MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 năm sau khi Lehman sụp đổ, các ngân hàng có an toàn hơn?

12-09-2013 - 09:41 AM | Tài chính quốc tế

Mặc dù lượng vốn của 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2008, các nhà hoạch định chính sách và một số “cựu binh” trên phố Wall vẫn cho rằng từng đó là chưa đủ.

Chỉ lớn hơn mà không an toàn hơn

Ruth Porat hiện là Giám đốc Tài chính (CFO) của Morgan Stanley. Người đã tư vấn cho Bộ Tài chính Mỹ về kế hoạch giải cứu Fannie Mae và Freddie Mac hồi tháng 9/2008 và nghĩ rằng bản thân đã hiểu rõ những rủi ro đang đe dọa hệ thống tài chính đã dành ra hai ngày cuối tuần để cố gắng cứu Lehamn Brothers khi cô nhận được tin nhắn kêu gọi quay trở lại để giải quyết vụ việc với AIG. 

“Thông điệp mà tôi nhận được là “chúng tôi đã làm sai”, Porat, 55 tuổi, nói trong cuộc phỏng vấn được thực hiện tháng trước tại trụ sở của ngân hàng Morgan Stanley. “AIG có thể biến mất một cách nhanh chóng và gây nên hậu quả khôn lường trên cả nước Mỹ”. 

Đúng là ngân hàng của Porat đã gần như biến mất khi các quỹ đầu cơ (bị ám ảnh bởi những khó khăn mà họ gặp phải khi muốn rút tiền ra khỏi Lehman Brothers) ồ ạt rút tiền. Chỉ trong 2 tuần, 128 tỷ USD đã bị rút khỏi Morgan Stanley. Để không bị phá sản, ngân hàng này phải bán đi 20% cổ phần và gánh món nợ 107,3 tỷ USD từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chỉ sau 1 ngày. 

Theo Porat, 5 năm sau khi Lehman sụp đổ (15/9/2008) và thổi bùng lên cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ Đại Khủng hoảng, Morgan Stanley giờ đây đã đủ an toàn để sống sót. Cùng với CEO James Gorman, Porat đang cố gắng giảm thiểu rủi ro và nâng vốn để có thể giảm bớt thiệt hại trong trường hợp một cuộc khủng hoảng nữa lại nổ ra. 

Mặc dù lượng vốn của 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2008, các nhà hoạch định chính sách và một số “cựu binh” trên phố Wall vẫn cho rằng từng đó là chưa đủ. Họ cho rằng hệ thống tài chính hiện có tỷ lệ đòn bẩy quá cao, quá phức tạp để có thể chịu đựng cơn hoảng loạn. 

Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, hơn 50 nhà lãnh đạo ngân hàng, nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và các nhà làm luật đã đưa ra những ý kiến trái chiều về độ an toàn của các ngân hàng hiện nay. Một số cho rằng những gì mà các ngân hàng làm được kể từ năm 2007 đến nay chỉ là phình to về quy mô.

Theo dữ liệu thống kê của Bloomberg, tổng tài sản của các ngân hàng đã tăng 28%. Một số khác thì cho rằng các ngân hàng sẽ không gặp phải bất cứ rắc rối nào từ quy mô quá lớn hay sự can thiệp từ phía chính phủ. 

Các cuộc điều trần của Quốc hội và hơn 300 cuốn sách viết về khủng hoảng đã giúp nhận diện một loạt tội phạm gây nên cuộc khủng hoảng: người sở hữu nhà vay mượn quá mức so với khả năng trả nợ, các ngân hàng bán khoản thế chấp dưới chuẩn, các cơ quan trực thuộc chính phủ ủng hộ những khoản vay bất ổn, phố Wall “đóng gói” chúng để bán cho nhà đầu tư, các tổ chức xếp hạng sai lầm, cơ quan quản lý lơ là và các chính trị gia khuyến khích mọi thứ diễn ra. Rõ ràng là, một hệ thống quá lớn, lạc hậu và liên kết quá chặt chẽ đồng nghĩa với việc thị trường tài chính sụp đổ kéo theo những hệ lụy thảm khốc đối với nền kinh tế. 

Kể từ đó đến nay, các nhà quản lý đã hối thúc các ngân hàng cắt giảm lượng vốn đi vay (giảm tỷ lệ đòn bẩy), nắm giữ nhiều tài sản có tính thanh khoản cao hơn và giảm lệ thuộc vào các khoản vay qua đêm. Đạo luật Dodd-Frank 2010 đã lập nên bản thảo đầu tiên cho phép cơ quan chức năng "tóm gáy" những ngân hàng lớn nhất và phá hủy chúng mà không làm sụp đổ cả hệ thống. 

Những đạo luật bị chối từ

Tuy nhiên, có lẽ điều này là chưa đủ. Các cơ quan quản lý ngành ngân hàng thường vấp phải nhiều mâu thuẫn và "bị bao vây" bởi đội ngũ vận động hành lang hùng hậu. 

Những rủi ro lớn nhất có thể nằm ở những ẩn số. 5 năm sau khi AIG sụp đổ bởi các hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng, hoạt động giao dịch của ngân hàng vẫn chưa thực sự minh bạch. "Mô hình truyền thống không có nhiều thay đổi và vẫn rất yếu ớt mong manh", Anil Kashyap - chuyên gia kinh tế tại ĐH Chicago nhận định. 

Sự phản đối mạnh mẽ từ phố Wall là một trong những lý do. Theo Kimberly Krawiec - giáo sư luật đến từ ĐH Duke, các lãnh đạo ngân hàng, nhà vận động hành lang cùng với các luật sư đã tham dự hơn 700 cuộc họp thảo luận về một điều khoản không có lợi cho các ngân hàng trong đạo luật Dodd-Frank.  Hồi tháng 10/2011, lời đề nghị triển khai đạo luật Volcker tạo ra hơn 18.000 bức thư phàn nàn rằng đạo luật này quá phức tạp và có thể làm tổn hại đà tăng trưởng của nền kinh tế. Cho đến nay, đạo luật Volcker vẫn chưa được hoàn thành. 

Volcker không phải là đạo luật duy nhất bị hoãn lại. Tính đến hết ngày 3/9, hơn 3 năm sau khi Dodd - Frank có hiệu lực, chỉ có 40% trong số 398 yêu cầu về luật được hoàn thành. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên