MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chết khát lao động có kỹ năng

13-12-2012 - 08:49 AM | Tài chính quốc tế

Thanh niên thất nghiệp nhiều nhưng công ty vẫn không tuyển được người. Để đối phó, các nước phương Tây đang dấy lên phong trào nâng cao chất lượng các trường dạy nghề.

Nhiều người muốn làm, nhiều người muốn tuyển

Nhiều khu vực tại Châu Âu và Trung Đông có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 15 đến 24 ở mức trên 25%. Tại một số “điểm đen” như Tây Ban Nha và Ai Cập, con số này còn lên tới trên 50%. Tổng cộng, thế giới đang có 75 triệu thanh niên thất nghiệp và gấp đôi số đó ở dạng “bán thất nghiệp”.

Những con số ấy cho thấy khả năng sản xuất đang bị lãng phí tới mức nào khi mà ở vào thời kỳ đẹp nhất cuộc đời, thanh niên lại là kẻ ăn bám. Đó cũng là nguồn cơn cho bất ổn xã hội cùng sự bất mãn của cá nhân. Tiếng Nhật có một từ dành riêng cho 700.000 thanh niên tách mình khỏi xã hội và chui vào vỏ ốc: hikikomori.

Dù vậy các công ty vẫn ca thán rằng mình tuyển người không nổi. Đầu năm nay, công ty dịch vụ nhân lực Manpower ra báo cáo cho thấy 1/3 số chủ sử dụng lao động toàn cầu gặp khó khăn khi tuyển người.

Thiếu hụt không chỉ xảy ra ở những khu vực tinh hoa như kỹ sư mà cả những vị trí tầm trung như hành chính văn phòng. Công ty tư vấn McKinsey cho biết chỉ 43% chủ sử dụng lao động ở 9 nước tham gia khảo sát (Mỹ, Brazil, Anh, Đức, Ấn Độ, Mexico, Maroc, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ) nghĩ rằng mình có thể tìm đủ lao động có kỹ năng cho vị trí entry-level (tức vị trí thấp nhất dành cho người mới bắt đầu làm việc-ND). Các công ty tầm trung (từ 50 đến 500 lao động) có trung bình 13 vị trí entry-level còn trống, con số này với các công ty lớn là 27.

Nhưng vẫn thất nghiệp và vẫn chẳng tuyển được ai …

Điều gì đang xảy ra vậy? Giải pháp là gì? McKinsey lập luận một cách thuyết phục rằng nguyên nhân chủ yếu dường như là do cơ sở giáo dục và chủ sử dụng lao động đang sống ở hai thế giới hoàn toàn tách biệt. Muốn giải quyết được vấn đề, mỗi bên ắt phải hiểu được bên kia nghĩ gì: nên biến cơ sở giáo dục thành công ty và công ty thành nơi đào tạo, và sinh viên sẽ được thụ hưởng cả hai.

Cách tốt nhất là cải cách giáo dục dạy nghề, hiện bị coi là đứa con ghẻ của hệ thống giáo dục (trừ ở các nước nói tiếng Đức). Chính phủ đang đổ tiền vào các trường đại học. Và các trường đại học đang cạnh tranh chỉ để vinh danh cho chính mình. Kết quả là, các bậc cha mẹ và con cái của họ tránh xa các trường dạy nghề. Trong khảo sát của McKinsey, nhiều sinh viên vẫn chọn theo học đại học dù biết rõ học trường nghề dễ kiếm việc hơn.

Nhưng một số nước có tầm nhìn xa trông rộng đang cố công nâng cấp hệ thống giáo dục dạy nghề. Hàn Quốc đã lập ra cả một hệ thống trường dạy nghề, với tên gọi trường “nghệ nhân”, để khắc phục tình trạng thiếu hụt công nhân đứng máy hay thợ sửa ống nước. Chính phủ trả cả tiền học lẫn sinh hoạt phí cho sinh viên, và gọi họ là “tiểu nghệ nhân” để khắc phục phần nào tâm lý “sính” đại học ở nước này (Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ theo học đại học cao nhất thế giới).

Các trường nghề đang được mô phỏng sao cho giống hệt nơi làm việc thật nhằm xóa nhòa ranh giới giữa lý thuyết và thực tiễn. Viện công nghệ TAFE Challenger ở Perth, Australia, có bản sao hoạt động y như thật của một nhà máy chế biến xăng (tất nhiên là trừ xăng thật).

Giới doanh nghiệp vốn đang thiếu lao động nay chủ động hợp tác với chính phủ nhằm kết hợp thực tiễn với giáo dục hàn lâm. Tập đoàn nhà hàng Americana ở Ai Cập có một chương trình cho phép sinh viên dành một nửa thời gian làm việc cho Americana (có lương) và nửa còn lại học trên lớp.

Các nhà hoạch định chính sách cũng đang mừng trước thành công của một số sáng kiến dạy nghề cho các nhóm bất lợi thế. Công ty Go for Gold tại Nam Phi, liên doanh giữa Sở giáo dục Western Cape và Tập đoàn xây dựng NMC, phát hiện học sinh có tiềm năng để hướng dẫn thêm và đảm bảo các em sẽ có việc làm trong thời gian một năm cùng cơ hội học bộng vào đại học. Viện Phổ cập giáo dục và dạy nghề tại Ấn Độ cử nhân viên về tận làng giảng giải cho các gia đình hiểu cơ hội nghề nghiệp tại các công ty hàng đầu như Taj Hotels và Larsen & Toubro.

Có hoài nghi những nỗ lực kể trên cũng là điều dễ hiểu. Vì cải cách giáo dục vẫn cứ là một trong những vấn đề hóc búa nhất.

Công nhân có việc còn hơn cử nhân chết đói

Nhưng dù sao cũng vẫn có lý do để lạc quan.

Thứ nhất, công nghệ làm giảm chi phí dạy nghề đi rất nhiều. Các “trò chơi thực thế” giúp thanh niên có cơ hội tự tay làm việc với chi phí thấp nhất (dù là trong môi trường ảo).

Miami Dade College, trường cao đẳng cộng đồng (community college) lớn nhất của Mỹ, vừa đưa vào hoạt động một hệ thống gửi cảnh báo tự động tới nhân viên tư vấn của khoa nếu có vấn đề với bất kỳ sinh viên nào, ví dụ như điểm thấp đi chẳng hạn.

Thứ hai, ngày càng nhiều trường tư tìm ra các cách cải thiện giáo dục dạy nghề mới. China Vocational Training Holdings chuyên giới thiệu cho sinh viên vào làm trong ngành ô tô Trung Quốc nhờ lưu trữ rất nhiều dữ liệu về cả sinh viên lẫn công ty.

Mozilla, công ty phát triển trình duyệt Firefox, mới giới thiệu “sáng kiến huy hiệu mở” (open badge initiative) ghi nhận kỹ năng lập trình của từng nhân viên. Công ty đào tạo Ấn Độ IL&FS Skills đảm bảo công việc cho học viên hoàn thành các khóa học của hãng.

Cải thiện giáo dục dạy nghề không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho cuộc khủng hoảng việc làm, vì hàng triệu thanh niên vẫn cứ rơi vào cảnh thất nghiệp nếu cầu lao động vẫn thấp và tăng trưởng trì trệ. Những ít nhất nó cũng giúp giải quyết một thực tế có phần mỉa mai trên thị trường lao động thế giới: thanh niên thất nghiệp đầy đường mà các công ty vẫn không tuyển được ai.

Minh Tuấn

tuannm

Trở lên trên