MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chênh lệch giàu nghèo đe dọa tăng trưởng thần kỳ của châu Á

09-05-2012 - 10:56 AM | Tài chính quốc tế

Công nghệ, kinh tế thị trường là những nhân tố tạo nên sự tăng trưởng thần kỳ của châu Á nhưng cũng chính là nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng đang ngày càng gia tăng.

Trong khi phần còn lại của thế giới phải đấu tranh với tăng trưởng kinh tế trì trệ, châu Á được nhìn nhận như một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Khu vực này vẫn duy trì được tăng trưởng được các nước châu Âu và Mỹ coi là thần kỳ với tốc độ 7% trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, những quốc gia này đang cố gắng che giấu tình trạng mất công bằng xã hội đang ngày càng tăng cao. Trong 20 năm qua, khoảng cách giàu nghèo ở châu Á tăng cao đến mức chi tiêu của người giàu (chiếm 1% số hộ gia đình) bằng với 6% đến 8% tổng chi tiêu của toàn châu lục. Chênh lệch thu nhập ngày càng tăng ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, những nước đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế của châu Á.

Hệ số Gini – chỉ tiêu thường được sử dụng làm thước đo chênh lệch giàu nghèo ở khu vực châu Á đã tăng từ 39% lên 46%. Nếu chỉ số này không tăng lên, 240 triệu người đã có thể thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Điều đáng lo ngại hơn là tỷ lệ trẻ em sinh ra trong gia đình nghèo có nguy cơ tử vong ngay sau khi sinh cao gấp 10 lần so với tỷ lệ ở các gia đình giàu có. Tỷ lệ trẻ em học đến cấp hai ở các vùng nghèo nhất thấp hơn 5 lần so với nơi giàu có, và thậm chí tỷ lệ của bậc đại học còn thấp hơn 20 lần. Điều này ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp và khả năng kinh tế của họ trong tương lai.

Sự chênh lệch này đang đe dọa đến tăng trưởng kinh tế bền vững của châu Á. Một quốc gia mất cân bằng và bị chia rẽ sẽ không thể có được thịnh vượng. Mất cân bằng xã hội ngày càng gia tăng có thể dẫn đến bất ổn chính trị, chính phủ phải giải quyết những nhu cầu thiết yếu như nhiên liệu hay lương thực hơn là thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Điều mỉa mai là các tiến bộ về công nghệ, toàn cầu hóa và cải cách hướng đến kinh tế thị trường – những nhân tố chính giúp châu Á tăng trưởng mạnh mẽ càng khiến tình trạng phân hóa giàu nghèo sâu sắc hơn. Công nghệ và thị trường mở cửa có thể tăng năng suất lao động, giảm đói nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và ươm mầm thịnh vượng. Công nghệ và thương mại, tài chính cùng với kinh tế thị trường khiến nhu cầu lao động có trình độ cao ngày càng tăng lên. Lương dành cho người tốt nghiệp đại học tăng cao hơn nhiều so với lương dành cho những người chỉ có trình độ cơ bản.

Các thành phố trung tâm được hưởng lợi quá nhiều từ sự tăng trưởng của châu Á. Từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước đến 10 năm sau đó, thu nhập tính trên sản lượng công nghiệp giảm từ 48% xuống còn 42% ở Trung Quốc và từ 37% xuống 22% ở Ấn Độ. Một vài vùng, đặc biệt là các thành phố lớn và vùng duyên hải có khả năng nắm bắt cơ hội tốt hơn. Theo nghiên cứu của ADB, ở rất nhiều nước châu Á, vị trí địa lý đóng góp tới 30% đến 50% vào chênh lệch thu nhập.

Để giải quyết tình trạng này, các nhà hoạch định chính sách châu Á phải tìm kiếm mô hình tăng trưởng tạo ra việc làm nhiều hơn, thực hiện chính sách tài khóa rõ ràng hơn. Tăng chi tiêu công vào y tế và giáo dục là điều nhất thiết nhưng phải tránh được tình trạng thâm hụt ngân sách không bền vững.

Minh Anh

huongnt

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên