MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bầu trời “đổ sụp” trên phố Wall

11-10-2008 - 21:11 PM | Tài chính quốc tế

Bài học lớn nhất từ biến động chưa từng có trên thị trường tài chính tuần qua là: không có gì đáng quý bằng niềm tin – một thứ hàng hóa vô cùng dễ vỡ.

Tuần qua bắt đầu với hy vọng kế hoạch 700 tỷ USD sẽ cứu được thị trường chứng khoán thế giới.

 

Đến thứ Sáu, nhà đầu tư lo ngại liệu còn điều gì có thể ngăn được đà sụt giảm của thị trường hay không.

 

5 ngày vừa qua (06/10 đến hết ngày 10/10), thị trường tài chính toàn cầu chấn động mạnh. Đó là 5 ngày sẽ đi vào lịch sử.

 

Chỉ số Standard & Poor's 500 có mức thiệt hại theo tuần mạnh nhất từ năm 1933, thị trường chứng khoán từ Nhật Bản, Brazil cho đến Nga sụt giảm chóng mặt. Vậy thực tế điều gì đã xảy ra và nó có ý nghĩa như thế nào? Có lẽ cũng nên nhìn lại 5 ngày đầy biến động trên và rút ra bài học cần thiết cũng như dự đoán sắp tới sẽ xảy ra chuyện gì.

 

Thứ Hai, ngày 06/10/2008: kế hoạch 700 tỷ USD không có mấy tác dụng

 

Tổng thống Bush ký thông qua bản kế hoạch với tổng kinh phí 700 tỷ USD để mua lại một số chứng khoán thế chấp bằng bất động sản từ một số ngân hàng và tổ chức tài chính để hồi phục lòng tin cho thị trường.

 

Tuy nhiên kế hoạch ứng cứu ngành ngân hàng khẩn cấp của các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Âu hồi cuối tuần trước khiến nhà đầu tư hiểu quy mô của khủng hoảng tài chính nay đã là toàn cầu.

 

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm xuống dưới mức 10.000 điểm lần đầu tiên trong 4 năm, mức hạ 370 điểm tương đương 3,6%.

 

Sau khi thị trường đóng cửa, Bank of America cho biết sẽ cắt giảm cổ tức một nửa và tăng vốn thêm 10 tỷ USD thông qua việc bán cổ phiếu. CEO Kenneth Lewis của ngân hàng nhận xét:”Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của thị trường tài chính mà tôi từng biết đến trong 39 năm cuộc đời.”

 

Tin tức tốt lành duy nhất: những người đầu cơ trên thị trường dầu mỏ, trước đây hứng khởi khi giá dầu tăng quá cao, nay đang đẩy giá dầu hạ do dự đoán nhu cầu dầu thế giới sẽ ngày một đi xuống. Một thùng dầu lúc này có giá dưới 90USD/thùng. Vào cuối tuần, họ dự đoán giá dầu sẽ xuống dưới mức 78USD/thùng.

 

Thứ Ba, ngày 07/10/2008: FED nỗ lực cứu thị trường

 

Chỉ số S&P500 lập một kỷ lục mới. Trong phiên giao dịch, chỉ số hạ 5,7% xuống dưới mức 1.000 điểm lần đầu tiên từ năm 2003. Chủ tịch FED cho rằng nền kinh tế đang gặp nhiều áp lực và phát đi dấu hiệu cho thấy FED chuẩn bị cắt giảm lãi suất.

 

FED mở rộng vai trò ứng cứu thị trường của mình bằng việc mua lại một số thương phiếu trực tiếp từ những công ty phát hành. Các công ty và ngân hàng sử dụng kênh huy động vốn này để có tiền chi trả cho hoạt động ngắn hạn của họ.

 

Thứ Tư, ngày 08/10/2008: Ngân hàng Trung ương các nước hợp tác

 

Trong nỗ lực chung cứu thị trường toàn cầu, FED, ECB và bốn ngân hàng trung ương khác đã công bố cắt giảm lãi suất ngắn hạn. Thông thường một quyết định như vậy sẽ khiến thị trường tăng điểm.

 

Lần này, biện pháp trên đã không có tác dụng. Thị trường chứng khoán tiếp tục giảm điểm đến ngày thứ 5 liên tiếp, dù mức giảm điểm thấp hơn mức giảm của ngày thứ Hai và ngày thứ Ba.

 

Trước sự chỉ thích về tác dụng của kế hoạch 700 tỷ USD, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Mỹ thay đổi một phần trong chiến lược của mình. Ông cho biết một số tiền nhất định sẽ được dành cho việc đầu tư trực tiếp vào các ngân hàng. Tuy nhiên chỉ số S&P 500 giảm 1% và chỉ số Dow Jones giảm 2%.

 

Thứ Năm, ngày 09/10/2008: Thế giới mất Iceland

 

Hệ thống tài chính Iceland sụp đổ và các chuyên gia phân tích cho rằng chính phủ sẽ sớm phải nhờ đến sự hỗ trợ của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Iceland đã vươn lên thành trung tâm của ngành ngân hàng thế giới sau khi lĩnh vực ngân hàng được tư nhân hóa vào năm 2000.

 

Đến cuối năm 2006, tổng tài sản của ba ngân hàng lớn nhất Iceland là 150 tỷ USD, gấp 8 lần GDP của nước này. Tuy nhiên, những ngân hàng này phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn bên ngoài và khi thị trường tín dụng thắt chặt, gánh nặng nợ nước ngoài lên họ là quá lớn.

 

Trong lúc đó, tại thị trường New York, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán vẫn chưa dừng lại. Chỉ ba ngày sau khi mất mốc 10.000 điểm, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm xuống dưới mức 9.000 điểm lần đầu tiên từ năm 2003.

 

Cổ phiếu của General Motors hạ 31% xuống mức thấp nhất từ năm 1950 do lo ngại khủng hoảng tín dụng sẽ giết chết ngành ô tô. Chỉ số Dow Jones hạ 679 điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm.

 

Khủng hoảng tín dụng trầm trọng hơn khi các ngân hàng khan tiền mặt và từ chối cho vay liên ngân hàng trừ khi với mức lãi suất thật cao. Lãi suất Libor tại thị trường London lên mức 4,75%.

 

Thứ Sáu, Ngày 10/10/2008: Khủng hoảng thật sự trên toàn cầu

 

Thị trường chứng khoán tại Nhật Bản cũng như tại châu Âu hạ khoảng 10%, thị trường chứng khoán Mỹ cũng không khả quan hơn. Chỉ số công nghiệp Dow Jones mở đầu phiên giao dịch hạ gần 700 điểm, sau đó tăng trở lại, kết thúc phiên hạ 128 điểm so với ngày trước đó, mức đóng cửa là 8.451 điểm.

 

Mức sụt giảm trong tuần qua của chỉ số S&P500 là 18,2%, chỉ thấp hơn chút so với mức giảm kỷ lục 18,6% năm 1933 trong thời Đại Khủng Hoảng.

 

Trong khi đầu tuần khởi đầu với kế hoạch giải cứu ngành tài chính Mỹ, cuối tuần kết thúc với biến động trái chiều trên toàn cầu. Bộ trưởng các nước công nghiệp phát triển G7 đang thảo luận kế hoạch để ngăn hoảng loạn.

 

Một bài học từ khủng hoảng này là không có điều gì quan trọng như niềm tin – một thứ hàng hóa dễ vỡ. Tình hình hiện nay chưa có gì tích cực, những người lạc quan đang muốn nghĩ tới những điều tích cực trong dài hạn. Một nhà đầu tư tại Massachusetts, ông Richard Babson, cho rằng dù triển vọng 5 năm có thể không tốt, nhưng triển vọng 30 năm vẫn sáng sủa.

 

Chủ tịch một công ty đầu tư tư nhân tại Boston cho rằng dù khủng hoảng xảy ra sẽ không có ai lấy mất đi được năng lực, trình độ tri thức, kỹ năng và tài năng của con người.

 

Điều đó là đúng, tuy nhiên nền kinh tế toàn cầu cần nhiều hơn những tất cả những thứ đó.

 

Nền kinh tế toàn cầu cần những công ty và tổ chức tài chính tốt có khả năng sử dụng tốt nhất những nguồn lực. Đó chính là những tổ chức đã chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng tín dụng – và nay những nhà hoạch định chính sách đang cố gắng hết sức để bảo vệ.

 

Lãi suất SIBOR (Singapore Interbank Offering Rate) hoặc LIBOR (London Interbank Offerring Rate) là một lãi suất tại đó ngân hàng có thể vay mượn quỹ, với một khối lượng có thể tiêu thụ được, từ những ngân hàng khác trong thị trường Liên hiệp Ngân hàng Anh (hoặc Singapore). Lãi suất LIBOR là chuẩn so sánh được sử dụng nhiều nhất cho lãi suất các khoản vay ngắn hạn. Những quốc gia sử dụng lãi suất LIBOR để tham chiếu bao gồm Mỹ, Canada, Thụy Sĩ và Anh.

 

 

Ngọc Diệp
Theo Businessweek

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên