MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Bóng ma" khủng hoảng 1998 ám ảnh Malaysia

17-08-2015 - 16:15 PM | Tài chính quốc tế

Đà lao dốc mạnh nhất kể từ năm 1998 của đồng Ringgit đang khơi gợi những ký ức về “trận chiến” giữa cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad với ông trùm quỹ đầu cơ George Soros.

Tổng cộng trong tuần trước đồng nội tệ của Malaysia đã giảm 3,8% so với USD, sau khi Thống đốc NHTW Zeti Akhtar Aziz đưa ra nhận định Malaysia sẽ phải xây dựng lại dự trữ ngoại hối sau khi giảm xuống dưới 100 tỷ USD lần đầu tiên kể từ năm 2010. Bà loại bỏ khả năng phải dùng tới các biện pháp mà Malaysia đã áp dụng cách đây 17 năm như neo Ringgit vào một đồng tiền nào đó hay áp dụng chính sách kiểm soát dòng vốn. Khi đó Mahathir đã đổ lỗi cho các nhà đầu tư nước ngoài và gọi Soros là một “đứa trẻ ranh” vì ông là một phần nguyên nhân.

“Những gì diễn ra hiện nay khiến những hồi ức về các cuộc tấn công của quỹ đầu cơ trong những năm 1997/98 trỗi dậy”, Chua Hak Bin – chuyên gia kinh tế tại Bank of America Merrill Lynch chi nhánh Singapore – nói.

Mở đầu tuần mới, đồng Ringgit quay lại với xu hướng giảm điểm, dẫn đầu đà giảm của nhóm các đồng tiền châu Á với mức giảm 24% kể từ đầu năm đến nay. Ringgit đã phải đối mặt với rất nhiều giông bão: bê bối chính trị, Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, giá dầu sụt giảm mạnh và khả năng Fed tăng lãi suất. Cách đây 17 năm, đồng tiền này lao dốc 30% trong 12 tháng trước khi Mahathir áp đặt kiểm soát vốn vào tháng 9/1998. Một số nhà đầu tư cho rằng nguy cơ bi kịch lặp lại đang khiến dòng tiền rời khỏi Malaysia.

Trong 8 tuần gần nhất, Ringgit đều giảm giá và có lúc đã giảm xuống mức thấp nhất 17 năm là 4,1340 Ringgit đổi 1 USD.

Chuyên gia Alan Richardson từ quỹ đầu tư Samsung cũng có chung quan điểm rằng lịch sử phản ứng một cách khắc nghiệt đang khiến dòng vốn bị rút khỏi Malaysia.

Các quỹ toàn cầu nắm giữ 32% tổng số trái phiếu do Chính phủ Malaysia phát hành trong tháng 7. Tỷ lệ ở Thái Lan chỉ là 17%, theo số liệu của các NHTW.

Chỉ số cơ bản của TTCK Malaysia đang hướng tới phiên đóng cửa thấp nhất kể từ năm 2012, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm lên cao nhất 18 tháng. Các nhà đầu tư nước ngoài giảm khối lượng trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp Malaysia xuống còn 206,8 tỷ ringgit (tương đương 50,2 tỷ USD) trong tháng 7, thấp nhất kể từ tháng 8/2012.

Dự trữ ngoại hối giảm 17% kể từ đầu năm đến nay, xuống còn 96,7 tỷ USD tính đến cuối tháng 7 là dấu hiệu cho thấy NHTW Malaysia đã can thiệp để hỗ trợ đồng Ringgit trong bối cảnh Thủ tướng Najib Razak đối mặt với cáo buộc tham nhũng.

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên