MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ phiếu “cả gói” kiểu Mỹ

21-01-2014 - 08:26 AM | Tài chính quốc tế

Tại sao hệ thống chính trị Mỹ lại đột nhiên trở nên hợp tác và gắn kết hơn hẳn so với tình hình một năm trước đây khi mọi vấn đề đều kết thúc trong bế tắc?

Tác giả bài viết là ông Terry F. Buss - giáo sư đầu ngành về chính sách công và quản lý của Trường đại học Carnegie Mellon.

Như vậy là trong một nỗ lực liên hợp hiếm thấy giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu ngân sách trị giá 1.100 tỉ USD cho năm tài khóa 2014-2015, trong đó có khoản tăng cường chi tiêu 45 tỉ USD so với kế hoạch chi tiêu tự động cắt giảm năm ngoái.

Tuy nhiên Bộ Tài chính chỉ có thể tiếp tục vay nợ đến ngày 7-2 và các nhà lập pháp của hai đảng lúc đó lại phải bỏ phiếu để gia hạn trần vay nợ.

Nhắm đến bầu cử giữa kỳ

Chắc chắn quốc hội sẽ thông qua nhằm tiếp tục cấp ngân sách cho các chương trình đã được phê duyệt năm ngoái trong phạm vi dự luật chi tiêu.

Lý do rất dễ thấy: Đảng Cộng hòa không còn khăng khăng yêu cầu cắt giảm chi tiêu để bù trừ cho việc nâng giới hạn vay nợ, đây là điều mà trong năm 2012-2013 họ nhất định không chịu lùi bước.

Như vậy, có thể nói Chính phủ Mỹ đã thoát hiểm và an toàn đến tháng 10 trước khi vấn đề về chi tiêu ngân sách và nợ công một lần nữa trở nên nóng bỏng trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11 năm nay.

Với những diễn biến chính trị trong các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống thập kỷ qua, các vấn đề về nợ công dài hạn và thâm hụt ngân sách thật khó có thể được giải quyết, kể cả bây giờ hay đến tháng 11, thậm chí có thể không bao giờ giải quyết được nếu vẫn duy trì cách làm như bấy lâu nay.

Vậy tại sao hệ thống chính trị Mỹ lại đột nhiên trở nên hợp tác và gắn kết hơn hẳn so với tình hình một năm trước đây khi mọi vấn đề đều kết thúc trong bế tắc?

Câu trả lời rất đơn giản: không đảng nào muốn phải đối mặt với nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới với sự tham gia của toàn bộ 435 thành viên hạ viện và 33 thượng nghị sĩ - hiện Cộng hòa đang nắm đa số ở hạ viện và Dân chủ nắm đa số tại thượng viện - và thực tế cả hai đảng đều có cơ hội chiến thắng.

Đây là một canh bạc chính trị đầy rủi ro. Nếu Đảng Cộng hòa tiếp tục duy trì vị thế hiện nay ở hạ viện và giành được đa số ở thượng viện thì hai năm cầm quyền tới đây của Tổng thống Barack Obama sẽ không mang lại ý nghĩa gì nữa, và những gì ông đã làm được trong tám năm qua, trong đó có luật cải tổ y tế Obamacare, sẽ khó có khả năng được thực hiện.

Điều mà Đảng Cộng hòa mong đạt được là một kịch bản mang tính bảo thủ: một cơ cấu chính phủ gọn nhẹ hơn, giảm bớt các quy định, giảm can thiệp vào thị trường và giảm phúc lợi xã hội và... làm sụt giảm uy tín của Tổng thống Obama.

Ngược lại, nếu Đảng Dân chủ vẫn nắm giữ đa số ở thượng viện và đồng thời giành ưu thế tại hạ viện thì chương trình chính sách cấp tiến của Tổng thống Obama, bao gồm phúc lợi xã hội, quy định về môi trường, quy định hệ thống tài chính, nhập cư, năng lượng, đặc biệt là luật cải tổ y tế Obamacare, sẽ giúp củng cố hơn nữa những gì ông đã làm được trong những năm qua, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của thuyết tiến bộ.

Thêm vào đó, do ông Obama không còn cơ hội tranh cử trong kỳ bầu cử tổng thống tới, cả hai đảng đều có mong muốn kiểm soát quốc hội để tổng thống tiếp theo của nước Mỹ sẽ là thành viên của đảng mình.

Các vấn đề còn nguyên

Người dân Mỹ, đặc biệt là các cử tri, đang bị ảnh hưởng ghê gớm và vô cùng bối rối vì họ không rõ là mình thật sự mong đất nước sẽ đi theo tầm nhìn của Đảng Cộng hòa bảo thủ hay Đảng Dân chủ tiến bộ. Chỉ 1/10 số người dân Mỹ cho rằng quốc hội đang làm tốt chức năng của mình, dưới một nửa dân số cho rằng ông Obama đang thực hiện tốt vai trò tổng thống. Cả hai đảng và Tổng thống Obama đang cố gắng tận dụng thật tốt một vài tháng tới đây trong cuộc chạy nước rút đến kỳ bầu cử Quốc hội tháng 11-2014.

Tuy nhiên trong ván cờ này, Đảng Dân chủ đang có lợi thế sau việc chính phủ bị buộc đóng cửa năm ngoái. Phần lớn người dân Mỹ đổ lỗi cho Đảng Cộng hòa đã gây áp lực khiến chính phủ phải đóng cửa dẫn đến khủng hoảng. Họ cho rằng bởi vậy nên Đảng Cộng hòa mới chịu thỏa hiệp thông qua dự luật chi tiêu tuần trước.

Nợ của Mỹ vẫn đang tiếp tục phình to, thâm hụt ngân sách không dừng lại và Obamacare sẽ là một khoản chi vô cùng đắt đỏ. Nếu những gì đã xảy ra là phần mở đầu thì tới đây đảng thắng cuộc sẽ biến điều đó thành hoạt động thường ngày. Với quốc hội, điều quan trọng hơn cả vẫn là giành và giữ quyền lực chứ không phải là giải quyết các vấn đề quốc gia đang đối mặt.

Dự luật 1.600 trang

Để tránh ảnh hưởng “quấy rối” từ phe Đảng Trà trong việc phê chuẩn dự luật chi tiêu ngân sách tuần trước, lãnh đạo Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã hợp tác để đưa dự luật trong một cuộc họp kín. Thứ hai tuần trước, lãnh đạo hai đảng đã trình bày trước hạ viện dự luật chi tiêu dày 1.600 trang, sau đó đưa ra lấy phiếu biểu quyết vào thứ tư. Rất nhiều thành viên của cả hai đảng phàn nàn việc không có đủ thời gian để đọc hết từng ấy trang trước khi bỏ phiếu.

Lãnh đạo hạ viện cũng không cho phép đưa ra ý kiến sửa đổi lại dự luật, thậm chí cả những kiến nghị sửa đổi giúp dự luật hoàn thiện hơn. Và các thành viên chỉ có một giờ cho toàn bộ cuộc tranh luận xoay quanh dự luật. Thêm vào đó, các lãnh đạo hạ viện đã gộp toàn bộ 12 dự luật chi tiêu riêng cho các lĩnh vực khác nhau của chính phủ vào thành một bản dự luật tổng hợp gồm nhiều mục khiến các nghị sĩ chỉ có một lựa chọn là bỏ phiếu cho toàn bộ 12 dự luật hoặc không dự luật nào cả. Tại thượng viện cũng tiến hành bỏ phiếu “cả gói” như thế.

Như vậy một việc vốn thông thường phải mất nhiều tháng thì lần này chỉ mất một tuần để hoàn tất. Ông Omaba đang gây sức ép lên quốc hội để thông qua dự luật nâng trần vay nợ “không kịch tính” trong một vài ngày tới.


Theo Thúy Đào

huongnt

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên