10 đồng tiền "mỏng manh" nhất thế giới
Theo Hans Redeker, người phụ trách chiến lược ngoại tệ tại Morgan Stanley, các “nạn nhân” chính khi chính sách của Trung Quốc thay đổi là tiền tệ của các nước có xuất khẩu cũng như lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu phụ thuộc vào Trung Quốc.
- 14-08-2015Ám ảnh chiến tranh tiền tệ
- 13-08-2015Trung Quốc toan tính gì khi phá giá nhân dân tệ?
- 12-08-2015Quốc gia nào bị tổn thương nặng nhất khi Nhân dân tệ sụt giá?
Năm 2013, Morgan Stanley đã đưa ra khái niệm “Fragile Five” (tạm dịch: Bộ ngũ mỏng manh) dùng để chỉ các nền kinh tế mới nổi đang đứng trước những rủi ro rất lớn với tăng trưởng giảm tốc và những mối đe dọa từ diễn biến của kinh tế toàn cầu. Và, những ngày gần đây, các chuyên gia đến từ ngân hàng Morgan Stanley đang lo lắng về cái được gọi là “Troubled Ten” (tạm dịch: 10 nước rắc rối).
Đó là nhóm 10 quốc gia mà Morgan Stanley đánh giá là sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Từ đồng real của Brazil tới đồng sol của Peru hay đồng won của Hàn Quốc, các đồng tiền này đều đang gặp rắc rối vì những mối gắn kết thương mại với Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc.
Theo Hans Redeker, người phụ trách chiến lược ngoại tệ tại Morgan Stanley, các “nạn nhân” chính khi chính sách của Trung Quốc thay đổi là tiền tệ của các nước có xuất khẩu cũng như lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu phụ thuộc vào Trung Quốc.
Morgan Stanley đã đúng về nhóm Fragile Five. 5 nước này có tới 4 đồng tiền thuộc danh sách 8 đồng tiền tệ nhất thế giới kể từ năm 2013 đến nay. Đồng real của Brazil, cùng với lira của Thổ Nhĩ Kỳ, rand của Nam Phi, rupee của Ấn Độ và rupiah của Indonesia, đã giảm giá rất mạnh vì lãi suất trên toàn cầu tăng lên khiến các nước này gặp nhiều khó khăn trong việc tài trợ thâm hụt cán cân vãng lai.
Theo Redeker, thách thức lớn nhất hiện nay là kinh tế toàn cầu đang hụt hơi. Mặc dù các NHTW ở Nhật Bản, châu Âu và Mỹ đều đã triển khai các biện pháp kích thích lớn chưa từng thấy, trong năm nay kinh tế thế giới vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ thấp nhất kể từ 2009.
Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ không thể dựa vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng. Ngược lại, tăng trưởng chậm khiến các đối tác thương mại của Trung Quốc phải chịu trận.
Morgan Stanley định nghĩa nhóm mới gồm có đồng rand Nam Phi, real Brazil, đồng baht Thái Lan, dollar Singapore, dollar Đài Loan, peso của Chile, peso Colombia, đồng ruble của Nga, đồng won Hàn Quốc và đồng sol của Peru.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với hầu hết các quốc gia trong nhóm này. Năm 2014, Trung Quốc là điểm đến của 37% hàng hóa xuất khẩu từ Nam Phi và 30% hàng hóa từ Hàn Quốc.
Động thái phá giá nhân dân tệ của NHTW Trung Quốc tuần trước đã khiến thị trường toàn cầu chao đảo. Chỉ số được Bloomberg xây dựng theo dõi các đồng tiền mới nổi (vốn đã chịu áp lực từ tăng trưởng và giá hàng hóa) đã giảm 0,9% trong tuần trước, xuống mức thấp kỷ lục.
Dù các thị trường chao đảo, nhà đầu tư vẫn cho rằng có nhiều khả năng Fed sẽ không từ bỏ kế hoạch nâng lãi suất vào tháng 9 tới. Đây là điều nguy hiểm hơn bởi dòng vốn sẽ tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi.