MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 cách đồng USD mạnh tác động tới kinh tế thế giới

17-04-2015 - 12:41 PM | Tài chính quốc tế

USD mạnh có thể là lợi thế cho một vài người, nhưng đối với một số công ty và nhà đầu tư Mỹ, đây không phải là tin tốt lành.

Tóm tắt:

- Đồng USD tăng giá ảnh hưởng đến các công ty Mỹ có hoạt động ở nước ngoài theo hai cách: các sản phẩm của họ trở nên đắt đỏ hơn – và do đó ít hấp dẫn hơn - ở các thị trường nước ngoài.

- USD mạnh đe dọa kinh tế Mỹ nhưng là lực đẩy đối với eurozone và Nhật Bản

- Ở các thị trường mới nổi thuộc châu Á và Mỹ Latinh, USD mạnh là “con dao hai lưỡi”. Đây là lực đẩy cho xuất khẩu nhưng lại là mối đe dọa đối với hệ thống tài chính.


Kể từ ngày 30/6, đồng USD đã tăng 28% so với euro, 18% so với yên Nhật và 40% so với đồng real Brazil. Kể từ năm 1981, USD chưa bao giờ mạnh như vậy.

Nguyên nhân chính khiến USD tăng giá là bởi kinh tế Mỹ đang có diễn biến vượt trội so với hầu hết các nền kinh tế phát triển khác. Một nguyên nhân khác là lãi suất ở Mỹ cao hơn ở châu Âu và Nhật Bản.

USD mạnh có thể là lợi thế cho một vài người, nhưng đối với một số công ty và nhà đầu tư Mỹ, đây không phải là tin tốt lành.

Hôm qua (15/4), hãng hàng không Delta Air Lines cho biết đồng USD tăng giá đang ảnh hưởng đến doanh thu ở một vài thị trường nước ngoài. Họ cũng thông báo kế hoạch thu hẹp hoạt động ở các thị trường Nhật Bản, Brazil, Ấn Độ, châu Phi và Trung Đông. Trong khi đó Johnson & Johnson cũng đổ tội đồng USD đã khiến lợi nhuận quý I của hãng giảm gần 9%.

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF trong bản báo cáo mới nhất cũng hạ dự báo triển vọng kinh tế Mỹ trong năm nay và năm sau, cho rằng đồng USD mạnh làm tổn hại đến hoạt động xuất khẩu.

Ở Mỹ, USD mạnh khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp suy giảm, đè nặng lên tăng trưởng kinh tế nhưng đây lại là “thời điểm vàng” để người Mỹ đi du lịch. Ở châu Âu và Nhật Bản, USD mạnh lại là “liều thuốc giảm đau” cho những nền kinh tế đã trì trệ suốt nhiều năm qua. Trong khi đó, ở các nền kinh tế mới nổi thuộc châu Á và Mỹ Latinh, USD mạnh đang đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính.

Dưới đây là những tác động từ đồng USD mạnh được Business Insider liệt kê:

Lợi nhuận của các doanh nghiệp

Đồng USD tăng giá ảnh hưởng đến các công ty Mỹ có hoạt động ở nước ngoài theo hai cách: các sản phẩm của họ trở nên đắt đỏ hơn – và do đó ít hấp dẫn hơn - ở các thị trường nước ngoài. Điều này có nghĩa là doanh thu mà các công ty Mỹ nhận bằng euro hay yên sẽ bị suy giảm giá trị khi quy đổi sang đồng USD ở quê nhà.

Ví dụ, J&J cho biết tỷ giá bất lợi khiến doanh thu ở nước ngoài trong quý I giảm 13% giá trị.

Nhìn chung, triển vọng kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp Mỹ đã bị xói mòn nặng nề dưới tác động của đồng USD. Tính đến cuối năm ngoái, các chuyên gia phân tích dự báo lợi nhuận quý I của các công ty trong chỉ số Standard & Poor's 500 sẽ chỉ tăng trưởng 4%.

Tồi tệ hơn, những công ty có hơn một nửa doanh thu đến từ bên ngoài nước Mỹ dự báo lợi nhuận của họ sẽ sụt giảm 12%. Số còn lại cũng chỉ hi vọng lợi nhuận giữ nguyên.

Tăng trưởng kinh tế

Bị đè nặng bởi đồng USD mạnh, xuất khẩu của Mỹ đã giảm 3% trong năm ngoái và giảm thêm 1% trong 2 tháng đầu năm. Xuất khẩu giảm khiến tăng trưởng kinh tế cũng suy giảm.

IMF vừa hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ xuống còn 3,1% trong năm nay và năm tới. Con số này cao hơn mức 2,4% của năm 2014, nhưng thấp hơn mức được đưa ra hồi tháng 1.

Ngược lại, Nhật Bản và châu Âu được dự báo sẽ hưởng lợi từ sức mạnh của đồng USD.

IMF kỳ vọng kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1% trong năm nay, cao hơn mức dự báo 0,6% trước đó. Dự báo đối với eurozone cũng được tăng từ 1,2% lên 1,5%.

Ổn định tài chính

Ở các thị trường mới nổi thuộc châu Á và Mỹ Latinh, USD mạnh là “con dao hai lưỡi”. Đây là lực đẩy cho xuất khẩu nhưng lại là mối đe dọa đối với hệ thống tài chính.

Tận dụng lãi suất siêu thấp, trong suốt thập kỷ vừa qua các nước mới nổi đã tích cực vay mượn bằng đồng USD. Từ năm 2005 đến 2015, nợ bằng đồng USD ở các thị trường mới nổi châu Á (hầu hết là trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay nợ) đã tăng từ 262 lên 837 tỷ USD và tăng từ 586 lên 963 tỷ USD ở Mỹ Latinh.

USD tăng khiến các nước này mất nhiều nội tệ hơn để trả nợ bằng USD. Các thị trường mới nổi có thể cạn kiệt thanh khoản và tình trạng này có nguy cơ lan ra toàn cầu nếu các công ty đột ngột rút tiền gửi từ các ngân hàng để trả nợ, hoặc nếu các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu thị trường mới nổi hốt hoảng và bán tháo.

IMF cảnh báo "rủi ro tài chính ở các thị trường mới nổi đang tăng lên".

Một kịch bản tệ hơn có thể xảy ra nếu Fed quyết định nâng lãi suất ngắn hạn trong năm nay. Thị trường Mỹ càng trở nên hấp dẫn hơn, kéo theo đó là USD tăng giá hơn nữa.

Du lịch

Đồng USD mạnh khiến những kỳ nghỉ ở châu Âu phù hợp hơn với túi tiền của các du khách Mỹ. Booking.com ước tính rằng mức giá trung bình cho một chuyến du lịch tới các thành phố Paris, Rome, Barcelona, Amsterdam và Berlin có kèm khách sạn 4 sao đã giảm 21% so với 1 năm trước.

Lyssandros Tsilidis, Chủ tịch của một hiệp hội du lịch ở Hy Lạp, cho biết số khách Mỹ đến Hy Lạp đã tăng 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách đến Tây Ban Nha cũng tăng 12% trong tháng 1 và gần 19% trong tháng 2.

Thu Hương

Thu Hương

Business Insider

Trở lên trên