MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cái giá thực sự đằng sau thỏa thuận hạt nhân với Iran

14-09-2015 - 11:30 AM | Tài chính quốc tế

Mỹ cần tìm giải pháp với Israel, Ả Rập Xê Út và các nước đồng minh Ả Rập truyền thống khác, vốn là các quốc gia phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Các chiến dịch vận động hành lang cùng những kiến nghị nhằm bác bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran đã không đạt được kết quả như mong đợi khi hôm 2/9 vừa qua Quốc hội Mỹ và tổng thống Mỹ Brack Obama đã đạt được đủ số phiếu để bảo đảm chắc chắn thỏa thuận hạt nhân với Iran mới ký sẽ được thực thi.

Tuy nhiên, sau khi đạt được thỏa thuận mang ý nghĩa lịch sử này, những cái giá trong lợi ích kinh tế liên quan tới thỏa thuận này sẽ bắt đầu được tính. Lúc đó, Washington có thể sẽ nhận thấy rằng những gì đặt vào Trung Đông tốn kém hơn nhiều so với dự tính và các chính sách hiện tại của chính quyền Tổng thống Obama dường như không phù hợp để có thể cải thiện tình hình.

Hoa Kỳ đang cho thấy những nỗ lực nhằm chứng minh nước này không hề có ý định “nhân nhượng, xoa dịu” đối với Iran dù đã đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân với Tehran. Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, đáng lo ngại hơn, thỏa thuận này có thể sẽ gây căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh truyền thống ở Trung Đông và vùng Vịnh. Họ cho rằng, khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Iran sẽ hùng mạnh hơn và có khả năng thách thức ảnh hưởng của các nước đồng minh Ả-rập vùng Vịnh. Và hậu quả này sẽ là rất khó lường.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố đây là "một sai lầm lịch sử của thế giới" và ”việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ giúp Iran nhận được hàng tỷ USD. Số tiền này có thể được sử dụng để chế tạo cỗ máy khủng bố, bành trướng và gây hấn ở Trung Đông cũng như toàn bộ thế giới”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Moshe Yaalon tuyên bố Israel sẽ buộc phải "tự bảo vệ mình".

Trong thỏa thuận với Iran, chính quyền Obama đã cho phép các chi phí tăng không cần thiết, trong đó có cả sự ngầm chấp nhận những hành vi có thể đe dọa tới lợi ích lâu dài của Mỹ. Thực tế đã chứng minh điều đó, trật tự mới trong khu vực mà được định hình bởi các quốc gia Ả-rập độc đoán đã quay trở lại chỉ một vài năm sau khi những cuộc nổi loạn càn quét khu vực này. Một chương mới của chủ nghĩa hồi giáo cực đoan đang dần được hình thành từ những cuộc đàn áp đẫm máu, nhưng không hề có lấy một phản ứng nào đáng chú ý từ Washington để dập tắt tình trạng này.

Hãy nhìn vào Ai Cập, nơi đang diễn ra quá trình khôi phục lại đất nước và mở cửa trở lại với quốc tế sau cuộc chính biến năm 2013 dưới sự lãnh đạo của tổng thống Abdel-Fatah al-Sisi, thì tình hình tại đây vẫn còn tốt hơn so với các nước trong khu vực bất chấp những cuộc đàn áp đẫm máu không ngừng nổ ra giữa chính phủ hiện tại với phe ủng hộ ông Hosni Mubarak - Tổng thống bị lật đổ cùng chế độ độc tài của mình trong cuộc cách mạng năm 2011.

Mỹ dường như đã gửi đi một thông điệp sai khi nối lại viện trợ quân sự cho Ai Cập trong năm nay, sau khi đình chỉ các khoản viện trợ này từ tháng 10 năm 2013 - sau sự kiện cựu Tổng thống Mohammed Morsi (thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo) bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự. Đó là lợi thế thế duy nhất mà Washington có nhưng đã bị phung phí.

Tại Bahrain, Mỹ đã dỡ bỏ các hạn chế mua bán vũ khí cho nước này trong tháng 6, tuyên bố Manama đã đạt được những tiến bộ đáng kể về nhân quyền. Tuyên bố này được phát đi hai tuần sau khi tòa tuyên án Ali Salman - lãnh đạo đảng đối lập Shia 4 năm tù. Chế độ do người thiểu số dòng Sunni nắm quyền tại Bahrain đang phải chống trả những cuộc nổi dậy liên miên do tình trạng bất ổn bắt nguồn sự bất mãn của các chiến binh hồi giáo dòng Shia. Việc tiếp tục các cuộc đàn áp đẫm máu chống lại những chính trị đối lập chắc chắn sẽ càng reo rắc sự hận thù sâu sắc lên thế hệ trẻ Shia và làm tình trạng bất ổn càng trầm trọng hơn tại đất nước này – nơi là căn cứ trú ngụ của lực lượng Hải quân Mỹ tại vùng Vịnh.

Ở cả Bahrain và Ai Cập, Mỹ đã hành động với sự thận trọng và quan sát những động thái từ A-rập-xê-út, cũng như các nhà lãnh đạo ngày càng quyết đoán của các phe phái Ả-rập dòng Sunni - những người ủng hộ chế độ quân chủ Bahrain và cuộc đảo chính quân sự của Ai Cập.

Tuy nhiên, ở Yemen, sự xoa dịu của Mỹ với các đồng minh của Ả-rập lại có thể mang lại những tác động tiêu cực nhất. Vào thời điểm khi mà các ưu tiên của Mỹ - và của tất cả các đồng minh là cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) của Iraq và vùng cận đông, Washington lại hỗ trợ một chiến dịch quân sự do Ả-rập-xê-út khởi xướng, điều này đã khiến tình hình khu vực càng hỗn loạn hơn.

Những động thái của Iran trong việc hậu thuẫn phiến quân Houthi ở Yemen đã vấp phải một phản ứng gay gắt từ chế độ quân chủ Ả-rập-xê-út, khi Riyadh nhận thấy những “xúc tu” của Tehran đã lan tới tận sân sau của mình. Những cuộc xung đột kéo dài suốt bốn tháng qua đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 2.000 dân thường, và đặt Yemen trên bờ vực của nạn đói diện rộng. Ả-rập-xê-út và các đồng minh mới đây đã có được những kết quả tích cực đầu tiên sau các cuộc không kích nhưng chiến tranh chắc chắn sẽ còn kéo dài. Trong khi đó sự tan rã của đất nước đã làm cho lực lượng khủng bố al-Qaeda ở Yemen được tiếp thêm sức mạnh, nhóm này tự cho rằng đang ở cùng một chiến tuyến với liên minh quân sự do Ả-rập-xê-út đứng đầutrong các cuộc đụng độ với các nhóm phiến quân Houthi và Shia.

Phía Hoa Kỳ đang cho thấy những quan ngại về chiến dịch không kích vào Yemen của liên quân do A-rập-xê-út đứng đầu. Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng nghi ngờ những cáo buộc cho rằng Tehran đang hậu thuẫn cho phiến quân Hồi giáo Houthi dòng Shii’te nhằm gây bất ổn tại Yemen. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ thời báo New York (New York Times) hồi tháng 7, ông Obama cho biết Tehran không hề tạo sức ép để quân nổi dậy đánh chiếm Sana'a, thủ đô Yemen vào năm 2014. Những suy đoán của tổng thống Mỹ với các vấn đề nóng của khu vực dường như đang cho thấy sự mâu thuẫn với chính sách điều hành của mình. Mối đe dọa lớn nhất mà các quốc gia vùng Vịnh phải đối mặt không phải là một cuộc xâm lược của Iran mà chính là sự bất mãn nội tại trong từng quốc gia, ông cho biết thêm.

Việc Mỹ lên tiếng phản đối chiến dịch không kích của các quốc gia vùng Vịnh trong khi đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran sẽ khiến chính quyền Obama phải đối mặt với sức ép từ dư luận cho rằng siêu cường này đang tỏ ra mềm mỏng, nhân nhượng với Tehran, và không ngần ngại gạt sang một bên sự quan ngại của các đồng minh A-rập truyền thống.

Điều trớ trêu là ở chỗ, quan hệ đồng minh lâu năm Mỹ - Ả-rập-xê-út đang rời rạc và có dấu hiệu lạnh nhạt. Quốc vương Salman bin Abdulaziz đã có mặt ở Washington vào hôm 3/9 sau khi tỏ ra thờ ơ với hội nghị thượng đỉnh Trại David của vùng Vịnh và các nhà lãnh đạo của Mỹ trong tháng 5. Cùng lúc đó, các nhà lãnh đạo vùng Vịnh đã lên tiếng về sự thất vọng của họ cho rằng Mỹ chưa thực sự thiết tha hỗ trợ đồng minh trong cuộc chiến ở Yemen. Những điều này đang cho thấy cái giá mà Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ là một con đường đầy những chông gai và bất đồng đang chờ đợi Mỹ sau ngày đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Theo một văn bản được phía Hoa Kỳ công bố, thỏa thuận khung bao gồm các điều kiện sau:

• Iran sẽ giảm số lượng máy ly tâm, vốn dùng để làm giàu uranium, xuống còn 1/3, cũng như giảm lượng uranium được làm giàu ở cấp độ thấp.

• Các máy ly tâm không còn được sử dụng sẽ được đưa vào kho cất giữ, dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

• Tất cả cơ sở hạt nhân của Iran sẽ được IAEA thẩm tra thường xuyên.

• Iran sẽ thiết kế lại lò phản ứng nước nặng tại Arak để loại bỏ khả năng sản xuất plutonium cấp vũ khí.

• Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và EU liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran sẽ được gỡ bỏ từng phần, nhưng có thể bị áp đặt trở lại nếu nước này không tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận.

Bảo Trung

FT

Trở lên trên