MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 xu thế nổi bật nhất về người tiêu dùng Trung Quốc

29-07-2011 - 12:06 PM | Tài chính quốc tế

Sở thích của 1,3 tỷ người Trung Quốc đủ khả năng điều khiển nhu cầu và thay đổi tiêu dùng của toàn thế giới.

Khi Trung Quốc trở nên ngày một quan trọng với kinh tế toàn cầu, không nhà đầu tư hay lãnh đạo nào trong giới kinh doanh dám lờ đi ảnh hưởng của người tiêu dùng Trung Quốc. Sở thích của 1,3 tỷ người Trung Quốc đủ khả năng điều khiển nhu cầu và thay đổi tiêu dùng của toàn thế giới.

Cơ quan thống kê Trung Quốc công bố tiêu dùng người dân mỗi năm tăng trưởng 18% trong khi đó con số này tại Mỹ chỉ ở mức 2,2%.

Nhiều công ty nước ngoài đã khẳng định rằng việc tiếp cận thị trường Trung Quốc nghe qua rất hay nhưng để làm được, cực kỳ khó. Hãng sản xuất đồ nội thất Home Depot của Mỹ đã đóng cửa 5/10 cửa hàng từ khi gia nhập thị trường này vào năm 2006. Best Buy, hãng kinh doanh hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới, trong năm 2011 đã đóng cửa tất cả các cửa hàng tại Trung Quốc.

Và đế chế bán lẻ nổi tiếng thế giới, Wal-Mart, sau 12 năm vào Trung Quốc cũng chỉ kinh doanh có lãi duy nhất vào năm 2008.

Tuy nhiên, ngoài thất bại cũng phải kể đến thành công. Yum! đã trở thành công ty kinh doanh các đồ ăn nhanh kiểu phương Tây lớn nhất tại Trung Quốc. Yum! hiện nắm 40% thị phần thị trường đồ ăn nhanh của Trung Quốc trong khi đó McDonald chỉ có 16%.

Không ít trong số các xu thế tiêu dùng của người Trung Quốc được nêu ra dưới đây sẽ khiến bạn ngạc nhiên.

Nhu cầu về ngô

Trung Quốc tiêu thụ nhiều ngô nhất thế giới và xu thế này vẫn tiếp tục dâng cao hơn. Trung Quốc là nước sản xuất ngô lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ. Điều này thật đáng ngạc nhiên đối với một nước mà lương thực chính là gạo.

Trên thực tế, phần lớn ngô tại Trung Quốc (75%) được dùng làm thức ăn chăn nuôi. Tiêu thụ ngô tăng đều đặn trong những năm qua, mức tăng mỗi năm tới 3% trong suốt thập kỷ qua.

Tính đến cuối năm 2011, Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn ngô, hơn gấp đôi con số 2 triệu tấn của năm 2010. Nhu cầu ngô tại Trung Quốc tăng cao khiến giá ngô trên thị trường New York tăng 17% chỉ riêng từ đầu năm 2011 đến nay.

Nhu cầu ngũ cốc dùng trong chăn nuôi tăng khi người Trung Quốc giàu có hơn, tiêu thụ thịt mạnh hơn. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng đang đòi hỏi về thịt chất lượng cao. Thay cho nhập khẩu, chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích người nông dân cho bò và lợn ăn ngô, đậu tương.

Thực phẩm và các loại hạt

Quy mô thị trường thực phẩm của Trung Quốc dự kiến tăng trưởng lên mức 70 tỷ USD vào năm 2015, cao hơn gấp 3 so với con số 20 tỷ USD vào năm 2010. Nhu cầu thực phẩm phục vụ cho sức khỏe ngày một tăng cao tại đất nước mà tầng lớp trung lưu ngày một giàu có và dân số già đi, nhu cầu trái cây, ngũ cốc và sữa chua nhập khẩu tăng mạnh.

Giá của các loại hạt điều, hạch, hồ đào và hạnh nhân hiện đang ở mức cao kỷ lục do Trung Quốc nhập khẩu mạnh. Thị trường cung cấp các vi khuẩn có lợi (probiotic) tại Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 120% trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2012,

Nhiều nước đang cố gắng đáp ứng nhu cầu thực phẩm vì sức khỏe của Trung Quốc. Tháng 7/2011, Chile ký hợp đồng để trở thành nhà xuất khẩu việt quất trực tiếp vào Trung Quốc duy nhất sau 2 năm bàn thảo.

Internet trên di động

Ngành Internet trên di động của Trung Quốc đang tăng trưởng ấn tượng, tốc độ cao hơn cả nhiều nước phát triển khác trên khắp thế giới.

Khoảng 22% người dùng điện thoại di động tại khu vực đô thị Trung Quốc lướt web trên điện thoại di động ít nhất 1 tuần 1 lần trong năm 2010, cao hơn nhiều so với con số 15% vào năm 2009.

Con số này không hề tệ với một thị trường có tới 770 triệu người dùng điện thoại di động và 318 triệu người dùng điện thoại cho phép truy cập Internet.

Xu thế khác đang tăng trưởng nhanh chính là dịch vụ gửi tin nhắn trực tiếp, như MSN và QQ. Năm 2008, chỉ 1% dân số Trung Quốc dùng dịch vụ kiểu này, thế nhưng chỉ 2 năm sau đó, con số đã lên mức 15%.

Công ty Nokia của Phần Lan hiện đang thống trị thị trường di động Trung Quốc thế nhưng công ty đang đương đầu với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ phía Apple và Samsung. Trong khi đó, một số hãng nội địa như HTC, Huawei và ZTE cũng đang thu hút được nhiều sự quan tâm tại Trung Quốc.

Tiêu thụ rượu

Theo Euromonitor, năm 2015, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nước tiêu thụ rượu nhiều nhất thế giới. Năm 2009, 126 triệu chai rượu đã được bán tại Trung Quốc.

Hiện nay, tiêu thụ rượu tại Trung Quốc đang tăng với tốc độ nhanh nhất thế giới, tốc độ tăng trưởng mỗi năm đạt khoảng 20%/năm trong suốt thập kỷ qua. Doanh số bán rượu nhập khẩu tăng nhanh hơn so với rượu nội địa.

Người Trung Quốc coi uống rượu như một cách để khiến tinh thần hưng phần, số lượng phụ nữ Trung Quốc uống rượu ngày một tăng, nhu cầu rượu tại thị trường Trung Quốc cũng vì vậy không ngừng cao hơn.

Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng đưa ra biện pháp khiến rượu nội địa trở nên hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng. Đầu tháng 7/2011, công ty thực phẩm Bright Food Group thuộc nhà nước Trung Quốc cho biết họ đang cân nhắc mua lại cơ sở sản xuất rượu tại Úc, Pháp, Chile và Mỹ.

Du lịch nước ngoài

Thị trường du lịch Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Với khoảng 65 triệu chuyến du lịch xuất ngoại trong năm 2011, UN dự báo con số này đến năm 2020 có thể vượt mức 100 triệu.

Giới giàu mới nổi Trung Quốc hiện rất quan tâm đến việc đi du lịch nước ngoài, trước đây, rất ít người muốn đi du lịch ra khỏi đất nước rộng lớn của họ. Khách du lịch Trung Quốc đang chi tiêu nhiều tiền trong các chuyến đi ra nước ngoài của họ, ngành du lịch các nước có điều kiện phát triển mạnh hơn.

Hàng loạt các hàng không tại Trung Đông cho đến New Zealand đang cố gắng mở đường bay thẳng đến nhiều thành phố của Trung Quốc. Năm 2010, khoảng 450 nghìn người Trung Quốc tiêu 3 tỷ USD tại Úc, cao hơn 20% so với năm trước đó.

Người Trung Quốc thường đi du lịch theo nhóm lớn, có nhóm lên tới 12.000 người đến châu Âu.

Các khách sạn và công ty lữ hành khắp thế giới chạy đua để đón đầu xu thế này. Khách sạn Burj Al Arab tại Dubai đã tuyển rất nhiều nhân viên nói tiếng Trung Quốc, in tờ rơi và chương trình bằng tiếng Trung Quốc, ngoài ra còn bổ sung đồ ăn Trung Quốc vào thực đơn.

Còn tiếp…

Ngọc Diệp
Theo CNBC

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên