MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cái tên mới trên đồng bạc xanh

10-01-2013 - 18:51 PM | Tài chính quốc tế

Jack Lew - người vừa được ông Obama đề cử làm bộ trưởng Tài chính Mỹ - có được 1 lợi thế rất lớn mà 4 năm về trước ông Geithner không có: một nền kinh tế đang tăng trưởng.

Các bộ trưởng tài chính của nước Mỹ thường được lựa chọn dựa trên những thử thách mà họ sẽ phải đối mặt. Cách đây 4 năm, Timothy Geithner – cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang chi nhánh New York – được chọn làm bộ trưởng tài chính trong bối cảnh hệ thống tài chính toàn cầu đang chao đảo và tưởng chừng như sẽ sụp đổ. Năm nay, ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Obama là đối phó với thâm hụt ngân sách. Và, có thể coi đó là nguyên nhân khiến Jack Lew – người có nhiều kinh nghiệm về ngân sách – trở thành người kế nhiệm ông Geithner.

Phần lớn sự nghiệp của ông Lew gắn với các vấn đề về ngân sách. Năm 1979, ông bắt đầu làm cố vấn cho Tip O’Neill – nhân vật sau đó trở thành người phát ngôn của Hạ viện. Từ năm 1998 đến 2001, ông đảm nhiệm vai trò trưởng phòng quản lý và ngân sách cho cựu Tổng thống Bill Clinton và tiếp tục giữ vị trí này từ năm 2010 đến 2012, phục vụ cho Tổng thống Obama. 

Trước đó, rất nhiều người đã dự đoán rằng ông Obama sẽ chọn ra một người “ngoại đạo” xuất sắc (có thể là từ phố Wall) để hàn gắn mối quan hệ với giới kinh doanh và xây dựng chiếc cầu kết nối với đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, ông Obama đã khiến mọi người ngạc nhiên với một sự lựa chọn trái ngược: ông Lew hoàn toàn là “người trong cuộc”. Gần như không có ai ở bên ngoài Washington biết đến Jack Lew. 

Tờ dollar được photoshop có in chữ ký của Jack Lew - người vừa được ông Obama đề cử cho vị trí bộ trưởng tài chính Mỹ  (Ảnh: New York Magazine)

Tương tự như “địa ngục tài chính” đã từng chào đón ông Geithner, thách thức về ngân sách mà ông Lew thừa hưởng có thể dễ khiến người khác nản chí. Ở mức khoảng 6% GDP, thâm hụt ngân sách của nước Mỹ có thể giảm xuống trong những năm tới một khi nền kinh tế được cải thiện. Tuy nhiên, chi phí của các chương trình an sinh xã hội, đặc biệt là các chương trình y tế Medicare và Medicaid, lại tăng quá mạnh. 

Quan trọng hơn, thế giằng co không chịu nhượng bộ giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa là mối đe dọa quá lớn với nước Mỹ. Và, có vẻ như ông Lew sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Không giống như người tiền nhiệm Geithner, Lew đến từ cánh cấp tiến (liberal wing) của đảng Dân chủ và có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Quốc hội. Trong suốt các cuộc thảo luận về trần nợ năm 2011, các thành viên của đảng Cộng hòa phàn nàn rằng ông Lew đã lên tiếng dạy bảo điều gì là tốt cho đảng của họ trong khi liên tục đưa ra nhiều trở ngại cản đường đi đến thỏa thuận. 

Tuy nhiên, rất có thể, ông Obama không quan tâm đến điều này. Giống như việc lựa chọn Chuck Hagel cho vị trí bộ trưởng quốc phòng, ông Obama muốn những thành viên trong nội các mới phải là những người trung thực và có cùng quan điểm với ông. 

Mặc dù đã từng nắm giữ vị trí cấp cao tại Citigroup, yếu điểm lớn nhất của ông Lew lại là không có nhiều kinh nghiệm về thị trường tài chính Mỹ cũng như tài chính quốc tế. Ông Obama có thể khắc phục các yếu điểm này bằng cách bổ nhiệm 1 vị thứ trưởng (nếu thứ trưởng hiện nay là ông Neal Wolin ra đi) có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Các ứng viên tiềm năng bao gồm David Lipton (phó tổng giám đốc điều hành IMF), Michael Froman (cố vấn của Nhà Trắng) hay Lael Brainard (người phụ trách các vấn đề đối ngoại của bộ tài chính). 

Tuy nhiên, ông Lew có được 1 lợi thế rất lớn mà 4 năm về trước ông Geithner không có: một nền kinh tế đang tăng trưởng. Thời kỳ cuối năm 2008 và đầu năm 2009, mỗi tháng có tới 600.000 đến 800.000 việc làm biến mất. Tháng 12 vừa qua, có 155.000 việc làm mới được tạo ra, tăng 0,1% so với tháng 11. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức khá cao (7,8%), rõ ràng là nền kinh tế đang có tiến triển tốt bất chấp những bất ổn về chính sách thuế và nguy cơ chính phủ vỡ nợ. 

Có vẻ như, các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã tin tưởng rằng ông Obama và Quốc hội Mỹ sẽ có thể tránh được thảm họa vào phút chót. Cũng như các lãnh đạo chủ chốt khác, nhiệm vụ của ông Lew là phải duy trì được lòng tin đó. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên