MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ăn trưa với James Gorman - "mãnh tướng" của Morgan Stanley

27-05-2015 - 19:18 PM | Tài chính quốc tế

Bên những ly rượu ở Manhattan, vị CEO gốc Australia của ngân hàng Morgan Stanley chia sẻ những câu chuyện thú vị về lương thưởng của các ngân hàng và sức hấp dẫn không bao giờ biến mất của phố Wall.

"Ăn trưa với FT" (Lunch with the FT) là chuyên mục đặc biệt của tờ báo nổi tiếng trong giới tài chính Financial Times. Các phóng viên của FT sẽ có bữa trưa kết hợp phỏng vấn với những nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới hiện nay. Trong bài báo này, nhân vật mà phóng viên của FT phỏng vấn là James Gorman - CEO của ngân hàng Morgan Stanley. Chúng tôi xin lược dịch và giới thiệu tới bạn đọc.

James Gorman đến vào đầu giờ chiều. Chúng tôi hẹn nhau ở một nhà hàng Hy Lạp nằm ở giữa Manhattan, cách trụ sở của Morgan Stanley một vài tòa nhà và ngay gần Quảng trường Thời đại. Trong khi Goldman và các đồng nghiệp cố gắng hết sức để cứu ngân hàng thoát khỏi bờ vực sụp đổ trong mấy năm vừa qua, hàng ngày vẫn có nhiều lượt du khách thảnh thơi đi lại ngắm cảnh và chụp hình với Elmo hay chuột Mickey ở bên ngoài.

Gorman – người biết chơi bài poker từ năm 15 tuổi – đã có hai ván bài lớn của cuộc đời: giảm mạnh lương thưởng dành cho nhân viên mà không khiến họ ra đi và đánh cược rằng Morgan Stanley nên phát triển mảng quản lý tài sản thay vì mở rộng mảng kinh doanh trái phiếu quá phức tạp.

Ông chủ 56 tuổi của ngân hàng Morgan Stanley – người có cảm xúc ổn định hơn so với các ông lãnh đạo khác ở phố Wall – mở đầu cuộc gặp gỡ với sự ân cần đặc trưng. “Anh có khỏe không? Anh đã vứt “vũ khí” đi rồi à?”, Gorman hỏi khi tôi đặt chiếc điện thoại di động của mình sang một bên và đứng dậy để bắt tay ông ấy.

Sự quyến rũ của ngành ngân hàng

Sinh ra và lớn lên ở Melbourne, Gorman tạm bỏ nghề luật để theo học MBA ở Mỹ năm 1985. Ông ở lại Mỹ và gia nhập vào McKinsey sau khi hoàn thành khóa học. Ở lần chuyển việc thứ ba, ông làm tư vấn cho ngân hàng Merrill Lynch và cuối cùng bắt đầu làm việc cho Morgan Stanley kể từ năm 2006. 4 năm sau, ông trở thành CEO của ngân hàng này. Cũng trong thời gian này, ông kết hôn và có hai người con. Năm 2004, ông chính thức trở thành công dân Mỹ.

Gorman vẫn đều đặn về thăm gia đình và thưởng thức những bữa tiệc nướng ngoài trời, nhưng ông thích nước Mỹ. “Thật tuyệt là tôi có nhiều thời gian để quay trở về Australia, nhưng tôi coi ở đây mới là nơi sinh sống chủ yếu”.

“Ở đây” có nghĩa là New York City chứ không phải nước Mỹ nói chung. Nhiều lãnh đạo ngân hàng đã chuyển tới thung lũng Sillicon, trong đó có cấp phó của Gorman là Ruth Porat – người hiện là CFO của Google. Việc tuyển dụng của các ngân hàng cũng trở nên khó khăn hơn vì hiện nay công nghệ được coi là ngành hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, Gorman không nghĩ như vậy. “Ngân hàng là một ngành tuyệt vời đầy sức hấp dẫn, đầy ắp tính sáng tạo, năng động và có quy mô toàn cầu”.

Tôi phản pháo rằng những đặc điểm trên đã phai nhạt nhiều trong mấy năm gần đây. Trên thực tế, “sáng tạo” được gắn với những tài sản phái sinh là tác nhân chính gây nên khủng hoảng tài chính 2008. Ngày nay, ngành ngân hàng của nước Mỹ phát triển chậm hơn, bị kiểm soát chặt chẽ hơn và tính toàn cầu cũng bị giảm xuống.

“Tôi vẫn nghĩ đây là một ngành tuyệt vời”, Gorman đáp lại. “Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã nhận được khoảng 92.000 hồ sơ xin việc. Nếu bạn thích sự hào nhoáng của ngành ngân hàng, đó không phải là thứ lâu bền. Bạn phải thực sự thích thú với những công việc mà chúng tôi đang làm hàng ngày: quản lý và phân bổ nguồn vốn hay giúp người cần vốn và nhà đầu tư đến với nhau thực sự là những công việc tuyệt vời”.

Chúng tôi cùng nhau thưởng thức hummus (món khai vị làm từ gà, đậu, dầu vừng, chanh, tỏi), cá tuyết nướng và bạch tuộc nướng trong lúc nói về Morgan Stanley – ngân hàng mà Gorman đang làm chủ với tài sản đạt 830 tỷ USD và có 55.000 nhân viên làm việc ở 43 quốc gia. Ông đã hai lần từ chối lời mời của ngân hàng này trước khi quyết định rời khỏi Merrill Lynch.

Morgan đến với Morgan Stanley vào đúng thời điểm để ông có thể chứng kiến sự bùng nổ của ngành ngân hàng đầu tư trên toàn cầu. Tuy nhiên ông cũng phải chứng kiến cả khủng hoảng tài chính sau đó: đầu tiên là Bear Stearns và sau đó là Lehman Brothers đều phá sản. Chỉ còn lại hai ngân hàng đầu tư độc lập sống sót là Morgan Stanley và Goldman Sachs, trong đó Morgan Stanley từng được coi là nạn nhân tiếp theo. Thậm chí, ngày nay một số đối thủ lớn vẫn nghĩ rằng về mặt kỹ thuật thì có lúc Morgan Stanley đã vỡ nợ năm 2008.

Cuối cùng thì hai lần bơm vốn đã cứu Morgan Stanley. Đầu tiên, ngân hàng này nhận được khoản đầu tư lớn từ ngân hàng Nhật Bản Mitsubishi UFJ (hiện đang sở hữu 22% cổ phần của Morgan Stanley), sau đó là khoản đầu tư khẩn cấp mà chính phủ Mỹ bơm vốn cho các ngân hàng lớn nhất.

Những quyết định táo bạo của James Gorman

Gorman trở thành CEO vào năm 2010. Trong thời kỳ nhiều biến động năm 2012, những nghi ngờ về “sức khỏe” của Morgan Stanley lại nổi lên và lần này nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng nợ ở eurozone. Tuy nhiên, lợi nhuận dần dần tăng trở lại. Morgan Stanley đã chọn hướng đi đối lập với Goldman Sachs – ngân hàng  đi đầu trong lĩnh vực tự doanh, Morgan Stanley tập trung phát triển mảng quản lý tài sản với đội ngũ hùng hậu gồm 16.000 chuyên viên tư vấn tài chính. Bộ phận kinh doanh trái phiếu được thu hẹp đáng kể. Đây là mảng đem lại lợi nhuận khổng lồ cho các ngân hàng đầu tư trong thời kỳ tốt đẹp nhưng ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn.

James Gorman còn đưa ra một quyết định táo bạo khác. Năm 2012, ông buộc các nhân viên phải hi sinh 100% thưởng của họ để tăng cổ tức cho cổ đông. “Nếu bạn không tạo ra lợi nhuận, bạn không có quyền đòi hỏi mức lương cao chót vót”, ông nói.

Gorman cho rằng vị thế người ngoài cuộc cho phép ông có những hành động cấp tiến hơn về lương thưởng. Tuy nhiên, chính điều này cũng mang lại bất tiện khi nó nuôi dưỡng sự thiếu tin tưởng trong những người trong cuộc. “Tôi chắc chắn rằng trong nhiều năm qua đã có nhiều người hoài nghi không chỉ về bản thân tôi mà về bất cứ chuyên viên tư vấn nào bước vào ngành ngân hàng”.

Ông ca ngợi sự sáng tạo và dũng cảm của cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke, cựu Chủ tịch Fed New York Tim Geithner và cựu CEO của Goldman Hank Paulson khi họ phải đối mặt với khủng hoảng tài chính.

“Tôi nghĩ họ đã không nhận được đủ sự tin tưởng. Chúng ta đã rất may mắn vì có một người đã giành cả cuộc đời nghiên cứu về Đại Suy thoái (Bernanke), kết hợp với một người đã cống hiến hết mình cho mọi cuộc khủng hoảng tài chính trong 20 năm trước đó và cũng là người am hiểu tường tận về thị trường (Geithner). Bên cạnh đó là Paulson – người đã từng là CEO kiêm Chủ tịch của một trong những ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới. Họ đã ở các vị trí lãnh đạo khi cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất của thế kỷ nổ ra.

Thu Hương

Financial Times

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên