MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí quyết tuyển dụng nhân tài của Lý Quang Diệu

23-03-2015 - 14:01 PM | Tài chính quốc tế

Từ một hòn đảo nhỏ không tài nguyên, Singapore phát triển vũ bão. Một nguyên nhân quan trọng giúp Singapore đạt được thành công này là bí quyết tuyển dụng nhân tài của ông Lý Quang Diệu.

KỲ I: PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO ĐỘC ĐÁO CỦA LÝ QUANG DIỆU

​KỲ II: LÝ QUANG DIỆU - NGƯỜI CHỒNG LÝ TƯỞNG

KỲ III: ÔNG LÝ QUANG DIỆU DẠY CON NHƯ THẾ NÀO?

Trong thế kỷ 20 có không ít chính trị gia quốc tế đã thay đổi diện mạo đất nước bằng những chính sách hiệu quả. Ví dụ, Đặng Tiểu Bình là người thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc, còn Helmut Kohl giúp thống nhất nước Đức. Nhưng các nhà lãnh đạo này đến từ những quốc gia lớn, có nguồn tài nguyên tự nhiên và lực lượng lao động dồi dào.

Ngược lại, ông Lý Quang Diệu có rất ít điều kiện để thành công. Singapore bị trục xuất khỏi Liên bang Malaysia năm 1965. Singapore khi đó chỉ là một hòn đảo nhỏ, dân số ít ỏi, không có tài nguyên.

Ở thời điểm đó, chưa có một mô hình thành phố - nhà nước nào để Chính phủ Singapore học hỏi. Quan điểm chung khi đó là quốc gia Singapore độc lập sẽ khó tồn tại lâu.

Tài nguyên duy nhất

Ngay khi đó, ông Lý Quang Diệu khẳng định tài sản lớn nhất mà Singapore sở hữu chỉ là nguồn nhân lực. Ông Lý Quang Diệu tin rằng cung cấp các điều kiện tốt nhất để những cá nhân tài năng đạt thành công là cách duy nhất để Singapore vươn lên.

Trên thực tế, giới sử học nhận định một trong những nguyên nhân khiến Singapore bị trục xuất khỏi Liên bang Malaysia là ông Lý Quang Diệu đề xuất một hệ thống chính trị với cơ chế trọng dụng nhân tài.

“Trao cơ hội bình đẳng cho mọi người bất chấp địa vị, chủng tộc, tôn giáo hay giới tính, chúng ta có thể khai thác được những điều tốt đẹp nhất từ người dân. Hãy trao cho họ cơ hội tốt nhất để tự hoàn thiện, tận dụng năng lực bản thân. Nếu giăng lưới đủ rộng để bao quát toàn bộ dân số, chúng ta sẽ càng có nhiều cơ hội tìm thấy những nhân tài hàng đầu” - ông Lý Quang Diệu khẳng định như thế vào năm 1966.

Ông Lý Quang Diệu không chỉ nói mà thực sự xây dựng được một cơ chế tuyển dụng nhân tài để tạo điều kiện cho các cá nhân xuất sắc vươn lên bất kể chủng tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo. Đó không phải là điều dễ dàng bởi trong thập niên 1960, Singapore là một xã hội đa sắc tộc và có nhiều chia rẽ. Nhiều người gốc Hoa vẫn cho rằng Singapore chỉ là ngôi nhà tạm của họ và Trung Quốc mới là tổ quốc.

Giống như cách điều hành một tập đoàn với nguồn nhân lực đa dạng, ông Lý Quang Diệu xây dựng nên một bản sắc chung để thuyết phục họ ở lại Singapore, chung tay xây dựng tương lai. Điều đầu tiên ông làm là trao cho mỗi công dân “một phần miếng bánh” để họ xác định Singapore là đất nước của mình.

Chính phủ Lý Quang Diệu thực hiện chính sách xây nhà công để mọi người dân mua trả góp và sở hữu nhà thay vì phải đi thuê mướn. Khi tất cả mọi người đều đã có phần của riêng mình, họ hiểu rằng mình sẽ phải đấu tranh, phải vươn lên vì tương lai của chính mình cũng như tương lai của đất nước.

Cơ hội bình đẳng sản sinh tài năng

Trong cuốn Hard choices (Những lựa chọn khó khăn), nhà nghiên cứu Donald Low đánh giá chế độ nhân tài của Singapore là “nguyên tắc quản trị cốt lõi” của đất nước, là một “hệ tư tưởng quốc gia”.

