MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ các nước lớn nhất châu Á “quay lưng” với Iran

07-01-2012 - 17:33 PM | Tài chính quốc tế

Áp lực buộc Iran vâng lời cho đến nay đã gây ra hiệu ứng ngược: quan chức chính phủ Iran đe dọa tấn công các thị trường dầu bằng chiến tranh kinh tế và dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz.

Dưới áp lực từ Mỹ, chính phủ một số nền kinh tế lớn nhất châu Á miễn cưỡng phải tìm nguồn dầu thay thế để giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran, động thái này có thể khiến kinh tế Iran khó khăn hơn. Iran mới đây đã công bố kế hoạch tập trận tại eo biển Hormuz.

Chính phủ Hàn Quốc và Nhật đã nghe theo lời kêu gọi từ phía Mỹ. Trước đó, có báo cáo cho thấy Trung Quốc hiện đã giảm mua dầu thô của Iran trong tháng qua do bất đồng giá cả với chính quyền Tehran.

Dù động cơ giảm mua dầu từ Iran của từng nước là gì, kinh tế Iran sẽ ngày một khó khăn, đồng nội tệ của Iran đã sụt giá mạnh, lạm phát tăng nhanh, thế giới cho đến nay thực sự lo lắng về khả năng chiến tranh.

Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc nhập khẩu khoảng hơn 60% lượng dầu xuất khẩu của Iran. Nhóm nước này chủ yếu nhập khẩu dầu và khí đốt từ Iran và một số nước sản xuất khác thuộc khu vực vùng Vịnh.

Khi căng thẳng tại khu vực này tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu nhóm nước vùng Vịnh đã phải tìm đến khu vực và công ty khai thác dầu, khí đốt tại Nga, Việt Nam, Tây Phi và Iraq, đặc biệt Arập Saudi để kiếm thị trường.

Đối với chính quyền Tehran, nước phụ thuộc nhiều vào nguồn doanh thu từ xuất khẩu dầu để tăng trưởng kinh tế, khả năng các nước châu Á không mua dầu của Iran sẽ khiến kinh tế Iran khá khó khăn.

Châu Âu đang cố gắng đưa ra nhiều nỗ lực để gây sức ép với Iran sau nhiều năm xung đột với nước này xung quanh vấn đề chương trình hạt nhân mà phương Tây cáo buộc Iran đang cố tình phát triển vũ khí.

Áp lực buộc Iran vâng lời cho đến nay đã gây ra hiệu ứng ngược: quan chức chính phủ Iran đe dọa tấn công các thị trường dầu bằng chiến tranh kinh tế và dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz nơi 1/5 lượng dầu của thế giới được vận chuyển qua đây.

Minh Ngọc

ngocdiep

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên