MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cái giá nước Mỹ phải trả nếu không nâng trần nợ là bao nhiêu?

27-07-2011 - 17:55 PM | Tài chính quốc tế

Ở mức độ tồi tệ nhất, khoản tiền chính phủ Mỹ phải chi ra thêm để trả lãi hàng năm có thể tăng thêm đến 100 tỷ USD. Cuối năm 2011, thất nghiệp có thể lên mức 9,6%

Các chuyên gia kinh tế và nhà phân tích đang cố gắng đánh giá thiệt hại tài chính mà kinh tế và người tiêu dùng Mỹ phải chịu nếu nước Mỹ mất xếp hạng tín dụng cao nhất. Khả năng này đang trở nên lớn hơn xét đến diễn biến các cuộc đối thoại hiện nay.

Một số chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng tác động từ việc xếp hạng tín dụng của Mỹ bị hạ xuống mức AA từ mức AAA có thể được tính ở con số nhiều tỷ USD chi phí vay tiền tăng cao mà chính phủ Mỹ cũng như các doanh nghiệp, người tiêu dùng, các bang phải chịu. Niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp đi xuống, kinh tế tăng trưởng kém, quá trình tạo việc làm còn khó khăn hơn nữa.

Người ta từng không thể tưởng tượng ra kịch bản một trong số các cơ quan xếp hạng tín dụng sẽ hạ xếp hạng của Mỹ. Thế nhưng khi chính phủ Mỹ quá bế tắc trong việc nâng trần nợ 14,3 nghìn tỷ USD, các tổ chức tài chính buộc phải tính toán đến một sự thay đổi.

Việc bị hạ xếp hạng nợ sẽ gây ra ít tác động xấu với nước Mỹ ít hơn so với khả năng vỡ nợ, đó là khi chính phủ không thể có tiền trả cho chủ nợ. Nhiều chuyên gia ngân hàng trên phố Wall cho rằng khả năng nước Mỹ vỡ nợ sẽ được chặn đứng bởi hậu quả của nó lên thị trường tài chính và nền kinh tế sẽ quá tồi tệ. Dù vậy, họ không thể chắc chắn rằng ảnh hưởng dồn ép sau suốt thời kỳ căng thẳng vừa qua không dẫn đến việc xếp hạng tín dụng bị điều chỉnh giảm.

Các chuyên gia dự đoán lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng khoảng 0,1 điểm phần trăm lên mức 0,7 điểm phần trăm. Chính phủ Mỹ sẽ phải trả lãi suất cao hơn đối với các khoản nợ, mỗi năm khoản tiền phải trả có thể đội lên hàng chục tỷ USD mỗi năm. Hiện nay, mỗi năm nước Mỹ phải trả 250 tỷ USD tiền lãi.

Ông Terry Belton, trưởng bộ phận thu nhập cố định tại JP Morgan, cho rằng sau khi bị hạ xếp hạng tín dụng, số tiền mà chính phủ Mỹ phải chi thêm mỗi năm phụ thuộc vào việc tình trạng bế tắc hiện nay trong nội bộ chính phủ Mỹ kéo dài bao lâu.

Ở mức độ tồi tệ nhất, khoản tiền chính phủ Mỹ phải chi ra thêm để trả lãi hàng năm có thể tăng thêm đến 100 tỷ USD.

Đối với một người tiêu dùng thông thường đang vay thế chấp khoảng 200.000USD, lợi suất tăng cao hơn, người đó mỗi năm sẽ mất thêm từ 200 đến 400USD.

Ông Mohamed El-Erian, chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới (PIMCO),cho biết ông tin các nhà hoạch định chính sách sẽ đạt đến thỏa thuận nâng trần nợ và ngăn khả năng vỡ nợ nhưng xếp hạng tín dụng của nước Mỹ chịu khá nhiều rủi ro.

Ông nói: “Việc bị hạ xếp hạng tín dụng đồng nghĩa với đồng USD yếu, lãi suất cao hơn và niềm tin vào kinh tế trở nên mong manh.”

Cơ quan xếp hạng tín dụng S&P, một trong ba cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu, đã khẳng định việc nâng trần nợ không đủ. Nếu Quốc hội Mỹ không có kế hoạch tiết kiệm khoảng 4 nghìn tỷ USD, xếp hạng tín dụng của Mỹ sẽ vẫn bị điều chỉnh giảm.

Các chuyên gia phân tích và chuyên gia kinh tế đã nói đến điều này khi họ thể hiện sự lo lắng về khả năng bị hạ xếp hạng tín dụng. Ngày thứ Hai, một trong những quỹ hưu trí lớn nhất Mỹ gửi thư đến Tổng thống Obama cảnh báo rằng hậu quả sẽ hết sức tồi tệ và tăng trưởng kinh tế sẽ trì trệ trong nhiều năm tới.

Macroeconomic Advisers dự báo GDP Mỹ nửa sau năm 2011 có thể tăng trưởng chỉ 2,6% từ mức dự báo 3,2% vào trước đó, và tỷ lệ thất nghiệp ở thời điểm cuối năm 2011 sẽ ở mức 9,6% từ mức 9,2% theo kỳ vọng.

Ông Joel Prakken, chủ tịch Macroeconomic Advisers, khẳng định bất kỳ mức thay đổi nào về lãi suất sẽ chỉ ở mức rất hạn chế và tác động không quá lớn, tuy nhiên câu chuyện quan trọng nhất cần chú ý chính là liệu tình hình bất ổn có khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp ngừng chi tiêu.

Thực tế, ông chỉ ra nhiều doanh nghiệp lớn dù ôm rất nhiều tiền nhưng không hề đầu tư từ vài tháng qua, có lẽ cũng bởi lo lắng về thay đổi đang diễn ra theo hướng xấu như hiện nay.

Ngọc Diệp

Theo Nytimes

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên