MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán Trung Quốc tăng 6,5 nghìn tỷ USD trong một năm

09-06-2015 - 14:17 PM | Tài chính quốc tế

Dấu hiệu của sự “quá đà” hiện diện ở khắp nơi trên các sàn giao dịch chứng khoán đại lục những ngày này...

Chỉ trong vòng 12 tháng qua, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng thêm 6,5 nghìn tỷ USD - gấp 8 lần số tiền cần thiết để thâu tóm hãng công nghệ Apple, đủ để rải xung quanh Trái Đất 250 lần bằng những tờ mệnh giá 100 USD.

Theo đánh giá của hãng tin Bloomberg, với tốc độ như vậy, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang tăng điểm quá nhanh và quá xa.

Đợt tăng điểm này của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã vượt qua cả thời kỳ đỉnh cao nhất của bong bóng công nghệ trên thị trường Phố Wall. Dấu hiệu của sự “quá đà” hiện diện ở khắp nơi trên các sàn giao dịch chứng khoán đại lục những ngày này.

Hiện các nhà đầu tư cổ phiếu ở đại lục đã vay nợ số tiền kỷ lục 348 tỷ USD để đặt cược vào sự tăng giá xa hơn của cổ phiếu. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm đổ xô đi mua cổ phiếu với tốc độ chưa từng có tiền lệ. Hệ số P/E (giá/thu nhập), một thước đo về mức độ đắt-rẻ của cổ phiếu, tăng lên mức cao nhất trong 5 năm.

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ thấp nhất kể từ thập niên 1990.

“Một bong bóng lớn đang hình thành. Dĩ nhiên, tiền được tạo ra trong ngắn hạn. Nhưng tôi e là mọi chuyện sẽ không kết thúc tốt đẹp”, ông Michael Every, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tài chính thuộc ngân hàng Rabobank International tại Hồng Kông, nhận xét.

Ngày 9/6, thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ đối mặt với một “bài kiểm tra” lớn. MSCI Inc., nhà thực hiện chỉ số chứng khoán MSCI, sẽ quyết định liệu thị trường chứng khoán đại lục có đủ tiêu chuẩn để được vào chỉ số MSCI Emerging Markets Index hay không. Nếu lọt vào chỉ số này, thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể tăng điểm cao hơn, và ngược lại.

Chưa một thị trường chứng khoán nào khác trên thế giới đạt được mức tăng tuyệt đối tính bằng đồng USD lớn mức tăng mà thị trường Trung Quốc đạt được trong 12 tháng qua. Tuy vậy, những đợt tăng từng có trong lịch sử có ảnh hưởng lớn hơn nếu xét đến tương quan về sức mua và quy mô của nền kinh tế.

Chẳng hạn, vào giai đoạn đỉnh cao của đợt tăng điểm trên thị trường chứng khoán Nhật Bản vào năm 1989, mức vốn hóa của thị trường chứng khoán nước này đạt 145% GDP, so với tỷ lệ 87% hiện nay trên thị trường Trung Quốc. Trước vụ sụp đổ vào năm 1929, chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường Mỹ đã có 5 năm tăng liên tiếp với mức tăng hơn 200%.

Ngoài giá cổ phiếu tăng, thị trường chứng khoán quy mô 9,7 nghìn tỷ USD của Trung Quốc còn được đẩy lên bởi một làn sóng phát hành cổ phiếu mới. Theo số liệu của Bloomberg, từ đầu năm đến nay, các công ty ở đại lục đã huy động ít nhất 56 tỷ USD.

Các nhà đầu tư lạc quan tin rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ duy trì sự tăng điểm của thị trường chứng khoán để giúp thêm nhiều công ty hơn nữa huy động được vốn mới. Tháng 1 năm nay, mức nợ của các công ty thuộc chỉ số Shanghai Composite Index đã lên mức cao nhất kể từ ít nhất năm 2005.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên ủng hộ việc đầu tư chứng khoán như một cách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Từ tháng 11 năm ngoái tới nay, PBoC đã 3 lần cắt giảm lãi suất bên cạnh những đợt hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Những động thái này đã giúp lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán nhiều hơn.

“Nếu Chính phủ muốn ủng hộ chứng khoán tăng điểm, thị trường sẽ đi lên”, ông Nicholas Yeo, trưởng bộ phận đầu tư cổ phiếu của công ty quản lý tài sản Aberdeen Asset Management tại Hồng Kông nhận xét.

Dĩ nhiên, lượng cổ phiếu mới phát hành ồ ạt có nguy cơ vượt nhu cầu, nhất là khi hệ số P/E đã lên mức cao nhất kể từ năm 2009. Với mức P/E là 19 lần, cổ phiếu thuộc Shanghai Composite đắt hơn 62% so với cổ phiếu thuộc chỉ số MSCI Emerging Markets Index.

Năm 2014, lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc thấp hơn nhiều so với dự báo do tăng trưởng kinh tế giảm xuống mức 7,4%, thấp nhất trong 24 năm. Trong một tín hiệu mới nhất về sự giảm tốc tăng trưởng, dữ liệu công bố ngày 8/6 cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc giảm 18,1% trong tháng 5, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tục.

Tuy vậy, không điều gì cản được các nhà đầu tư Trung Quốc đổ tiền mua cổ phiếu.

“Quá nhiều người đang kiếm được quá nhiều tiền trong thời gian quá ngắn”, nhà phân tích Every của Rabobank nói. “Ai cũng trở nên tham lam và lo mất cơ hội”.

Theo An Huy

VnEconomy

Trở lên trên