MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Âu: Trầm cảm và tự tử tăng đột biến vì khủng hoảng

05-09-2012 - 11:23 AM | Tài chính quốc tế

Châu Âu đang phải đối mặt với vấn đề xã hội nghiêm trọng: tỷ lệ tự tử tăng cao cùng với các vấn đề về tâm lý học. Đây là nhận định vừa được nhiều cơ quan y tế đưa ra.

Ngày càng có nhiều tổ chức y tế quốc tế và châu Âu lên tiếng cảnh báo những biện pháp thắt chặt chi tiêu gia tăng về số lượng đồng thời chặt chẽ hơn đang khiến các vấn đề về sức khỏe của người dân châu Âu tăng vọt. Tỷ lệ tự tử, lạm dụng rượu bia và trầm cảm tăng đột biến. 

Theo Richard Colwill, chuyên gia đến từ 1 tổ chức y tế từ thiện của nước Anh, không có gì đáng ngạc nhiên khi những yếu tố như thất nghiệp, nợ và gia đình tan vỡ có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
 
Colwill lấy dẫn chứng về mối liên hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ tự tử để minh chứng cho điều này. Theo 1 nghiên cứu mới được tạp chí British Medical Journal thực hiện, hơn 1.000 người Anh đã có ý định tự tử do ảnh hưởng của khủng hoảng. 

Theo Josée Van Remoortel, chuyên gia tư vấn tại tổ chức sức khỏe châu Âu (MHE), khủng hoảng tài chính không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn đến mọi mặt của đời sống, đặc biệt là đời sống tinh thần của người dân châu Âu, tạo nên lỗ hổng lớn trong xã hội. 

Số liệu thống kê cho thấy trong số 300 bác sĩ gia đình tham gia khảo sát, phần lớn cho rằng chính sách thắt lưng buộc bụng đang phá hủy sức khỏe của các bệnh nhân. 67% cho rằng sức khỏe của các bệnh nhân đang xuống dốc do các điều kiện kinh tế không thuận lợi, 77% cho rằng ngày càng có nhiều bệnh nhân tìm kiếm các biện pháp điều trị tâm lý. 

Số lượng các ca yêu cầu điều trị chống trầm cảm ở Anh đã tăng tới 28%, từ 34 triệu người trong năm 2007 lên 43,4 triệu USD năm 2011. 

Tuy nhiên, chính phủ các nước châu Âu lại đang gia tăng cắt giảm chi tiêu công. Chi tiêu dành cho lĩnh vực y tế đã bị cắt giảm tới 50%. Theo Van Remoortel, chuyên gia đến từ MHE, hệ quả của các đợt giảm chi tiêu công có thể kéo dài và lan tỏa trên khắp châu Âu. "Cuối cùng thì khủng hoảng cũng phải kết thúc, nhưng những biện pháp được các chính phủ gấp gáp triển khai sẽ mang đến những hậu quả kéo dài," Remoortel nhận định.

Remoortel cũng không phải là người duy nhất kêu gọi các chính phủ châu Âu ngừng cắt giảm chi tiêu công cho lĩnh vực y tế. Theo MHE, 1/4 dân số châu Âu (tương đương 215 triệu người) sẽ bị rối loạn tâm lý bởi cuộc sống quá khó khăn. Đáng lo ngại hơn, 1 nghiên cứu khác cho thấy chỉ có 30 - 52% trong số người dân có vấn đề về sức khỏe thường xuyên liên lạc với bác sĩ. Như vậy, tỷ lệ thực tế còn cao hơn nhiều so với con số trên. 

Rõ ràng là cắt giảm chi tiêu cho y tế sẽ đem lại những hệ quả khó lường cho sức khỏe của người dân, hệ thống y tế, cho xã hội và cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, với gánh nặng nợ đang ngày một tăng cao, dường như châu Âu không còn lựa chọn nào khác. 

Ở Hy Lạp, nơi ghi nhận số vụ tự tử vì lí do kinh tế cao kỷ lục, dịch vụ chăm sóc sửa khỏe bị cắt giảm tới 50%. Ở Anh, 13,8% trong tổng số 102 tỷ bảng ngân sách y tế sẽ được dành cho chăm sóc sức khỏe tinh thân. Tuy nhiên, sau 1 thập kỷ tăng cường đầu tư, chính phủ giảm tỷ lệ xuống chỉ còn 6,6%. 

Với 6 triệu người bị ảnh hưởng từ đợt cắt giảm 150 triệu bảng ngân sách dành cho y tế, những thiệt hại về mặt kinh tế và con người có thể lên đến hàng tỷ bảng. Theo ước tính, chi phí liên quan đến các bệnh tâm thần có thể lên đến 77 tỷ bảng do sản lượng sụt giảm và trợ cấp an sinh xã hội tăng lên. 

Thu Hương

huongnt

CNBC

Trở lên trên