MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 mâu thuẫn nảy lửa trong nội bộ EU (1)

24-07-2011 - 09:06 AM | Tài chính quốc tế

Những mâu thuẫn trong nội bộ EU khiến họ không thể đi đến bất kỳ một thỏa thuận nào và đẩy thị trường tài chính vào cảnh hỗn loạn.

Mới một tháng trước đây, dường như việc Hy Lạp được giải cứu lần thứ hai đã là chuyện tương đối hiển nhiên. Giống như gói giải cứu chắp vá mà trước đó Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã thảo ra, đầu tiên các chuyên gia kinh tế của hai tổ chức này sẽ ước tính trong 3 năm tới Hy Lạp sẽ cần bao nhiêu tiền để lấp lỗ hổng về tài chính (khoảng 115 tỷ euro), sau đó Hy Lạp sẽ chấp thuận một kế hoạch giải cứu, thế là họ có tiền.

Nhưng thay vào đó, các lãnh đạo Châu Âu đang bị cuốn vào một trong những cuộc tranh luận gai góc nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ eurozone bùng phát gần 2 năm trước. Thị trường tài chính bối rối, chi phí vốn vay của hai nền kinh tế lớn thứ ba (Italy) và thứ tư (Tây Ban Nha) vọt lên 6%, mức một số nhà phân tích tin rằng “không bền vững”.

Sự rối loạn này xuất phát từ những vấn đề phức tạp mà giới lãnh đạo Châu Âu đang gặp phải.

Ví dụ như tổng nợ của Hy Lạp (được dự báo sẽ chạm mức 172% GDP vào năm tới) là quá lớn nên có lẽ nó sẽ không bao giờ được thanh toán. Tuy vậy, giới chức EU không thể công nhân điều này vì sợ trái chủ cho rằng Hy Lạp sắp vỡ nợ. Tương tự như vậy, giới đầu tư tư nhân đang đối mặt với áp lực chính trị phải đóng góp vào gói giải cứu mới. Nhưng một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào trái phiếu Hy Lạp là các ngân hàng Hy Lạp. Nếu số trái phiếu đang nắm giữ mất giá, họ sẽ thua lỗ nặng và cần thêm viện trợ nước ngoài.

“Dập được đốm lửa này là lại có hai đốm lửa khác bùng lên,” một quan chức cao cấp của Châu Âu đang tham gia vào cuộc tranh cãi kể trên nói.

Các tổ chức đối nghịch nhau khiến các vấn đề vốn đã mâu thuẫn nhau nay càng trở nên tồi tệ hơn. Gần như mọi bên trong cuộc tranh luận này (Athens, NHTW Châu Âu ECB, IMF, Ủy ban Châu Âu EC, và nhiều quốc gia khác) đều có những lợi ích khác nhau mà đôi khi còn loại trừ lẫn nhau.

Ví dụ như ECB (trụ sở ở Frankfurt) có trách nhiệm đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng Châu Âu. Nhưng hệ thống này (cũng như chính ECB) đang nắm cực nhiều trái phiếu của các nước thuộc vùng rìa Châu Âu, tức là nếu các khoản đầu tư trên mất giá trị, vốn chủ sở hữu của họ sẽ bị ảnh hưởng và làm giảm khả năng sống sót của họ nếu có một vụ sụp đổ kiểu như Lehman. Mặt khác, chính phủ Đức dưới áp lực của Bundestag lại muốn một số ngân hàng phải chấp nhận thua lỗ.

Kết quả là Franfurt và Berlin hiện đang nhìn theo hai hướng khác nhau. Liệu có thể khiến họ nhìn cùng về một hướng? Các quan chức nói rằng nếu dễ thì giờ họ đã làm rồi.

Đang có nhiều áp lực lớn đòi Đức và Hy Lạp từ bỏ việc đòi hỏi trái chủ phải chấp nhận thua lỗ. Đòi hỏi này khiến Châu Âu không thể đi đến một thỏa thuận nào và gây ra phần lớn sự hỗn loạn trên thị trường. Nhưng cả Berlin và La Hague đều cho rằng nếu không có sự tham gia của các trái chủ thì không thể tin được bất kỳ thỏa thuận nào vì tổng nợ của Hy Lạp không hề nhỏ đi.

Cuộc tranh luận thứ nhất: Gói giải cứu đầu tiên không đủ “đô”

Giải pháp: Giới lãnh đạo Châu Âu đã đồng ý trên nguyên tắc về một gói giải cứu thứ hai nhằm bù vào khoản 115 tỷ euro mà dự tính ngân sách Hy Lạp sẽ thiếu trong 3 năm tới.

Gói cứu trợ đầu tiên quá lạc quan, đặc biệt là về khả năng huy động vốn trên thị trường tài chính của Athens nhằm đảm bảo chính phủ hoạt động bình thường. Theo kế hoạch được thông qua vào tháng 5 năm ngoái, người ta cho rằng Athens sẽ huy động được 10,9 tỷ euro từ việc phát hành trái phiếu dài hạn vào tháng 03/2012, và 44,1 tỷ euro trong thời gian từ giữa năm 2011 tới giữa năm 2013.

Hiện trái phiếu Hy Lạp kỳ hạn 10 năm đang được giao dịch với lợi suất trên 18%, nên giới chức Châu Âu buộc phải chấp nhận rằng dự tính trên là không thể. Cần thêm tiền cứu trợ để lấp vào lỗ hổng tài chính ấy.

“Các diễn viên chính”:Đứng đằng sau gói giải cứu mới là IMF. Điều lệ tổ chức này không cho phép cho các nước không có đủ lượng tiền mặt cần thiết trong vòng 12 tháng tiếp theo vay tiền.

Tình hình càng phức tạp sau khi Dominique Strauss-Kahn từ chức TGĐ IMF vào tháng 5. Các quan chức nói ông đã ra tín hiệu mình sẽ “khoan dung” hơn với EU, và sẽ không yêu cầu liên minh này phải nhanh chóng đồng thuận về một gói giải cứu mới. Nhưng quyền TGĐ IMF John Lipsky vốn không có mấy ảnh hưởng chính trị nên phải thúc đẩy một kế hoạch cứng rắn. Cuối tháng trước, Thủ tướng Hy LạpGeorge Papandreou đã chính thức yêu cầu thêm một gói giải cứu nữa.

Phần đóng góp của eurozone trong gói giải cứu hiện nay lấy trực tiếp từ ngân sách các nước thành viên. Còn trong gói giải cứu mới, cả IMF và EU sẽ hoạt động trong một chương trình duy nhất trị giá 170 tỷ euro và phần đóng góp của eurozone sẽ lấy từ Thể thức cho vay ổn định tài chính Châu Âu (European Financial Stability Facility).

Cuộc tranh luận thứ hai: Cử tri Đức, Hà Lan và Phần Lan phản đối cứu trợ tài chính

Giải pháp:Lãnh đạo của cả 3 quốc gia trên đã gây sức ép buộc các tổ chức tư nhân nắm giữ trái phiếu Hy Lạp (phần lớn là ngân hàng Châu Âu) phải đóng góp một phần trong gói cứu trợ thứ hai. Ý tưởng ban đầu do Đức đề xuất là thuyết phục họ chấp nhận hoãn thanh toán số chứng khoán nợ trị giá 85 tỷ euro sẽ đáo hạn trong 3 năm tới.

Bản kế hoạch chi tiết hơn (có sự ủng hộ của Đức) cho trái chủ cơ hội được hoán đổi khoản đầu tư hiện nay lấy trái phiếu có kỳ đáo hạn kéo dài thêm 7 năm nữa. Bất chấp bản chất “tự nguyện” của kế hoạch này, các cơ quan xếp hạn tín dụng vẫn đe dọa xếp nó vào loại “vỡ nợ có chọn lọc”, vì nhà đầu tư không nhận được toàn bộ tiền của mình và có lẽ chỉ khi bị ép họ mới tham gia rộng rãi.

Sau đó sự chú ý chuyển sang kế hoạch ít phức tạp hơn của Pháp, theo đó ngân hàng sẽ đồng ý đầu tư vào các trái phiếu Hy Lạp mới ngay khi số trái phiếu hiện nay đáo hạn. Nhưng các cơ quan xếp hạng tín dụng cho rằng kế hoạch này vẫn cấu thành một vụ “vỡ nợ”, và ngân hàng cùng các nhà thương thuyết Châu Âu lại phải tìm kiếm một hướng đi khác.

“Các diễn viên chính”:Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble và người đồng nhiệm phía Hà Lan Jan Kees de Jager là hai nhân vật gây nhiều sức ép nhất đối với các trái chủ tư nhân. Bất chấp áp lực từ các cơ quan như ECB, cả hai chính phủ đã hứa với Quốc hội của mình sẽ buộc trái chủ phải cam kết một cách “đáng kể” và “lượng hóa được”.

Nhà thương thuyết hàng đầu về phía ngân hàng là Giám đốc điều hành Viện Tài chính quốc tế Charles Dallara. Trong một văn bản gửi giới lãnh đạo Châu Âu tuần trước, ông xếp kế hoạch của Đức và Pháp vào danh sách các hướng đi mà giới ngân hàng sẽ đồng thuận.

Minh Tuấn
Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên