MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Á và "cơn sốt" phim Hàn

21-08-2014 - 12:50 PM | Tài chính quốc tế

Những bộ phim ăn khách của điện ảnh Hàn Quốc không chỉ tạo nên những điểm du lịch mới mà còn ảnh hưởng đến cách ăn mặc, mua sắm và ăn uống của giới trẻ châu Á.

CNBC đăng tải chùm bài viết có chủ đề “Asia tomorrow” (tạm dịch: Tương lai của châu Á) trả lời cho các câu hỏi: Châu Á đối mặt với những thay đổi chưa từng có tiền lệ như thế nào? Các nhà hoạch định chính sách châu Á đang làm gì và điều này có ý nghĩa như thế nào đối với các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư? Chúng tôi xin lược dịch series này với mong muốn đem đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích.

Bài viết này nói về sức ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc đến giới trẻ châu Á.

 “Vì sao đưa anh tới” là bộ phim Hàn Quốc “hot” nhất trong mùa hè vừa qua. Phim có sự tham gia của Gianna Jun – nữ diễn viên cũng được biết đến ở Hollywood với bộ phim “Ma cà rồng cuối cùng” – và nam diễn viên Kim Soo Hyun. Bộ phim lãng mạn xen lẫn một vài tình tiết khoa học giả tưởng đã “gây bão” ở châu Á.

Theo Tiến sĩ Sangkyun Kim – giảng viên khoa Du lịch đến từ trường ĐH Flinders, chính phủ Hàn Quốc đã coi phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những chiến lược chính để phát triển đất nước kể từ những năm 1990 và đã rất nỗ lực. Không chỉ phim ảnh, âm nhạc Hàn Quốc cũng có sức hút mạnh mẽ đối với giới trẻ trên toàn bộ châu Á. 
Từ du lịch ...

Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) –  thuật ngữ dùng để chỉ sự nổi tiếng của văn hóa Hàn Quốc trên toàn thế giới trong thế kỷ 21 – đã thúc đẩy ngành du lịch của nước này phát triển. Theo số liệu từ Tổng cục du lịch Hàn Quốc (Korea Tourism Organization (KTO) , lượng khách du lịch nước ngoài đến đây đã tăng 9,3%, lập kỷ lục 12,2 triệu lượt trong năm 2013. 

Trong đó KTO đặc biệt chú ý đến các điểm du lịch có liên quan đến bộ phim “Vì sao đưa anh tới”. Các địa điểm ghi hình thu hút được nhiều sự chú ý của các công ty du lịch Trung Quốc và điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi bộ phim đã thu hút được 2,5 tỷ lượt xem ở Trung Quốc đại lục.

Một trong những điểm đến được ưa chuộng là Petite France – công viên nằm ở Gapyeong và cách Seoul 2 giờ đi bằng tàu điện ngầm. Là nơi mà cặp đôi trong phim trao nụ hôn đầu tiên, lượng khách du lịch đến công viên này hàng ngày đã tăng gấp gần 7 lần, trong đó du khách Trung Quốc đóng góp tới 60%. 

Đến bán lẻ

“Vì sao đưa anh tới” cũng tạo nên hiệu ứng trong ngành công nghiệp bán lẻ - điều mà các bộ phim nổi tiếng như “Bản tình ca mùa đông” (2002) và “Nàng Dae Jang – geum” (2003) đã không làm được. 

Các thương hiệu thời trang xa xỉ xuất hiện trong bộ phim nhanh chóng được fan hâm mộ săn lùng. Trong khi đó, son môi Yves Saint Laurent hay Laneige cũng bán chạy ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore. 

Ở Trung Quốc, đôi giày cao gót ánh bạc “Abel” của hãng Jimmy Choo  cháy hàng ở sau khi xuất hiện trong tập 2. Nhà sản xuất vali Samsonite của Mỹ cũng ghi nhận doanh số bán ra tăng vọt ở Trung Quốc sau khi sản phẩm của hãng xuất hiện trên phim. 

Bộ phim cũng tạo nên “cơn sốt chimaek” (ăn gà và uống bia) ở châu Á. Ở Singapore, cửa hàng gà rán Hàn Quốc Kko Kko Nara cho biết số đơn đặt hàng mang về đã tăng gần 20% kể từ khi bộ phim công chiếu.

Cô gái người Singapore Heather Chua có kế hoạch tới Hàn Quốc trong thời gian tới. Ngoài những địa điểm ghi hình của bộ phim, “chimaek” là một trong những thứ nằm trong danh sách “việc phải làm” của cô gái 25 tuổi. 

Thanh Thanh

huongnt

Nguồn Infonet

Trở lên trên