MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai có lợi khi kinh tế Trung Quốc thay đổi?

26-07-2011 - 12:22 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc đang phải trả giá đắt cho mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại. Chắc chắn Trung Quốc sẽ thay đổi và đối tượng hưởng lợi từ việc này không hề ít.

Liệu các nước châu Á có được gì khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh?

Hiện nay, xét trên nghĩa nào đó, các nền kinh tế châu Á đã hưởng lợi từ tăng trưởng của Trung Quốc: khi nhu cầu hàng hóa của toàn cầu yếu đi, sức mạnh của Trung Quốc với mọi nền kinh tế tại châu Á tăng lên.

Thế nhưng còn một khía cạnh khác của vấn đề: Lãnh đạo Trung Quốc cam kết cân bằng kinh tế nước này, qua thời gian nó đồng nghĩa với một Trung Quốc cạnh tranh và quyền lực hơn, nhiều nước châu Á cũng sẽ có điều kiện phát triển nếu có chính sách đầu tư và sản xuất đúng đắn.

Tại sao lại cần đến thay đổi này? Trung Quốc đang đạt đến ngưỡng giới hạn cao trong mô hình tăng trưởng hiện tại. Trong cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đó, kinh tế Trung Quốc đã vươn lên mạnh hơn so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào. Tuy nhiên lãnh đạo hàng đầu của kinh tế Trung Quốc hiếm khi hài lòng về tương lai tăng trưởng kinh tế của nước này.

Dù đã rất thành công, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã coi mô hình tăng trưởng hiện nay, vốn phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và đầu tư vào tài sản cố định, thiếu cân bằng, ổn định, phối hợp và không bền vững.

Trung Quốc sản xuất nhiều nhưng tiêu thụ ít. Mô hình tăng trưởng kinh tế đặt trọng tâm nhiều vào sản xuất phụ thuộc khá nhiều vào việc phân bổ các dòng vốn. Rất ít người Trung Quốc được hưởng thành quả tăng trưởng của kinh tế nước này và nhóm đối tượng hưởng lợi thực ra đang làm vậy khi người khác phải chịu thiệt.

Chênh lệch tăng trưởng giữa các vùng đồng nghĩa với chất lượng cuộc sống giữa các vùng khác nhau rất nhiều. Trung Quốc cũng phải trả giá đắt về môi trường và năng lượng cho mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào đầu tư này.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã cho thấy mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc dễ chịu tác động bởi việc nhu cầu hàng hóa ở các khu vực khác trên thế giới biến động. Cùng lúc đó, chính sách công nghiệp và tài chính của Trung Quốc cũng gây ra nhiều vấn đề đối với nền kinh tế.

Với những lý do trên, mô hình tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ thay đổi trong những năm tới bởi chính phủ Trung Quốc cố gắng cân bằng giữa sản xuất và tiêu dùng và ngoài ra còn chú trọng vào phát triển nguồn nhân lực.

Đất nước Trung Quốc sẽ được đô thị hóa nhanh hơn. Hoạt động phân bổ vốn có thể chuyển từ các tập đoàn sang hộ gia đình. Khu vực nội địa Trung Quốc sẽ phát triển mạnh hơn. Và các ngành của Trung Quốc sẽ lên cao hơn trong ngưỡng giá trị.

Chi phí lao động tại Trung Quốc tăng cao có thể khiến Indonexia trở thành địa điểm sản xuất hấp dẫn. Kinh tế Indonexia có thể tăng trưởng tốt trong ngắn hạn và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên. Khi nhu cầu hàng hóa tại Trung Quốc tăng cao hơn, công ty Indonexia có thể hưởng lợi bằng cách sản xuất thêm nhiều sản phẩm và bán hàng tại Trung Quốc.

Cũng giống như vậy, Việt Nam, Thái Lan và nhiều nền kinh tế nhỏ khác trong khu vực sẽ đón nhận dòng vốn đầu tư. Lợi thế khu vực và quyền sở hữu trí tuệ có thể giúp Thái Lan hấp dẫn hơn cả, miễn khủng hoảng chính trị không tái diễn.

Người Ấn Độ cũng có thể vui vẻ hơn khi thu nhập và hoạt động sản xuất tại Trung Quốc phát triển. Đồng nhân dân tệ và nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc tăng, Ấn Độ có thể giảm thâm hụt với Trung Quốc trong 5 năm tới. Ngoài ra, Ấn Độ cũng có cơ hội để phát triển ngành sản xuất lên nấc cao hơn trong chuỗi giá trị.

Ngọc Diệp

Theo CFR

ngocdiep

Trở lên trên