ rất mạnh cho giá vàng.

Giữa vàng và đồng đô la Mỹ có tương quan như thế nào và động thái các nước khác đối với đồng đô la hiện nay có tác động thế nào đến giá vàng?

Vàng đang tăng giá mạnh, hay nói cách khác là đô la Mỹ đang mất dần vị thế so với vàng, nhưng so với các ngoại tệ mạnh khác như euro, bảng Anh, hay yen Nhật thì đồng bạc xanh đang phần nào lấy lại giá trị của mình thời gian gần đây.

Đô la Mỹ mất giá sẽ ảnh hưởng đến những nước có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Vì đây là thời điểm các nước đang cố gắng khôi phục kinh tế sau suy thoái, và một trong những cách phục hồi kinh tế là thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, cho nên việc đồng đô la Mỹ giảm giá quá mức sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của các nước này.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh từng tuyên bố, đồng bảng Anh mất giá sẽ tốt hơn cho cán cân thương mại của Anh; trong khi Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ liên tục can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối nhằm hạn chế sự tăng giá quá mức của franc Thụy Sĩ so với đô la Mỹ. Các nước châu Âu cũng lên tiếng cho rằng việc mất giá của đồng đô la Mỹ gây khó khăn cho xuất khẩu và tuyên bố sẽ có các biện pháp phù hợp để hạn chế điều đó.

Việc can thiệp của các nước sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến giá vàng vì nhà đầu tư sẽ chuyển sang đầu tư đô la Mỹ do thấy đô la Mỹ có khả năng tăng giá.

Giá vàng thế giới ngày 6-11 đã vược mốc 1.090 đô la Mỹ/ounce, vượt xa mức đỉnh cũ là 1.070 đô la Mỹ/ounce. Theo ông, liệu vàng có tiếp tục tăng giá hay không?

Vàng đã tăng giá khá nóng thời gian gần đây nhờ sự đóng góp của các quỹ đầu cơ thế giới và làm dấy lên e ngại sẽ có lúc các quỹ này bán vàng ra thu lợi nhuận. Tuy nhiên, vàng vẫn đang trong xu hướng tăng giá, và việc bán vàng của các quỹ sẽ chỉ khiến giá vàng hạ nhiệt chứ không thể làm nó đảo chiều.

Sự đảo chiều chỉ có thể xảy ra khi đô la Mỹ tăng giá mạnh trở lại so với các ngoại tệ khác, mà theo tình hình hiện nay thì khả năng đô la Mỹ tăng giá mạnh trở lại chỉ có thể xảy ra trong ba đến sáu tháng tới.

Xin cảm ơn ông.

Theo Thủy Triều
TBKTSG

thanhtu

Trở lên trên