Theo ông Low, với chế độ nhân tài nhà nước Singapore “cố gắng bình đẳng hóa các cơ hội chứ không phải là kết quả. Chính phủ phân chia phần thưởng dựa trên năng lực và thành tích của các cá nhân“.

Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người đều có cơ hội cạnh tranh để tìm kiếm thành công. Và những người giỏi nhất sẽ được lựa chọn. Cựu thủ tướng Goh Chok Tong cũng từng khẳng định: “Chế độ nhân tài là một hệ thống giá trị, trong đó sự tiến bộ của xã hội dựa trên năng lực và thành tích của mỗi cá nhân”. Hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử.

Về vấn đề này, ông Lý Quang Diệu giải thích rất rõ ràng năm 1966: “Trong bất kỳ xã hội nào, trong số hàng nghìn đứa trẻ sinh ra mỗi năm có một số đạt gần mức thiên tài, một số trung bình, một số yếu kém. Tôi luôn tự hỏi những người gần thiên tài và trên trung bình sẽ làm gì. Tôi tin rằng họ là những người sẽ định hình tương lai. Đó là những người sẽ thay đổi xã hội”.

Ông nhấn mạnh Chính phủ Singapore muốn xây dựng một xã hội bình đẳng và cơ hội bình đẳng cho tất cả moi người. “Nhưng đừng tự lừa dối bản thân rằng hai con người khác nhau sẽ ngang bằng về sức bền, ý chí, quyết tâm và năng lực. Tôi quan tâm đến những người có thể thực sự đóng góp cho xã hội, những người có thể đem lại sự thay đổi nếu như được đào tạo và có tính kỷ luật cần thiết”.

Đơn giản bởi ông Lý Quang Diệu muốn tuyển lựa những người tốt nhất để xây dựng một chính phủ thực sự năng động, hiệu quả nhằm thúc đẩy đất nước phát triển.

Bằng chứng của việc ông Lý Quang Diệu ưu tiên người tài bất kể chủng tộc hay tôn giáo là việc khi  ông lập nội các đầu tiên năm 1959, chỉ có hai trong số chín bộ trưởng là người sinh ra tại Singapore.

Từ đó đến nay tại Singapore những nhân vật xuất sắc có thể đến từ bất kỳ nhóm thiểu số nào. Ví dụ đương kim Phó thủ tướng Tharman Shanmugaratnam là người gốc Sri Lanka.

Giữ người tài bằng lương cao

Thành phố Singapore giàu đẹp và phát triển nhờ các chính sách của ông Lý Quang Diệu - Ảnh: RealSingapore

Quy trình tuyển chọn nhân tài của Đảng Hành động nhân dân (PAP) và Chính phủ Singapore rất khắt khe. Chỉ các ứng viên đã chứng tỏ được năng lực trong khu vực nhà nước và tư nhân mới được mời phỏng vấn nhiều vòng. Phần lớn các thành viên PAP hiện nay nếu muốn có vai trò lớn trong chính phủ đều có bằng cấp cao như thạc sĩ.

Để chiêu mộ nhân tài làm việc cho nhà nước, ông Lý Quang Diệu khẳng định cần phải trả lương cho các công chức một cách xứng đáng. “Dù là một cảnh sát, nhân viên di trú hay hải quan thì việc họ bị trả lương thấp là điều rất nguy hiểm” - ông nhấn mạnh.

Bởi nếu các công chức, bộ trưởng với kinh nghiệm và bằng cấp cao kiếm được ít hơn so với khu vực tư nhân thì chính phủ sẽ rất khó xây dựng được một  bộ máy mạnh. Mức lương cao cũng là giải pháp để chống nạn tham nhũng. Từ năm 1972, công chức Singapore đã được hưởng lương tháng 13 tương đương tiền thưởng cả năm của khu vực tư nhân.

Mức lương của nội các Singapore thuộc vào hàng cao nhất thế giới, thủ tướng hưởng khoảng 1,7 triệu USD/năm, các bộ trưởng cũng có mức thu nhập từ 1,1-1,7 triệu USD/năm.

Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai ông Lý Quang Diệu, khẳng định đây là mức thu nhập “thực tế”, bởi Chính phủ Singapore cần những người giỏi nhất, đáng tin cậy nhất.

Mức lương cao ở Chính phủ Singapore cũng đồng nghĩa với các yêu cầu rất khắt khe. “Các quan chức không được phép làm bất cứ điều gì không chính đáng. Nếu phạm luật họ sẽ bị xử lý cực kỳ nghiêm khắc. Đây không chỉ là vấn đề lương bổng mà còn là vấn đề minh bạch” - ông Lý Quang Diệu khẳng định.

Nhờ đó, Chính phủ Singapore được Tổ chức Minh bạch quốc tế đánh giá thuộc vào loại trong sạch nhất thế giới. Các vụ tham nhũng dù có nhưng rất ít. Ông Lý Quang Diệu vẫn luôn trăn trở về việc hai cựu bộ trưởng trong nội các của ông đã nhận quà đắt tiền từ nhà thầu xây dựng. Một bị xử tù và một tự sát trước khi viết thư nhận tội.

Xây dựng đội ngũ kế thừa

Các chuyên gia đánh giá Singapore có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có một chính phủ dân bầu chủ động tuyển chọn và đào tạo đội ngũ lãnh đạo kế cận. PAP không chỉ tập trung vào việc thắng cử mà luôn tìm kiếm nhân tài để thay máu đội ngũ lãnh đạo. PAP có chương trình tuyển dụng nhân tài chặt chẽ và đưa họ vào các cuộc bầu cử.

PAP luôn để ý tìm kiếm những nhân tài ở cả khối nhà nước và tư nhân. Sau khi đánh giá các ứng cử viên, PAP mời họ “dự tiệc trà” (vòng phỏng vấn kiểm tra năng lực). Những người đạt chuẩn sẽ trải qua những cuộc phỏng vấn tiếp theo, phải đối mặt trực tiếp với các bộ trưởng nội các.

Trong các cuộc phỏng vấn, mọi ứng viên đều phải đưa ra được cách xử lý hàng loạt vấn đề khó khăn về quản trị, đạo đức, tôn giáo và cả những vấn đề cá nhân. Bởi nhân tài không chỉ là những cá nhân tài năng, thành đạt, có trình độ mà còn phải có sự chính trực, liêm minh.

Sau đó, họ sẽ được đẩy vào các cuộc bầu cử. Trong mỗi cuộc bầu cử, khoảng 25% ứng cử viên của PAP là các nhân vật mới, đến từ cả đảng này, khối dân sự và khối tư nhân. Ông Lý Quang Diệu đặt nặng vấn đề tuyển dụng các nhà lãnh đạo trẻ đến mức ông yêu cầu cứ mỗi kỳ bầu cử thủ tướng phải thay 25% nội các.

Các cựu binh của PAP phục vụ đất nước tận tụy rồi nhẹ nhàng ra đi, nhường chỗ cho những người trẻ hơn. Bản thân ông Lý Quang Diệu quyết định thôi làm thủ tướng năm 1990, khi ông vẫn còn rất sung sức và ở đỉnh cao quyền lực.

Ông Goh Chok Tong, người kế nhiệm ông, sau đó cũng trao lại chức vụ này cho ông Lý Hiển Long. Nhờ vậy hàng chục năm qua PAP vẫn luôn vững mạnh và giành được niềm tin của người dân Singapore.

Không thiên vị

Trong một cuộc phỏng vấn vài năm trước, tạp chí Đức Der Spiegel đặt câu hỏi với ông Lý Quang Diệu rằng liệu Singapore có tồn tại nạn con ông cháu cha, khi mà con trai ông là Lý Hiển Long trở thành thủ tướng.

Ông Lý Quang Diệu trả lời quyết liệt: “Chúng tôi điều hành một chế độ nhân tài. Nếu gia đình họ Lý ưu ái con ông cháu cha thì hệ thống của Singapore đã sụp đổ. Nếu tôi không làm thủ tướng thì con trai tôi có thể trở thành thủ tướng từ vài năm trước nữa. Tôi không cho phép bất kỳ thành viên gia đình nào không có trình độ được giữ chức vụ quan trọng. Đó sẽ là thảm họa đối với Singapore và di sản của tôi”.

Nếu xét tới các bằng cấp của ông Lý Hiển Long và những thành tựu ông đã đạt được với cương vị thủ tướng, chắc chẳng ai cáo buộc ông Lý Quang Diệu ưu ái con trai.

Theo Hiếu Trung

PV

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên