Vào “mùa tín dụng”, các ngân hàng bắt đầu đẩy mạnh cho vay
Không phải tín dụng tăng mạnh mà các ngân hàng tỏ ra thờ ơ với việc cho vay, ngược lại họ vẫn liên tục đưa ra các gói tín dụng để kích cầu.
- 04-09-2015Các ngân hàng sẽ phải đối mặt thách thức huy động vốn
- 04-09-2015Bức tranh toàn diện về xử lý nợ xấu ngân hàng từ 2010 đến tháng 8/2015
Trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, tín dụng của hệ thống ngân hàng thường tăng mạnh kể từ tháng 9 cho đến cuối năm. Có những ngân hàng qua 9 tháng tăng trưởng tín dụng chưa nổi 3%, nhưng 3 tháng cuối năm đã vươn lên ngoạn mục và cán đích cả năm trên 10%. Và vì thế, giai đoạn 4 tháng cuối năm thường được giới ngân hàng gọi vui là “mùa tín dụng”.
Năm nay, tín dụng của toàn hệ thống đã tăng nhanh ngay từ các tháng đầu năm, tình trạng tín dụng “âm” hầu như không xuất hiện. Chưa hết 8 tháng, tín dụng của nền kinh tế đã tăng trưởng 9,54%, gần bằng tốc độ tăng trưởng cả năm của các năm trước. Trước đó, hồi tháng 7, gần 20 ngân hàng trong hệ thống đã được NHNN chấp thuận cho nới “room” tín dụng lên mức rất cao, có nhà băng được lên tới 30%, thậm chí là 36%, vì đã “tiêu” gần hết chỉ tiêu trong các tháng trước đó.
Tuy nhiên, không phải tín dụng tăng mạnh mà các ngân hàng tỏ ra thờ ơ với việc cho vay, ngược lại họ vẫn liên tục đưa ra các gói tín dụng để kích cầu.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết sẽ dành 4.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp vay đảm bảo bằng thẻ tiết kiệm từ nay đến hết năm 2015. Theo đó, khách hàng doanh nghiệp trên có cơ hội vay vốn ưu đãi đảm bảo bằng thẻ tiết kiệm VND hoặc USD do HDBank hoặc các tổ chức tín dụng khác phát hành, lãi suất từ 6,5%/năm tùy từng kỳ hạn của thẻ tiết kiệm. Lãi suất vay được giữ cố định trong suốt thời gian vay.
Ngân hàng VPBank trong khi đó cho các khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vay tới 2.000 tỷ,với cơ hội giảm lãi suất tới 1,8% so với biểu lãi suất thông thường trong gói vay dưới 2 tỷ đồng và giảm tối đa 2% lãi suất so với thông thường cho các khoản vay trên 2 tỷ đồng. VPBank tuy nhiên lưu ý khách hàng phải không có nợ xấu trong vòng 13 tháng qua và cũng không nằm trong ngành hạn chế cho vay.
Ngân hàng ABBank cũng dành 1.000 tỷ đồng cho các khách hàng doanh nghiệp vay trung và dài hạn với lãi suất từ 7,5%/năm, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp thuộc 5 nhóm ngành ưu tiên là sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực phát triển nông nghiệp – nông thôn, công nghệ cao.
Ngân hàng SCB đang triển khai chương trình dành cho các Doanh nghiệp bình ổn và các Doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nhằm bổ sung kịp thời nguồn vốn lưu động thiếu hụt trong quá trình sản xuất kinh doanh với tổng giá trị gói tín dụng 500 tỷ đồng, lãi suất cho vay cố định 6,99%/năm trong suốt thời hạn vay và hạn mức cấp tín dụng đến 90% tổng nhu cầu vốn...
Tổng giám đốc ngân hàng N. cho biết, việc triển khai các gói tín dụng cho giai đoạn cuối năm đã được các ngân hàng lên "kịch bản" từ trước vì nhu cầu vốn các tháng cuối năm thường rất cao, trong khi ngân hàng cũng muốn giải phóng nguồn tiền của họ. Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ không cho vay dễ dãi như trước đây bởi một phần lo ngại nợ xấu, một phần phải đảm bảo được mức chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra hợp lý (trên 2%).
Vị này dự báo thêm, tín dụng các tháng cuối năm dù được các ngân hàng chú trọng nhưng sẽ khó có chuyện tăng đột biến vì xu hướng lãi suất rất có thể sẽ gia tăng trước những lo ngại lạm phát đi lên sau các đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua.