CP Group: Rủi ro từ gánh nợ
Với nền kinh tế xuất hiện dấu hiệu đi xuống và thị trường cho vay ngày càng khắt khe, các thương vụ thâu tóm gặp phải những rủi ro tài chính ở Thái Lan nói riêng và môi trường châu Á nói chung.
Ngày 23/4, các nhân viên ngân hàng, luật sư và giám đốc tụ họp ở phòng họp của HSBC chi nhánh Hồng Kông để ký vào hợp đồng trong đó CP All – “cánh tay” bán lẻ của tập đoàn CP Group – mua lại công ty Siam Makro. Hợp đồng này có giá trị 6,6 tỷ USD.
Dhanin Chearavanont – người đứng đầu CP Group - là con út trong gia đình và bắt đầu tiếp quản hoạt động kinh doanh kể từ năm ông 30 tuổi. Từ đó đến nay, CP đã trở thành tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, bán lẻ cho đến viễn thông.
Người cha của Dhanin Chearavanont - Chia Ek Chor – rời Quảng Đông năm 1921. 25 năm sau, ông đổi tên cửa hàng của mình thành Charoen Pokphand (trong tiếng Thái có nghĩa là “thịnh vượng cho khách hàng”) và bắt đầu đa dạng hóa hoạt động kinh doanh.
Năm nay đã 74 tuổi, tỷ phú giàu nhất Thái Lan vẫn tích cực tận dụng các khoản vay giá rẻ để thực hiện các vụ thâu tóm đình đám. Theo thống kê của Reuters, trong năm 2012, Chearavanont và Charoen Sirivadhanabhakdi - hai tỷ phú sừng sỏ của Thái Lan – đã bỏ ra tổng cộng 27 tỷ USD để thực hiện các vụ thâu tóm. Số tiền này cao hơn cả số tiền mà tất cả các doanh nghiệp Thái Lan bỏ ra ở nước ngoài trong 3 năm trước đó.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh nền kinh tế xuất hiện nhiều dấu hiệu đi xuống và thị trường cho vay ngày càng khắt khe như hiện nay, điều đáng lo lắng ở đây là các thương vụ vẫn gặp phải những rủi ro tài chính ở Thái Lan nói riêng và môi trường châu Á nói chung. Theo Nirgunan Tiruchelvam – chuyên gia phân tích đến từ ngân hàng Standard Chartered - tiêu dùng ở châu Á cần phải tăng trưởng mạnh mẽ để các thương vụ thâu tóm có thể sinh lời.
Cho đến nay, có vẻ như Dhanin vẫn chưa gặp bất kỳ rắc rối nào. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng các thương vụ này ẩn chứa quá nhiều rủi ro với mức giá cao và gánh nặng nợ lớn. Đồng thời, các khoản nợ của CP cũng gắn chặt với thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có thể lao dốc mạnh. Thêm vào đó, các nền kinh tế châu Á cũng có thể đối mặt với tình trạng căng thẳng tín dụng hoặc nền kinh tế giảm tốc mạnh.
“Thực sự thì tôi khá lo lắng về Thái Lan. Tất cả đều là vay nợ. Với lãi suất ở mức thấp, chi phí đi vay khá rẻ. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu như mọi thứ bị đảo lộn? ”, một cựu nhân viên ngân hàng đầu tư ở Hồng Kông cho biết. Ông nhớ lại thời kỳ khủng hoảng châu Á năm 1997 và cho rằng đã có thời gian đủ lâu ở châu Á để nhớ rằng tình trạng ở Thái Lan hỗn loạn đến mức nào.
Cho rằng thứ gì đắt đỏ hôm nay sẽ trở có giá rẻ trong dài hạn, Dhanin đã thâu tóm Siam Makro với mức giá cao gấp 50 lần so với tỷ lệ P/E. Đồng thời, gần như toàn bộ số tiền thâu tóm đến từ nguồn đi vay của các ngân hàng. Đồng thời, HSBC – ngân hàng trung gian trong thương vụ này - chỉ mất 1 tuần để thông qua khoản vay 6 tỷ USD. Đây là thời gian quá ngắn cho một khoản vay lớn như vậy.
Còn đối với thương vụ mua lại hãng bảo hiểm Bình An hồi năm ngoái với giá 9,4 tỷ USD, ngân hàng UBS cũng đã giải ngân khoản vay ngắn hạn trị giá 5,5 tỷ USD cho Dhanin.
Thông thường, các khoản vay ngắn hạn rất được ưa chuộng trong các thương vụ M&A. Sau đó, các công ty sẽ thay thế chúng bằng các khoản vay lớn hơn và dài hạn hơn. Tuy nhiên, theo một chuyên gia đến từ hãng xếp hạng tín nhiệm S&P, khi đã hoạt động với tỷ lệ đòn bẩy cao trong một thời gian dài và gánh nặng nợ bất chợt tăng cao, các công ty khó lòng có thể kiểm soát sự việc nếu như môi trường kinh tế vĩ mô đột ngột suy giảm.
Kể từ đầu năm đến nay, TTCK Thái Lan đã tăng gần 9%. Tuy nhiên, chỉ trong 3 tuần gần đây nhất, thị trường này đã giảm tổng cộng 8%, bất chấp NHTW nước này đã hạ lãi suất sau số liệu GDP yếu ớt.
Thu Hương