Các quỹ đầu tư cảnh báo về tương lai ảm đạm của Trung Quốc
David Tepper cho hay đồng nội tệ của Trung Quốc sắp giảm giá mạnh, trong khi John Burbank cảnh báo rằng một cú đáp khó khăn ở đó có thể nhen nhóm lên sự suy thoái toàn cầu.
Tại hội thảo các nhà đầu tư Robin Hood diễn ra vào cuối tháng 11, David Tepper, ông chủ tỷ phú của quỹ đầu tư Appaloosa Management, cho hay đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cần giảm giá mạnh để về đúng với giá trị thực. Nhận định của ông cũng giống như nhiều dự báo khác từ các nhà quản lý quỹ hàng đầu thế giới, trong đó có Crispin Odey – người đã dự đoán Trung Quốc sẽ giảm giá đồng nhân dân tệ ít nhất 30%.
Các nhà quản lý tài chính đang mất dần niềm tin vào khả năng hồi phục nền kinh tế của Trung Quốc, nền kinh tế vốn chịu đựng nợ xấu gia tăng và xuất khẩu sụt giảm.
“Viễn cảnh dành cho Trung Quốc dường như tồi tệ hơn bao giờ hết,” tỷ phú Dan Loeb viết gửi các nhà đầu tư tại Third Point. “Câu hỏi mới đặt ra không phải liệu sự suy giảm của cỗ máy tăng trưởng hàng đầu thế giới có nghiêm trọng không mà là nghiêm trọng tới mức nào.”
Tập đoàn Goldman Sachs cũng cho rằng rủi ro lớn nhất đe dọa đà hồi phục của các tài sản trên thị trường mới nổi trong năm tới là “sự giảm giá đáng kể” của đồng nhân dân tệ. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc - vì phải đối diện với một đồng USD mạnh hơn và tăng trưởng chậm - có thể giảm giá nhân dân tệ mạnh mẽ.
6 tháng qua, các quỹ đầu cơ đã giảm mạnh lượng cổ phiếu của những công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ trong danh mục đầu tư của mình. Các quỹ sở hữu khoảng 8% các cổ phiếu Baidu Inc. được báo cáo giao dịch trên thị trường Mỹ tính đến cuối quý III, giảm mạnh so với con số khoảng 13% của quý I. Quỹ Appaloosa đã bán toàn bộ cổ phần của họ tại Alibaba.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong vòng 5 năm tới của Trung Quốc sẽ đổ bể trừ khi đồng nhân dân tệ giảm ít nhất 8% so với đồng USD vào cuối năm 2016, Royal Bank of Canada và Rabobank nhận định.
Paul Singer - người quản lý của quỹ đầu tư Elliott -cũng cảnh báo về việc đà suy giảm của kinh tế Trung Quốc lây lan ra toàn cầu. Singer nói với các nhà đầu tư trong một lá thư hồi tháng 10 rằng các thị trường mới nổi đang “nghẹt thở” vì viễn cảnh Mỹ tăng lãi suất (dù chỉ là 0,25%) và nền kinh tế đang trong suy thoái.
Thậm chí Singer viết rằng thế giới có thể phải đối diện với một tình huống nghiêm trọng hơn như một “sự hoảng loạn của ngân hàng trung ương toàn cầu”. Ông nói rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ có thể “tăng gấp đôi mức độ cực đoan tiền tệ” nhằm đối phó với sự suy yếu của các nền kinh tế mới nổi.
Dẫu vậy một vài nhà quản lý vẫn có cái nhìn lạc quan về Trung Quốc.
Taconic Capital Advisors, quỹ chuyên tìm kiêm lợi nhuận từ các vuj M&A, chia tách hoặc phá sản, đã nhận định rằng “chúng ta sẽ không phải đối mặt với ngày tận thế gây ra bởi Trung Quốc. Tăng trưởng đã chậm lại, nhưng không nhiều như người ta tưởng, và chính phủ Trung Quốc đã tiếp tục có hàng loạt các đòn bẩy để hỗ trợ nền kinh tế của mình.”