MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chặn đường sống của ngân hàng đầu tư

23-05-2013 - 12:45 PM | Tài chính quốc tế

“Trái tim” của ngành ngân hàng đầu tư đang đập những nhịp rất yếu ớt.

“Hãy nhìn xem”, lãnh đạo cấp cao của một trong những ngân hàng lớn nhất trên thế giới chỉ vào con số nhấp nháy trên một trong 6 chiếc màn hình máy tính đặt ở bàn làm việc của ông. Những chiếc máy tính này hiển thị mức chênh lệch giữa đồng USD và đồng yên (đây cũng chính là lợi nhuận mà các ngân hàng sẽ thu được). 

Nếu như lợi nhuận sụt giảm mạnh là mối lo ngại lớn của các ngân hàng khi nói về hoạt động kinh doanh cổ phiếu, giờ đây họ còn lo lắng hơn về mảng kinh doanh tài sản mang lại thu nhập cố định, tiền tệ và hàng hóa (gọi tắt là FICC). Mảng này vốn đã trở thành kế sinh nhai của các ngân hàng đầu tư trong suốt thập kỷ vừa qua.

Sẽ là sai lầm nếu như nhìn nhận FICC là một mảng đơn lẻ, bởi mảng này là một nhóm bao gồm nhiều hoạt động, từ giao dịch trái phiếu chính phủ có rủi ro thấp cho đến sở hữu dầu thô. Chúng có một đặc điểm chung là đều liên quan đến giao dịch. Đối với các ngân hàng lớn, doanh thu mảng FICC chủ yếu đến từ giao dịch trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và tiền tệ của các nền kinh tế lớn trên thế giới. FICC chính là mảng lâu đời nhất của các ngân hàng đầu tư. Năm 1825, gia tộc Rothschild đã xây dựng ngân hàng lớn nhất thế giới với hoạt động chính là cho các chính phủ vay tiền.

Sự tăng trưởng của mảng FICC trong 2 thập kỷ vừa qua xuất phát chủ yếu từ việc bảng cân đối kế toán của các ngân hàng ngày càng phình to. Nếu như năm 2000, doanh thu từ giao dịch cổ phiếu lớn gấp đôi so với doanh thu từ giao dịch trái phiếu, giờ đây các ngân hàng đã phụ thuộc nặng nề vào FICC. 

Các ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn như Citi, Deutsche Bank và Barclays đều ghi nhận khoảng 2/3 doanh thu của mảng ngân hàng đầu tư đến từ FICC. Đối với Goldman Sachs – một trong những ngân hàng được kính trọng nhất trong mảng giao dịch cổ phiếu và tư vấn thâu tóm, FICC chỉ đóng góp 17% doanh thu trong năm 1998 nhưng hiện nay đã trở thành mảng sinh lời nhiều nhất với tỷ lệ đóng góp lên tới 35%.

Nợ leo thang và bảng cân đối kế toán được mở rộng là những nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, tính phức tạp trong hoạt động kinh doanh cũng là một nguyên nhân. Lợi nhuận từ FICC lớn hơn từ cổ phiếu là do thị trường nợ phức tạp hơn nhiều. Các công ty lớn thường phát hành cổ phiếu đặc biệt trong khi các công ty sẽ phát hành hàng chục (thậm chí hàng trăm) loại trái phiếu. Thêm vào đó, các đợt phát hành chắc chắn sẽ khác biệt vì lãi suất và kỳ hạn đều thay đổi. Điều này khiến nhà đầu tư trái phiếu có rất nhiều lựa chọn. 


Gaël de Boissard, người phụ trách bộ phận giao dịch tài sản mang lại thu nhập cố định của Credit Suisse, chỉ ra rằng chỉ riêng ở Mỹ đã có tới 38.000 loại tài chứng khoán nợ khác nhau được các doanh nghiệp phát hành. 

Thay đổi vì công nghệ 

Những phát minh sáng kiến như quỹ ETF và giao dịch điện tử đã làm thị trường chứng khoán biến đổi hoàn toàn. Giờ đây, những nhân tố này lại tiếp tục khiến thị trường nợ phải biến đổi. Goldman Sachs, UBS, Morgan Stanley, BlackRock và Bloomberg đều đang thử nghiệm mạng lưới giao dịch trái phiếu điện tử. Trong quá khứ, các nhà giao dịch ưu tiên (Primary dealers) vốn có lợi thế độc quyền trên thị trường trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, giờ đây lợi thế ấy không còn. Theo thống kê của Bloomberg, chính phủ Mỹ phát hành khoảng 20% số nợ thông qua các phiên đấu giá trực tiếp trên website. 

BlackRock cũng vừa cho ra mắt một chuỗi các ETF có các đặc điểm giống với trái phiếu truyền thống như mang lại thu nhập cố định và có nhiều thời gian đáo hạn khác nhau.  

Tuy nhiên, áp lực buộc phải đơn giản hóa đang tăng lên. Giới đầu tư và các công ty bảo hiểm muốn mọi thứ trở nên đơn giản hơn để có thể cắt giảm chi phí và tăng thanh khoản trong khi các nhà quản lý muốn đảm bảo rằng mọi việc sẽ được giải quyết nhanh chóng nếu một ngân hàng lớn sụp đổ. 

Mảng giao dịch sản phẩm phái sinh – một cỗ máy in tiền khác của các ngân hàng đầu tư -cũng phải chịu nhiều áp lực lợi nhuận. Họ buộc phải chuyển các hợp đồng phái sinh đến các đối tác trung tâm nhằm giảm rủi ro hệ thống. Do phải chịu chi phí phòng vệ rủi ro cho khách hàng, luật lệ mới này khiến lợi nhuận của các ngân hàng sụt giảm.

Cùng với những qui định mới về vốn và thanh khoản, những thay đổi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu cũng như lợi nhuận của các ngân hàng. Vị lãnh đạo của Deutsche Bank cho rằng doanh thu của ngân hàng này sẽ sụt giảm 6% trong năm nay. Tỷ lệ ROE sẽ giảm từ mức 13 – 14% của hiện tại xuống chỉ còn 5-6%.

Điều ngân hàng làm tốt nhất

Tuy nhiên, không phải tất cả thay đổi đều khiến các ngân hàng lâm vào cảnh khốn khó. Tập trung hóa và đơn giản hóa các hợp đồng phái sinh đe dọa sẽ khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, các thay đổi sẽ làm tăng khối lượng giao dịch và cho phép ngân hàng giảm thiểu rủi ro.

Điều này lại cho phép các ngân hàng quay trở lại với vai trò chủ chốt của họ: tạo lập thị trường cho các chứng khoán có tính thanh khoản yếu – bộ phận đã bị lờ đi trong một vài năm gần đây. Lượng tồn kho trái phiếu doanh nghiệp tại các nhà giao dịch ưu tiên ở Mỹ đã giảm từ 230 tỷ USD của thời kỳ trước khủng hoảng xuống mức dưới 60 tỷ USD. Hầu hết các ngân hàng đầu tư ở châu Âu cũng đang cắt giảm qui mô tài sản. Kết quả là, các quỹ đầu cơ và giới đầu tư than phiền rằng họ ngày càng gặp nhiều khó khăn khi giao dịch.

Các ngân hàng lượng vốn lớn cũng nên tận dụng thời cơ các ngân hàng nhỏ hơn đang trượt dốc. Nhiệm vụ cung cấp thanh khoản đã được chuyển sang vai các nhà tạo lập thị trường. Tuy nhiên, thông thường thì bộ phận này chỉ chấp nhận rủi ro trong ngày và không muốn chấp nhận giao dịch lô lớn. Đây chính là cơ hội để các quỹ đầu cơ vào cuộc nếu như mức lợi suất đủ hấp dẫn. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên