MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu dưới tác động của thảm họa tại Nhật

21-03-2011 - 16:08 PM | Tài chính quốc tế

Chuỗi cung ứng sản phẩm sẽ chịu ảnh hưởng tồi tệ hơn nếu tình trạng cắt điện và gián đoạn giao thông trên khắp nước Nhật tiếp diễn.

Ông Tony Prophet, chủ tịch cao cấp phụ trách hoạt động tại công ty máy tính HP – Mỹ, đã bị đánh thức vào 3h30 sáng và được thông báo động đất và sóng thần đã tấn công Nhật.

Không lâu sau đó, ông lập tức vào phòng họp trực tuyến để quản lý tại Nhật, Đài Loan và Mỹ chia sẻ thông tin.

Ông Prophet giám sát toàn bộ hoạt động mua phần cứng trong chuỗi cung trị giá 65 tỷ USD/năm của HP. Chuỗi cung này phục vụ cho toàn bộ cỗ máy sản xuất khổng lồ của HP. Nhà máy của HP sản xuất ra 2 máy tính cá nhân/giây, 2 máy in/giây và cứ 15 giây lại có một máy dữ liệu trung tâm được cung ra thị trường.

Trong khi một số nhân viên thuộc HP kiểm tra về tình hình nhân sự tại Nhật, không có nhân viên HP nào tại Nhật bị thương trong thảm họa này, ông Prophet và các cộng sự cố gắng phân tích ảnh hưởng của thảm họa lên các công ty cung ứng của HP tại Nhật và tính đến kế hoạch thay thế.

Ông Prophet nói: “Hiện còn quá sớm để nói về tác động và chúng tôi sẽ không cố gắng dể dự báo hậu quả.”

Theo các chuyên gia kinh tế, chuỗi cung ứng hiện đại toàn cầu giống như các hệ sinh học phức tạp trong cơ thể con người. Hệ thống khá ổn định và có khả năng tự giải quyết một số vấn đề, tuy nhiên một số thời điểm dễ chịu tác động của một số yếu tố dù nhỏ, cũng giống như việc vỡ động mạch chính có thể khiến một ai đó bị bệnh tim.

Ngày qua ngày, dòng chảy hàng hóa thích ứng với mọi tiến bộ và sự tụt hậu. Việc một nhà máy tại một nước nào đó ngừng sản xuất sẽ được thay thế lập tức bởi hàng đến từ một số nhà cung cấp khác trong hệ thống. Đôi khi tầm ảnh hưởng của vấn đề tác động đến cả khu vực và cần đến các biện pháp khẩn cấp trong nhiều ngày, nhiều tuần.

Mùa xuân năm ngoái, khi núi lửa tại Ireland phun trào, tro bụi lan khắp Bắc Âu, gây gián đoạn hoạt động hàng không, gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất trên khắp thế giới.

Nhật hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới và cung cấp nhiều loại linh kiện thiết yếu cho các ngành sản xuất như máy tính, hàng điện tử và ô tô. Khu vực Đông Bắc Tokyo, gần trung tâm động đất, chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất, tuy nhiên trung tâm sản xuất của Nhật nằm ở khu vực phía Nam. Thế nhưng vấn đề lớn hơn sẽ xảy ra nếu tình trạng cắt điện và gián đoạn giao thông trên khắp nước Nhật tiếp diễn.

Trên khắp nước Nhật, nhiều nhà máy đã đóng cửa ít nhất trong vài ngày và ngày khởi động lại hoạt động hiện chưa được biết. Tuy nhiên, đã có thể thấy rõ tác động tiêu cực trên toàn cầu: General Motors công bố dừng hoạt động tại nhà máy ở bang Lousiana vì thiếu phụ tùng từ Nhật. Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ còn chịu thêm nhiều tác động tiêu cực từ Nhật.

Ông Kevin O’Marah, chuyên gia phân tích tại tổ chức nghiên cứu Gartner-AMR, cho rằng: “Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ đương đầu với phép thử quan trọng, thế nhưng tôi nghĩ mọi chuyện sẽ không quá tồi tệ. Tôi nghĩ nhìn chung chúng ta sẽ thấy hệ thống vững và thích nghi nhanh đến thế nào.”

Thông tin tốt đối với thế giới chính là lĩnh vực mà Nhật đóng vai trò thiết yếu mới chỉ đang ở giai đoạn phát triển đầu của sự phát triển như máy tính hay điện tử.

Đối với một số loại linh kiện chính như sản phẩm bán dẫn, sản xuất được thực hiện tại một vài nước. Ngược lại, vào đầu thập niên 1990, gần như tất cả bộ vi xử lý, bộ phận quan trọng của máy tính mạnh nhất, được sản xuất tại một nhà máy của Intel ở Jerusalem.

Tầm quan trọng của ngành sản xuất chất bán dẫn tại Nhật đã giảm đi trong những năm gần đây bởi hoạt động sản xuất đã được chuyển dần sang Hàn Quốc, Đài Loan và thậm chí cả Trung Quốc. Nhật đóng góp 21% vào hoạt động sản xuất chất bán dẫn trên toàn cầu, thấp hơn so với con số 28% vào năm 2001.

Tuy nhiên, Nhật lại sản xuất nhiều loại chip quan trọng hơn sử dụng để sản xuất điện thoai di động và máy tính bảng. Nhật cung cấp khoảng 35% các loại chip này. Tuy nhiên, một số công ty Hàn Quốc khác, dẫn đầu là Samsung, cũng đang sản xuất khá nhiều loại chip này.

Apple, giống như nhiều công ty lớn khác, giữ bí mật về hoạt động của chuỗi cung cấp. Tuy nhiên các chuyên gia phân tích ngành ước tính Apple mua khoảng 1/3 chip từ Toshiba và số còn lại từ Hàn Quốc.

Thời gian từ khi đơn đặt hàng chip cho đến khi hàng được chuyển đi khoảng 2 tháng hoặc hơn thế nữa. Các chuyên gia phân tích nhận định một khách hàng hàng đầu như Apple sẽ luôn được ưu tiên cung cấp vì thế có đủ dự trữ cho vài tuần. Apple như vậy sẽ không gặp quá nhiều khó khăn đối với nguồn cung linh kiện thiết yếu trong quý 2/2011.

Ngọc Diệp

Theo NyTimes


ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên