MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cơn lốc" tràn qua chứng khoán Trung Quốc, cuốn 3.000 tỷ USD

01-08-2015 - 15:22 PM | Tài chính quốc tế

Tháng Bảy năm nay cả thế giới được chứng kiến một cơn lốc bất ngờ tràn qua thị trường chứng khoán Trung Quốc, "cuốn theo chiều gió" hơn 3.000 tỷ USD.

Tháng Bảy năm nay cả thế giới được chứng kiến một cơn lốc bất ngờ tràn qua thị trường chứng khoán Trung Quốc, "cuốn theo chiều gió" hơn 3.000 tỷ USD.

Nhờ sự ra tay của Chính phủ Trung Quốc, thị trường đã ngừng rơi và sóng gió đã tạm lắng. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn chưa an lòng bởi sự bấp bênh của thị trường chứng khoán sẽ tác động tới nền kinh tế lớn thứ hai đang trong thời kỳ chuyển sang "trạng thái bình thường mới."​

Bong bong chứng khoán

Theo các chuyên gia chứng khoán, cơn lốc trên là một sự “điều chỉnh bình thường” bởi giá cổ phiếu của các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán Trung Quốc đã tăng quá mạnh, vượt xa giá trị thực.

Thực tế cho thấy sau khi thị trường bong bóng trên thị trường bất động sản xẹp xuống vào năm 2014, kinh tế tăng trưởng chậm lại, làn sóng đầu tư vào chứng khoán đã trỗi dậy lớn tới mức mà tờ Libération của Pháp mô tả rằng "mua và bán chứng khoán là niềm vui cả nước."

Chỉ trong 12 tháng tính đến tháng 6/2015, chỉ số chứng khoán Trung Quốc tăng 150% và trở thành một hoạt động kinh tế hấp dẫn, thu hút đến hơn 90 triệu nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến. Riêng trong năm 2014, chứng khoán đã tạo cơ hội cho hơn 1 triệu người trở thành triệu phú (bằng đồng nhân dân tệ).

Đối với các hộ gia đình Trung Quốc, hoạt động mua bán chứng khoán còn trở nên dễ dàng hơn bao hết khi smartphone (điện thoại thông minh) ra đời, cùng với các ứng dụng môi giới miễn phí của các tập đoàn lớn. Lượng giao dịch của các nhà đầu tư chứng khoán nhỏ này chiếm đến 80% hoạt động mua bán chứng khoán hàng ngày tại Trung Quốc.

Ngoài nhu cầu giải trí, nhiều người Trung Quốc coi "chơi" chứng khoán còn là cách kiếm thêm nhu nhập, nhất là những lao động trẻ có bằng cấp nhưng thu nhập thấp, hay những người có lương hưu ít ỏi, những người bị "sạt nghiệp" do vỡ bong bóng bất động sản. Những khoản lãi chóng mặt nhờ "lướt sóng" trên các sàn chứng khoán Trung Quốc đã làm các nhà đầu tư chủ yếu là tư nhân, thậm chí nhiều người chấp nhận đi vay với lãi suất cao để đầu tư.

Nếu tại Mỹ chỉ có khoảng 3% nhà đầu tư đi vay để "chơi" chứng khoán thì tỷ lệ đó tại Trung Quốc là 8%.

 

Chỉ có điều là phần lớn nhà đầu tư chứng khoán, không có nhiều kiến thức về thị trường, cứ thấy giá lên là mua vào rồi vài tuần sau lại bán ra khi thấy giá xuống. Tâm lý đám đông có thể "thổi" giá cổ phiếu tăng gấp ba trong thời gian rất ngắn nhưng vì không có giá trị thực nên trò chơi may rủi ấy đã làm hơn 3.000 tỷ USD tan thành mây khói chỉ trong ba tuần cuối tháng Sáu và tuần đầu tháng Bảy.

Có thể nói sau phiên đổ dốc ngày 8/7 (giảm 8,2%) nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ Trung Quốc thị trường đã từng bước phục hồi và niềm tin đã trở lại. Đáng tiếc là nhà đầu tư lại một phen hốt hoảng khi chứng kiến phiên 27/7 mất điểm mạnh nhất trong hơn 8 năm ( giảm 8,48%) do các số liệu kinh tế yếu kém.

Chỉ số PMI tháng Bảy của ngành chế tạo thấp nhất từ tháng 4/2014, lợi nhuận của các công ty công nghiệp trong tháng Sáu giảm 0,3% càng gây thêm quan ngại về thực trạng kinh tế Trung Quốc, kéo mây đen che phủ thị trường.

Tuy nhiên, do chỉ số chứng khoán trên thị trường Trung Quốc trong giai đoạn 6/2014-6/2015 đã tăng 150%, nên bất chấp đợt trượt dốc vừa qua trung bình các nhà đầu tư chứng khoán vẫn còn có lãi 60-70% so với thời điểm cuối tháng 6/2014.

Theo nghiên cứu của trường Đại học Thành Đô, chỉ 8,8% dân cư ở thành thị Trung Quốc đầu tư chứng khoán và đã mất một phần tài sản. Số tiền người dân đi vay để đưa vào thị trường cổ phiếu thật ra vẫn còn nhỏ và dù nhà đầu tư có mất 1/3 so với đỉnh cao vào ngày 12/6 thì vẫn còn khá so với 12 tháng trước.

Do đó, thiệt hại trước mắt về tài chính vẫn còn rất hạn chế. Hơn nữa đa số trong 90 triệu nhà đầu tư đều thuộc loại nhỏ lẻ, trong khi các đại gia có tiền đã nhanh nhạy hơn nhân cơ hội thị trường lên giá đã rút vốn đầu tư vào bất động sản và chứng khoán ở nước ngoài.

Theo Ngân hàng American Bank Merrill Lynch, chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2015, nhiều cổ đông lớn đã bán đi lượng cổ phiếu có giá trị khoảng 360 tỷ NDT (58 tỷ USD), so với con số 190 tỷ NDT trong cả năm 2014.

Nếu như trước đây phần lớn số tiền này chảy vào các nguồn như trái phiếu của Mỹ và các đồng tiền an toàn như đồng franc Thụy Sỹ thì nay là vào các thương vụ mua bán bất động sản ở nước ngoài. Brian Ward, người đứng đầu bộ phận dịch vụ đầu tư và thị trường vốn châu Mỹ của Công ty bất động sản Colliers International, cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc đã chi khoảng 5 tỷ USD vào bất động sản Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2015, hơn hẳn con số 4 tỷ USD trong cả năm 2014.

Trong ngắn hạn, các thị trường quốc tế hầu như không bị ảnh hưởng do Trung Quốc có một hệ thống tài chính khép kín. Giới đầu tư nước ngoài chưa được tham gia rộng rãi vào thị trường chứng khoán Trung Quốc và các doanh nghiệp tiên tiến của nước này đã huy động vốn trên các thị trường Hong Kong hay phương Tây, kể cả New York. Giới đầu tư nước ngoài chỉ chiếm có 2% thị trường Trung Quốc nên họ không bị ảnh hưởng nhiều.

Nhưng về lâu dài, theo các chuyên gia, nếu tình hình kinh tế Trung Quốc sa sút thì các nước khác sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Lý do là Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu lớn của thế giới, nên khi kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn các nước khác sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đầu tư khá mạnh ra nước ngoài nên nếu họ rút vốn thì cũng gây bất lợi cho các nước khác.

Trung Quốc vẫn đứng vững?

Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc tự tin và có khả năng ứng phó với những rủi ro và thách thức xảy ra với nền kinh tế nước này. Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, các chỉ số kinh tế chủ chốt của Trung Quốc đã ổn định và những dấu hiệu tích cực đang xuất hiện trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, cùng với các kết quả hoạt động kinh tế trong nửa đầu năm nay đã ở mức hợp lý.

Kinh tế Trung Quốc vẫn đứng vững. (Nguồn: ejinsight)

Dù cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn phải đối mặt với những khó khăn trước mắt khi Chính phủ đẩy mạnh các kế hoạch tái cơ cấu, nhưng tăng trưởng kinh tế quý II/2015 đã vượt dự kiến (tăng 7%).

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim cho rằng các nền tảng của nền kinh tế Trung Quốc vẫn mạnh, bất chấp việc thị trường chứng khoán nước này “lao dốc” trong thời gian gần đây. Phát biểu trong chuyến công du Bắc Kinh, ông Jim Yong Kim nhận định Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và thực hiện những cải cách đáng kể nhằm mang lại cho tất cả mọi đối tượng trong xã hội một cơ hội hưởng thụ sự phát triển thịnh vượng của đất nước.

Bên cạnh đó, ông Jim Yong Kim cho biết các lãnh đạo Trung Quốc đã rất kiên trì trong nỗ lực tiếp tục thực hiện những cải cách tài chính và tài khóa để chuyển đôi mô hình tăng trưởng.

Một số chuyên gia nhận định bất động sản, một lĩnh vực then chốt của nền kinh tế từng chịu đựng bầu không khí u ám suốt những năm qua, đang có dấu hiệu khởi sắc.

Brian Jackson, nhà kinh tế học thuộc IHS, nhận định thị trường bất động sản, có nhiều tia hy vọng le lói trong vài tháng qua, đã bắt đầu "hút" những khoản tài chính rút ra từ thị trường chứng khoán. Sự bất ổn của thị trường chứng khoán có thể củng cố sự hồi phục của thị trường bất động sản.

Hai nhà kinh tế thuộc ANZ là Liu Li-Gang và Raymond Yeung cho rằng sự lao dốc của thị trường chứng khoán khó có thể ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ nền kinh tế. Họ ước tính GDP của Trung Quốc trong năm 2015 sẽ ở vào khoảng 6,8%, "ngay cả khi giá trị cổ phiếu của Trung Quốc giảm trở lại mức trước" thời điểm bắt đầu các biện pháp giảm lãi suất hồi tháng 11/2014.

Theo giới phân tích Mỹ, dù cho đối mặt với nhiều khó khăn song kinh tế Trung Quốc trong quý III/2015 sẽ tăng trưởng khả quan hơn, giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đi đúng lộ trình để đạt mục tiêu tăng trưởng 7%./.

Theo Hoàng Hà

Vietnam+

Trở lên trên