Công nghiệp ô tô các nước (K3): Malaysia
Tại khu vực Đông Nam Á, công nghiệp ô tô Malaysia chỉ đứng sau Thái Lan. Tính đến đầu năm 2014, nước này có 18 nhà máy ô tô đang hoạt động, 550 nhà máy linh kiện ô tô, mỗi năm sản xuất khoảng 800.000 xe. Ngành ô tô tạo công ăn việc làm cho 550.000 lao động, đóng góp 3,4% vào GDP.
- 01-06-2015Công nghiệp ô tô các nước (K2): Hàn Quốc
- 01-06-2015Công nghiệp ô tô các nước (K1): Thái Lan
Hạn chế nhập khẩu
Chính phủ Malaysia bắt đầu chú ý đến ngành công nghiệp ô tô từ những năm 1960, thông qua việc cấp phép cho một số nhà máy lắp ráp. Tính đến năm 1967 có 6 nhà máy lắp ráp ô tô được cấp phép, đầu tiên là nhà máy Motor Assemblies Sdn Bhd của Thụy Điển, lắp ráp xe Volvo.
Sang thập niên 70, việc nhập khẩu xe nguyên chiếc (CBU) bị hạn chế qua quy định phải có giấy phép nhập khẩu và mỗi địa phương có quyền thêm vào một số điều kiện để cấp phép. Năm 1980, chính phủ đưa ra chính sách cấm nhập khẩu một số linh kiện để lắp ráp ô tô trong nước, gọi tắt là chính sách MDI.
Nỗ lực này nhằm khuyến khích sự phát triển nội địa hóa và hướng tới việc sản xuất chiếc ô tô “made in Malaysia” 100%. Để hiện thực hóa“giấc mơ” này, chính phủ Malaysia thông quan Dự án ô tô quốc gia (NCP) năm 1982, dẫn đến sự ra đời của Công ty Proton năm 1983. Proton là tên viết tắt của Perusahaan Otomobil Nasional Sendirian Berhad (Công ty TNHH Ô tô quốc gia). Khi mới ra đời, Proton liên doanh với Mitsubishi của Nhật Bản để được hỗ trợ về công nghệ, nhưng về sau đã hủy liên doanh để hướng đến việc sản xuất chiếc xe nội địa 100%.
Chính sách MDI phát triển thêm một bước vào năm 1992 bằng việc giao quyền cho chính quyền địa phương quyết định danh sách các linh kiện cấm nhập khẩu vào địa phương mình (chính sách LMCP). Mục tiêu của LMCP trong vòng 5 năm tỷ lệ nội địa hóa tất cả dòng ô tô lắp ráp trong nước đạt 45-60%. Năm 1992 cũng đánh dấu sự ra đời của NCP lần 2, mở đường cho việc thành lập Công ty Perodua, công ty ô tô lớn thứ hai Malaysia hiện nay.
9 biện pháp
Năm 1993, Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) được đề xướng, khiến Malaysia và các nước trong khu vực chịu sức ép tự do hóa thị trường nội địa. Đến cuối năm 2003, chính sách MDI hoàn toàn bị xóa bỏ do bị chỉ trích đi ngược lại khuynh hướng tự do thương mại.
Năm 2006, Malaysia triển khai Chính sách Ô tô quốc gia (NAP) với 3 mục tiêu chính là phát triển công nghiệp ô tô nội địa; thu hút nhà đầu tư nước ngoài; xuất khẩu ra toàn cầu. Để hiện thực hóa những mục tiêu này, Malaysia đưa ra một số biện pháp:
(1) Thành lập Quỹ điều chỉnh công nghiệp (IAF), với mục tiêu hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô trong nước trước những thách thức từ quá trình tự do hóa ngày càng sâu rộng. Quỹ này sẽ hỗ trợ cho vay không lãi suất các chương trình cải thiện dây chuyền, giảm chi phí, nghiên cứu phát triển (R&D).
Với những xe dung tích nhỏ hơn 2.0 l, phần giá trị của linh kiện có hàm lượng nội địa hóa trên 30% sẽ không phải chịu thuế nội địa. Bên cạnh đó, 20% của phần giá trị của các linh kiện theo AICO (Hiệp định Hợp tác công nghiệp ASEAN) cũng được khấu trừ thuế nội địa. Mục đích của chính sách này nhằm khuyến khích nội địa hóa và mua hàng trong nước sản xuất và khuyến khích xuất khẩu thông qua cơ chế của AICO.
Tuy nhiên, chính sách này không phù hợp với nguyên tắc đối xử quốc gia của WTO (không phân biệt hàng nhập khẩu và hàng trong nước). Nếu một nước khác kiện ra WTO, WTO có thể xem xét sự phù hợp và yêu cầu Malaysia chấm dứt chính sách này.
(2) Cung cấp ưu đãi cho các nhà sản xuất linh kiện, gồm tăng cường các dự án hợp tác và hỗ trợ chương trình cung ứng toàn cầu. Các dự án hợp tác với các đối tác FTA song phương sẽ được dùng để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô Malaysia, đặc biệt đối với các nhà sản xuất linh kiện. Lĩnh vực hợp tác bao gồm cải thiện chất lượng, mở rộng thị trường và thành lập những trung tâm thử nghiệm. Chương trình cung ứng toàn cầu sẽ giúp các nhà sản xuất linh kiện nội địa mở rộng thâm nhập vào hệ thống cung ứng toàn cầu, thông qua các FTA.
(3) Trợ cấp đào tạo. Chương trình này nhắm đến cả các nhà sản xuất ô tô, nhà lắp ráp và nhà sản xuất linh kiện, nhằm giúp nâng cao kỹ năng của đội ngũ nhân lực trong ngành công nghiệp ô tô.
(4) Trợ cấp R&D: Cung cấp hỗ trợ tài chính cho hoạt động R&D của các nhà sản xuất ô tô, linh kiện và lắp ráp. Chính phủ đưa ra chính sách ưu đãi thuế dành cho thiết bị, linh kiện quan trọng và có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Các công ty sản xuất hệ thống truyền động, hệ thống phanh, hệ thống túi khí và hệ thống lái được hưởng các ưu đãi tài chính tốt hơn. Mục đích của ưu đãi thuế này là nhằm khuyến khích nội địa hóa các linh kiện cụ thể.
Cụ thể: Chế độ tiên phong đầu tư (Pioneer Status -PS) cho phép giảm 100% thuế trong 10 năm, hoặc 100% mức trợ cấp thuế đầu tư (ITA - Investment Tax Allowance) trong 5 năm. Chế độ PS được dành cho các công ty tham gia các chương trình khuyến khích hoặc sản xuất các sản phẩm được khuyến khích.
Một công ty đạt PS được miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 10 năm. Trong trường hợp nếu không áp dụng chế độ PS, doanh nghiệp có thể xin áp dụng trợ cấp thuế đầu tư (ITA) và nếu được duyệt ITA, doanh nghiệp đó sẽ được hưởng trợ cấp tính trên 100% giá trị vốn đầu tư.
(5) Thành lập và khuyến khích thành lập những trung tâm thiết kế sản xuất (DPC). 6 trung tâm được nhà nước đứng ra thành lập nằm ở Gurun (Kedah); Bertam, Seberang Prai (Pulau Pinang); Pekan (Pahang); Tanjung Malim (Perak); Shah Alam và Rawang (Selangor). Các công ty được khuyến khích thành lập những trung tâm này thông qua các chương trình hỗ trợ và khuyến khích.
(6) Đưa ra quy chuẩn về kỹ thuật-công nghệ. (7) Mở rộng Quỹ thôn tính công nghệ (TAF) để hỗ trợ các công ty nội địa mua lại công nghệ của nước ngoài.
(8) Trợ giá phát triển thị trường cho các công ty vừa và nhỏ. Malaysia miễn thuế đối với xe và linh kiện được xuất khẩu. Theo đó, miễn thuế đối với các thu nhập theo luật định trong các trường hợp sau: Nếu hàng hóa xuất khẩu có ít nhất 30% giá trị gia tăng nội địa, miễn đánh thuế đối với từ 10-30% phần giá trị xuất khẩu gia tăng; nếu hàng hóa xuất khẩu có ít nhất 50% giá trị gia tăng nội địa, miễn đánh thuế đối với từ 15-50% phần giá trị xuất khẩu gia tăng. Tuy nhiên, chính sách này cũng không phù hợp với nguyên tắc hỗ trợ xuất khẩu của WTO.
(9) Khuyến khích sản xuất tùy biến theo yêu cầu của khách hàng. Một mẫu xe sẽ có nhiều phiên bản và việc sản xuất nhiều phiên bản sẽ được trợ giá thông qua các chính sách thuế.
(Còn tiếp)