MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Barclays nằm ở đâu trên thị trường tài chính thế giới?

05-07-2012 - 10:56 AM | Tài chính quốc tế

Chính xác thì Barclays là ngân hàng như thế nào và việc Barclays thâu tóm lãi suất LIBOR có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường tài chính quốc tế?

Scandal thâu tóm lãi suất của Barclays PLC làm rúng động thị trường tài chính toàn cầu là chủ đề được bàn tán sôi nổi trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, chính xác thì Barclays là ngân hàng như thế nào và ngân hàng này xếp hạng thứ mấy trên thế giới? Việc Barclays thâu tóm lãi suất LIBOR có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường tài chính quốc tế?

Theo dữ liệu từ công ty phân tích tài chính SNL, với tài sản trị giá 2,4 nghìn tỷ USD, Barclays – ngân hàng có trụ sở đặt tại London – là ngân hàng lớn thứ 5 ở châu Âu, chỉ đứng sau các ngân hàng Deutsche Bank của Đức, BNP Paribas và Crédit Agricole của Pháp và HSBC của Anh. 

Barclays cũng được gọi là “ngân hàng toàn cầu”, ngang hàng với Bank of America và J.P. Morgan Chase. Ngân hàng này cung cấp các dịch vụ bán lẻ như tài khoản ngân hàng cá nhân và khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ. Barclays cũng tư vấn cho doanh nghiệp về các thương vụ mua bán và phát hành cổ phiếu cũng như trái phiếu. Ngoài ra, ngân hàng này thực hiện giao dịch tự doanh trên thị trường chứng khoán và trái phiếu. 

Barclays là cái tên quen thuộc trên khắp nước Anh, châu Âu và cả châu Phi. Tuy nhiên, ngân hàng này triển khai rất ít hoạt động bán lẻ ở Mỹ. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ của Mỹ có thể sở hữu quỹ ETF được phát hành bởi Barclays dưới tên gọi iShares. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh này đã được bán lại cho BlackRock vào năm 2009. 

Ngược lại, hoạt động ngân hàng đầu tư, đặc biệt là bảo lãnh phát hành các khoản nợ của Barclays lại rất phát triển ở Mỹ. Năm 2008, khi Lehman Brothers sụp đổ, Barclays đã thâu tóm tất cả hệ thống ngân hàng đầu tư của ngân hàng này. Có tổng doanh số đạt 16 tỷ USD vào năm 2011, hiện đây là mảng tạo ra lợi nhuận lớn nhất cho Barclays. Theo dữ liệu của Dealogic, năm 2011, Barclays xếp thứ 2 trên thị trường trái phiếu quốc tế, sau J.P.Morgan trong khi chỉ đứng ở vị trí thứ 6 vào năm 2006. 

Barclays không nằm trong danh sách các ngân hàng phải nhận cứu trợ của Chính phủ Anh vào năm 2008. Thay vào đó, ngân hàng này nhận được tiền từ các nhà đầu tư Qatar và Abu Dhabi cũng như ngân hàng BlackRock thông qua bán nghiệp vụ kinh doanh ETF.  

Ngày 27/6, Barclays thông báo sẽ nộp khoản tiền phạt 290 triệu bảng (452 triệu USD) cho nhà chức trách Anh và Mỹ vì một cuộc điều tra ngân hàng này thao túng lãi suất. Theo đó, Barclays bị buộc tội thao túng 2 lãi suất liên ngân hàng có tầm quan trọng nền tảng với cả thị trường tài chính ở Anh và quốc tế là LIBOR và EURIBOR bởi đây là lãi suất tham chiếu của gần như tất cả các sản phẩm tài chính trên thế giới. 

Theo nhận định của giới chuyên gia, vụ việc của Barclays là đặc biệt nghiêm trọng là một lần nữa rung lên hồi chuông cảnh báo thực trạng bê bối của các ngân hàng lớn trên thế giới.

Thu Hương

huongnt

WSJ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên