MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ Mỹ đóng cửa, nước hưởng lợi là Trung Quốc

04-10-2013 - 10:29 AM | Tài chính quốc tế

Chính phủ Mỹ đóng cửa gây tác động đến gần 1 triệu nhân viên liên bang và tổn thất cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên ít nhất có một nước hưởng lợi từ việc đóng cửa này, đó là Trung Quốc.

Ảnh hưởng "thanh danh" của ông Obama

Bằng cách buộc Tổng thống Obama phải hủy chuyến thăm trong tuần tới đến Malaysia và Philippines, tình trạng bế tắc với phe Cộng hòa ở Hạ viện đã làm hỏng sự thể hiện của ông Obama đối với hai quốc gia Đông Nam Á - những nước nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng rộng lớn từ Trung Quốc. Điều đó cũng phá hoại nỗ lực lớn hơn của ông Obama nhằm đặt Châu Á ở trung tâm chính sách đối ngoại của Mỹ.

(Xem thêm: Ông Obama hủy thăm Malaysia vì Chính phủ đóng cửa)

Lịch trình đã được lên kế hoạch từ trước của ông Obama đến Malaysia và Philippines nhân kết hợp hội nghị thượng đỉnh APEC tại Indonesia, đã được nghiên cứu cẩn thận nhằm củng cố thông điệp đến Trung Quốc rằng Mỹ một lần nữa là nhân vật trọng tâm trong khu vực.

Nhưng việc xoay trục của Mỹ tới Châu Á bị hai thế lực kéo lùi trở lại, ám ảnh trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, là cuộc xung đột ở Trung Đông và cuộc xung đột ở Đồi Capitol.

Với rất ít hy vọng về một sự thỏa hiệp để chính phủ Mỹ có thể tiếp tục hoạt động vào cuối tuần này, ông Obama nhiều khả năng buộc phải hủy bỏ những chuyến thăm nói trên và cử Ngoại trưởng John Kerry "đóng thế".

Đây là lần thứ 3 ông Obama buộc phải hy sinh chuyến công du Châu Á do những vấn đề trong nước. Tháng 3.2010, ông hủy một chuyến đi vì cuộc tranh cãi về cải cách luật chăm sóc sức khỏe, lần thứ hai là 4 tháng sau đó do nguyên nhân sự cố tràn dầu ở Vịnh Mexico.

Về mặt ngoại giao, việc hủy bỏ những chuyến đi này rất có hại - ông Kenneth G.Lieberthal, cố vấn hàng đầu về Trung Quốc trong chính quyền của cựu Tổng thống Bill Clinton cho biết.

Tuy nhiên, ông Jeffrey A.Bader, từng là cố vấn cao cấp về Trung Quốc của Tổng thống Obama đến năm 2011 nói rằng nỗ lực của Nhà Trắng ngay trong bối cảnh hỗn loạn nhằm cứu vãn hai cuộc thăm viếng nói trên, là một dấu hiệu quan trọng cho thấy Mỹ vẫn giữ cam kết với khu vực.

Tuy nhiên ông thừa nhận rằng "tình trạng lộn xộn và việc hủy chuyến thăm không may đã gửi một tín hiệu với những nước này rằng Mỹ ở quá xa và rằng hệ thống chính trị của Mỹ đang rối ren".

Lãnh đạo Trung Quốc ung dung công du Đông Nam Á

Trong khi kế hoạch của ông Obama bị điều chỉnh liên tục thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu chuyến công du Indonesia và Malaysia. Trung Quốc, với xung lực bành trướng của mình, rõ ràng được hưởng lợi từ sự bế tắc của Chính phủ Mỹ.

Trung Quốc hiện đang tranh chấp với Malaysia và Philippines về chủ quyền một số hòn đảo trên Biển Đông.

Trong những cuộc thăm trước đây, ông Obama tuyên bố Mỹ muốn giải quyết những bất đồng này một cách hòa bình nhằm giữ tuyến đường biển được thông suốt.

Ông Obama đã đầu tư vào Malaysia và Philippines vì những lý do khác nhau. Philippines là một đồng minh hiệp ước của Mỹ và Washington đang cố gắng lôi kéo các đồng minh Châu Á nhằm đối trọng với "sức mạnh cơ bắp" của Trung Quốc.

Malaysia đã trải qua một quãng thời gian căng thẳng với Mỹ trong những năm 1990 dưới nhà lãnh đạo bài ngoại là ông Mahathir Mohamad. Nhưng quan hệ hai nước đã tan băng dưới lời ông Najib Razak trong khi Malaysia cũng là một thành viên của Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP - một trụ cột kinh tế trong chiến lược Châu Á của ông Obama.

Mỹ muốn kết thúc đàm phán TPP vào cuối năm nay, một mục tiêu mà ít nhà phân tích tin rằng có thể đạt được. Nó thậm chí còn khó nắm bắt hơn nếu ông Obama không thể đưa ra sự ủng hộ cá nhân tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC tại Bali, Indonesia. Các nhà chỉ trích từ lâu cho rằng việc xoay trục chỉ là lời nói nhiều hơn là thực tế.

Trung Đông vẫn là mối bận tâm của Mỹ

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng ở Syria đã củng cố một thực tế rằng Trung Đông vẫn là mối bận tâm của ông Obama. Đội ngũ chuyên gia cố vấn của ông Obama về Châu Á cũng sụt giảm đáng kể.

Ngoại trưởng John Kerry đã đặt vấn đề Trung Đông, đặc biệt là các cuộc đàm phán về hòa bình giữa Israel và Palestine là những ưu tiên hàng đầu, trái với người tiền nhiệm Hillary Clinton, người đã thực hiện chuyến công du đầu tiên của mình sau khi lên nắm quyền là tới Châu Á, giúp mở quan hệ ngoại giao với Myanmar.

Trong số những quan chức hàng đầu, chỉ có Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel có vẻ mong muốn ưu tiên việc tái cân bằng sang Châu Á. Ông Hagel, cựu thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, đã chỉ trích không tiếc lời những đồng nghiệp ở Đảng Dân chủ trong cuộc chiến ngân sách, nói với báo giới rằng nếu điều đó tiếp tục xảy ra, Mỹ sẽ có một chính phủ không thể quản lý được.

Một nước Mỹ không thể điều hành được cũng không phải là điều Trung Quốc mong muốn do hai bên đều phụ thuộc kinh tế lẫn nhau. Nhưng với cuộc chiến ngoại giao giành tầm ảnh hưởng trong khu vực thì một Washington đình trệ trong thời gian ngắn sẽ có lợi đối với Bắc Kinh, đặc biệt khi Trung Quốc đã đi qua những biến động chính trị trong nước.

Theo Vân Anh

hanhle

Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên