MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ ngân hàng VDB ngừng cho vay tại Thanh Hóa: Phải làm rõ trách nhiệm cá nhân

27-10-2013 - 06:43 AM | Tài chính - ngân hàng

Dù là án kinh doanh thương mại hay án dân sự thì vụ việc này cũng đã là một “vết nhơ” khó phai trong mối quan hệ rất xấu của nhà cung cấp tín dụng với nhà đầu tư.

Trong hai ngày 22-23.10, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại vay vốn xây dựng Trường TH-THCS Thanh Hoa giữa nguyên đơn là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Cty Tây Đô. 

Bị đơn đã đưa ra những chứng cứ pháp lý bác bỏ quan điểm của VDB cho rằng DN không làm hồ sơ giải ngân, khối lượng không đảm bảo nên không được tiếp tục rót vốn.

VDB đơn phương ngừng giải ngân

Mở đầu phiên tòa, ông Phương Ngọc Hà - GĐ VDB Thanh Hóa -thông báo rút nội dung kháng án, không yêu cầu Cty Tây Đô phải kê biên tài sản. Tiếp đó, ông Hà nêu quan điểm rằng: Chi nhánh VDB Thanh Hóa dừng giải ngân cho dự án Trường dân lập Thanh Hoa bởi hai lý do cơ bản, đó là do Cty Tây Đô không làm hồ sơ rút vốn vay và khối lượng công trình không đảm bảo.

Ông Phương Ngọc Hà - GĐ Chi nhánh VDB Thanh Hóa (người ngồi giữa, hàng đầu). Ảnh: Anh Tuấn

Về việc này, ông Bùi Văn Hùng - GĐ Cty Tây Đô -phản bác và khẳng định, ngay trong nội tại điều kiện ông Phương Ngọc Hà đưa ra đã cho thấy có sự mâu thuẫn. Ông Bùi Văn Hùng đưa ra các bằng chứng chứng minh cho việc VDB dừng giải ngân là trái quy định của pháp luật.

Theo ông Hùng thì tại hồ sơ giải ngân lần thứ 10, quý I/2010, VDB sẽ giải ngân cho Cty Tây Đô tổng số tiền 30 tỉ đồng. Nhưng tính đến ngày 4.2, VDB mới giải ngân được 22,6 tỉ đồng rồi dừng lại một cách đột ngột.

Luật sư Phạm Văn Cương - GĐ Cty Luật T.H thuộc Đoàn luật sư TP.Hà Nội, bảo vệ quyền lợi cho Cty Tây Đô - đưa ra chứng cứ rằng: Theo kế hoạch thì quý I/2010 VDB đã chấp thuận hồ sơ giải ngân với tổng giá trị khối lượng công trình của Cty Tây Đô là trên 135 tỉ đồng. Do đó, VDB đồng ý cho Cty này rút vốn với số tiền 30 tỉ đồng; trong đó có 19,6 tỉ đồng thuộc hợp đồng số 12/2008, 10,4 tỉ đồng thuộc hợp đồng kế tiếp số 130/2009. Đến ngày 4.2.2010, VDB giải ngân được 22,6 tỉ đồng, còn lại 7,4 tỉ đồng nằm trong kế hoạch đã được VDB chấp thuận.

Song cũng từ đây, phía VDB đơn phương dừng giải ngân cho Cty vay theo lộ trình. Luật sư Phạm Văn Cương lập luận: “Đây mới là vấn đề mấu chốt cần được các cấp tòa xem xét một cách kỹ lưỡng. Với bộ hồ sơ giải ngân quý I/2010 đã được VDB chấp thuận thì không có quyền dừng giải ngân cho Cty Tây Đô trái quy định nội dung đã ký kết tại bản hợp đồng số 130/2009 được. Thế nhưng, VDB vẫn ngang nhiên vi phạm là điều cần được pháp luật phán xét công tâm”.

Dự án chết thê thảm

Tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện KSND tỉnh đã hỏi ông Phương Ngọc Hà: VDB cho Cty Tây Đô vay tiền có vì mục đích lợi nhuận thương mại không?

Ông Hà trả lời rằng, về cơ bản VDB hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, song trong từng dự án cụ thể thì có những dự án phải trả lãi theo quy định, trường hợp của Cty Tây Đô là một ví dụ cụ thể nhất.

Theo ông Hà thì việc thu lợi nhuận từ nguồn vốn cho Cty Tây Đô vay là để trang trải một phần các chi phí trả lương cho cán bộ, công nhân viên làm việc tại VDB, bổ sung chi phí thường xuyên.

Cty TĐ cho rằng VDB đã vi phạm hợp đồng tín dụng dẫn đến hậu quả nêu trên.

Đại diện Viện KSND tỉnh cho rằng nếu hoạt động của VDB cho Cty Tây Đô vay vì yếu tố lợi nhuận thương mại thì đã vi phạm quy định của Chính phủ. Thế nhưng, quan điểm của Viện KSND tỉnh đưa ra tại phiên tòa là: Ngày 4.5.2013, Viện KSND TP.Thanh Hóa đưa ra kháng nghị số 02, kháng nghị bản án kinh doanh thương mại số 04 ngày 22.4.2013 của TAND TP.Thanh Hóa nhận định, đây không phải là vụ án kinh doanh thương mại mà là vụ án dân sự?

Tuy hoạt động đầu tư tín dụng của VDB là nhằm mục đích kinh doanh thương mại, nhưng không được quy định trong Luật Thương mại năm 2005 nên phải áp dụng theo Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết. Viện KSND tỉnh khẳng định, kháng nghị của Viện KSND TP.Thanh Hóa là có cơ sở, khiến nhiều người dự tại phiên tòa hoài nghi về quan điểm của cơ quan này có thực sự công tâm, khách quan?

Một sự thật mà bất cứ một người dân nào ở Thanh Hóa cũng thấy: Cho dù là án kinh doanh thương mại hay án dân sự thì vụ việc này cũng đã là một “vết nhơ” khó phai mờ trong mối quan hệ rất xấu của nhà cung cấp tín dụng với nhà đầu tư.

Dư luận một lần nữa đòi hỏi phải truy tìm cho bằng được ai đã cố tình làm trái quy định của Nhà nước, gây ra những hậu quả vô cùng xấu và lớn tại dự án xã hội hóa giáo dục đầy kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân Thanh Hóa này.

Cuối phiên tòa, ông Bùi Văn Hùng - GĐ Cty Tây Đô - phát biểu trước hội đồng xét xử: “Nếu ông Phương Ngọc Hà làm đúng quy định của pháp luật thì hậu quả của dự án Trường TH-THCS Thanh Hoa không thê thảm như ngày hôm nay”. Kết thúc phần tranh luận, tòa đi vào nghị án trong thời gian 5 ngày làm việc.

Theo Anh Tuấn

hangnt

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên