MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có thực kinh tế Trung Quốc sẽ “hạ cánh”?

15-07-2011 - 10:03 AM | Tài chính quốc tế

Khi tín dụng và nền kinh tế không ngừng tăng trưởng quá “nóng”, có lẽ không nên bàn tới “hạ cánh an toàn” hay “khó nhọc” với Trung Quốc.

Chuyên gia Sheng Laiyun thuộc Cơ quan thống kê Trung Quốc khẳng định một vận động viên không thể lúc nào cũng chạy nước rút, anh ta cần phải điều chỉnh tốc độ chạy của chính mình để có thể bứt phá ở giai đoạn sau.

Ông nói như trên sau khi số liệu về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý 2/2011 được công bố ngày 13/07/2011.

Trong 4 quý qua, kinh tế Trung Quốc không ngừng tăng trưởng ấn tượng. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 9,5% trong quý 2/2011 và đã tăng trưởng với tốc độ gần tương tự trong suốt 3 quý trước.

Con số mới công bố khiến người ta bớt sợ hãi về khả năng kinh tế Trung Quốc “hạ cánh khó nhọc”. Thế nhưng cuối cùng người ta đặt câu hỏi: liệu kinh tế Trung Quốc có “hạ cánh” thật hay không?

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2011 tăng 6,4% so với cùng kỳ. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ổn định. Thế nhưng có phải tốc độ tăng trưởng này quá nhanh?

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc, không phải người tiêu dùng, hài lòng với bản chất của lạm phát hiện nay.

Nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao là giá thực phẩm tăng, cụ thể giá thịt lợn. Năm 2010, khi giá thịt lợn tại Trung Quốc rơi xuống mức quá thấp, nông dân Trung Quốc lập tức nuôi ít lợn hơn và sau đó lợn lại bị dịch bệnh. Nguồn cung thịt lợn vì vậy rất thiếu hụt.

Chỉ riêng trong tháng 6/2011, giá thịt lợn tăng tới 11,4% và nếu tính trung bình năm, giá thịt lợn tăng 265%. Nhiều chuyên gia kinh tế không khỏi choáng váng với thực tế này.

Ông Andy Rothman, chuyên gia kinh tế thuộc CLSA, nói: “Có lẽ tôi nên ăn kiêng.”

Đáng lo về yếu tố làm nên tăng trưởng Trung Quốc hơn tốc độ tăng trưởng. Chuyên gia Mark Williams thuộc Capital Economics tính toán rằng đầu tư đóng góp khoảng 62% vào tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong quý 2/2011, mức cao nhất trong 18 tháng.

Đầu tư vào tài sản cố định, bao gồm nhà cửa, nhà xưởng và thiết bị, đã tăng trưởng với tốc độ khoảng từ 21% đến 26% (so với cùng kỳ) trong suốt 4 quý vừa qua, bất chấp các nỗ lực thắt chặt tín dụng của chính phủ Trung Quốc.

Đầu tư tăng trưởng quá mạnh bởi hoạt động đầu tư được tiến hành chủ yếu bởi các công ty nhà nước, vốn được ưu tiên trong các hoạt động tín dụng của ngân hàng. Như vậy, tín dụng thực ra không thắt chặt như các nhà hoạch định chính sách mong muốn.

Nếu nhìn qua, các ngân hàng đang đương đầu với khó khăn, lãi suất liên ngân hàng tăng cao. Tháng 6/2011, các ngân hàng cấp các khoản vay mới với tổng trị giá 634 tỷ nhân dân tệ tương đương khoảng 98 tỷ USD, một tháng tăng trưởng tín dụng khá cao.

Như vậy, nếu tính với tốc độ và giá trị các khoản vay mới đã được cấp từ đầu năm 2011 đến nay, tổng giá trị các khoản vay trong năm 2011 cũng sẽ gần tương đương con số 7,5 nghìn tỷ nhân dân tệ của năm 2010.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng điều kiện tài chính hiện nay lỏng lẻo hơn cái người ta vẫn thấy.

Nếu tính cả trái phiếu doanh nghiệp, một số khoản vay được đóng gói lại bởi một số công ty và tín dụng từ một số kênh khác, tổng giá trị các khoản vay mới trong năm 2011 có thể lên mức 18 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang hưởng lợi ít hơn từ việc tín dụng tăng trưởng nóng. Vào năm 2007, Fitch tính toán rằng cần khoảng 1,28 nhân dân tệ tiền vay để có thêm 1 đồng nhân dân tệ GDP. Nay con số này lên tới 2,38. Kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ “đi ngang” về tăng trưởng. Thế nhưng hệ thống tài chính sẽ phải bơm tiền chật vật hơn để duy trì được tốc độ tăng trưởng này.

Ngọc Diệp
Theo Economist

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên