MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến tranh tiền tệ: Trò chơi có tổng bằng 0?

24-02-2013 - 16:30 PM | Tài chính quốc tế

Thay vì chỉ trích các động thái của Mỹ và Nhật, thế giới nên ca ngợi họ. Và, eurozone nên coi đó là những bài học bổ ích.

Trong 2 ngày 15 và 16/2 vừa qua, tại Moscow, quan chức từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới nhóm họp với nhiệm vụ ngăn chặn 1 cuộc chiến, mặc dù không có ai mang theo bom và súng đạn. Các bộ trưởng tài chính và thống đốc NHTW lo ngại rằng các nước còn lại trong nhóm G20 sẽ giảm giá đồng nội tệ của họ để thúc đẩy xuất khẩu và giúp nền kinh tế tăng trưởng bằng nguồn lực từ các quốc gia láng giềng.

Dẫn đầu bởi Brazil, các nền kinh tế mới nổi buộc tội Mỹ đã châm ngòi cho cuộc chiến tiền tệ hồi năm 2010 khi mua vào lượng lớn trái phiếu bằng tiền in thêm. “Nới lỏng định lượng” (QE) khiến nhà đầu tư đổ xô về các thị trường mới nổi nhằm tìm kiếm lợi suất cao hơn. Điều này khiến tỷ giá bị đội lên. 

Giờ đây, “mũi dùi dư luận” tập trung vào Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết thực hiện các biện pháp kích thích mạnh mẽ để khởi động lại đà tăng trưởng và đẩy lùi giảm phát. Ông Abe cũng kêu gọi 1 đồng yên yếu hơn nhằm hỗ trợ xuất khẩu (đồng tiền này đã giảm 16% so với đồng USD và 19% so với đồng euro kể từ cuối tháng 9 năm ngoái, khi ông Abe chắc chắn sẽ lên nắm quyền). 

Tuy nhiên, có vẻ như những lời than vãn là quá mức. Thay vì chỉ trích các động thái của Mỹ và Nhật, thế giới nên ca ngợi họ. Và, eurozone nên coi đó là những bài học bổ ích. 

Mỹ và Nhật bị buộc tội đã trực tiếp giảm giá đồng USD và yên để hỗ trợ xuất khẩu và giảm chi phí nhập khẩu. Đây là 1 trò chơi có tổng bằng 0 khi dẫn đến tình trạng bảo hộ thương mại tăng cao và hoạt động thương mại của thế giới sụp đổ. 

Tuy nhiên, điều này là không chính xác. Khi các NHTW giảm lãi suất ngắn hạn xuống mức gần 0 và sử dụng hết các phương pháp can thiệp tiền tệ thông thường, họ phải chuyển sang sử dụng các biện pháp bất thường như QE hoặc thuyết phục người dân rằng lạm phát sẽ tăng lên. Tất cả các động thái này khiến lãi suất thực (đã điều chỉnh theo lạm phát) giảm xuống. Đây là kịch bản đang xảy ra ở Nhật Bản. 

Mục tiêu cốt lõi của chính sách này là nhằm kích thích tiêu dùng trong nước và đầu tư. Theo qui luật thông thường, lãi suất thực ở mức thấp cũng sẽ khiến đồng nội tệ yếu đi, và điều này lại khiến nhập khẩu suy giảm. Tuy nhiên, nếu chính sách này thành công trong việc thúc đẩy nhu cầu nội địa, cuối cùng thì nhập khẩu vẫn tăng lên. 

Do đó, động thái nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ của các nền kinh tế sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã rút ra kết luận rằng những gói QE của Mỹ đã giúp sản lượng của các nước đối tác tăng thêm 0,3%. Đúng là đồng USD có yếu đi, nhưng xu hướng này cũng trở thành động lực hối thúc Nhật Bản cương quyết hơn trong cuộc chiến chống giảm phát. Các gói kích thích được thực hiện đồng thời ở cả 2 bên bờ Thái Bình Dương là liều thuốc hiệu nghiệm cho niềm tin của nhà đầu tư. 

Lo ngại về triển vọng xuất khẩu, các quan chức châu Âu đã đưa ra những ý tưởng có phần “điên rồ” như kiểm soát giá trị của đồng euro. Thay vào đó, họ nên thôi cằn nhằn và bắt đầu học theo Nhật Bản. NHTW châu Âu (ECB) nên nới lỏng chính sách tiền tệ, thậm chí là nên học theo mô hình QE của Mỹ. Biện pháp này vừa có thể kìm hãm đà tăng của đồng euro, vừa giúp thoát khỏi suy thoái ở các nước ngoại vi eurozone. 

Mặc dù vậy, biện pháp này không phù hợp với các nền kinh tế mới nổi (như Brazil), nơi lạm phát vẫn là 1 vấn đề nhức nhối. Đối với các nước này, các biện pháp kiểm soát vốn sẽ là tấm lá chắn bảo vệ khá hữu ích trước hiện tượng dòng tiền nóng đổ vào hoặc bị rút ra ồ ạt. 

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc NHTW nên dẹp bỏ những sợ hãi vô căn cứ và đấu tranh chống lại sự trì trệ của chính bản thân họ, chứ không phải đấu đá lẫn nhau như hiện nay. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên