MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cục diện thế giới sẽ thay đổi

20-07-2015 - 11:17 AM | Tài chính quốc tế

Thỏa thuận hạt nhân Iran - vừa được nhóm P5+1 và Iran ký cách đây ít ngày - dường như đang làm thay đổi diện mạo bức tranh chính trị và sẽ tác động tới thị trường dầu mỏ quốc tế.

Theo báo chí Nga, lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Iran có cơ hội được xóa tên khỏi “liên minh ma quỷ”, còn Mỹ giải quyết được một trong những bài toán hóc búa nhất trong chính sách đối ngoại ở Trung Cận Đông, trong khi Nga hân hoan trước một chiến thắng ngoại giao hiếm hoi trong thời gian bị phương Tây cô lập.

Thỏa thuận lịch sử

Gói các văn kiện vừa được ký ở Vienna (Áo) có vẻ như đang làm thay đổi các tiến trình chính trị trên thế giới. Các nghị sỹ Mỹ là những người đầu tiên đưa ra bình luận về thỏa thuận lịch sử này, coi văn kiện đã ký với Iran là sự đảm bảo tin cậy nhất cho việc Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân và khiến thế giới được an toàn hơn. Trong lúc Washington lần đầu tiên trong nhiều năm đưa ra những lời nói tốt đẹp hiếm có về Nga.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ "Thời báo New York" sau lễ ký thỏa thuận, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đánh giá cao vai trò của ngoại giao Nga cũng như lập trường cá nhân của Tổng thống Vladimir Putin. Ông Obama cho biết Nga đã tích cực tham gia cùng các nhà trung gian quốc tế để thuyết phục Iran đặt bút ký cam kết lịch sử, đồng thời nhấn mạnh rằng lập trường mang tính xây dựng của Nga vượt ra ngoài mong đợi của Mỹ.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng thẳng thắn thừa nhận nếu không có nỗ lực của Nga, Mỹ và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) khó có được cái bắt tay hợp tác từ phía Iran.

Ngày 15/7, ông Obama đã tham dự một buổi họp báo để trả lời những câu hỏi của giới truyền thông sau khi Iran và Nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận toàn diện cuối cùng về hồ sơ hạt nhân của Tehran.

Tuy nhiên, điều mà dư luận trông đợi là việc Washington điều chỉnh chính sách triển khai lá chắn tên lửa đã không xảy ra. Hiện Mỹ vẫn giữ lập trường cho rằng lá chắn tên lửa cần được tiếp tục duy trì để đối phó với mối đe dọa "nước Mỹ và các đồng minh bị tấn công bằng tên lửa hành trình vượt đại châu".

Trong khi đó, các quốc gia thuộc thế giới Arập cũng có sự phân hóa tương đối mạnh mẽ giữa một bên ủng hộ Iran và một bên phản đối. Mặc dù Mỹ đã kịp thời đưa ra lời trấn an rằng Washington sẽ dùng mọi biện pháp để Israel được cảm thấy an toàn trước một Iran có chương trình nghiên cứu hạt nhân hòa bình và đề cập đến khả năng Mỹ sẽ tăng cường hợp tác vũ khí với các nước Arập, song sự quan ngại của các quốc gia láng giềng đối với Iran không vì thế mà giảm đi.

Các đồng minh của Mỹ cho rằng Iran sẽ tiếp tục hậu thuẫn mạnh mẽ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng thời một phần lớn trong số tiền hàng trăm tỷ USD mà Iran thu về sau khi nước này được gỡ bỏ các lệnh cấm vận sẽ tiếp tục được dùng để tăng cường ảnh hưởng của Iran trong thế giới Hồi giáo. Giới quan sát nhận định rằng hiểm họa vũ khí hạt nhân tuy tạm thời đã được gỡ bỏ, song các thách thức bất ổn và diễn biến khó lường vẫn còn đó.

Iran trước những vận hội mới

Về thỏa thuận lịch sử mà sáu cường quốc vừa đạt được với Iran sau 12 năm đàm phán, nhật báo kinh tế Les Echos đã phân tích việc Tehran chấp nhận “đóng băng” chương trình hạt nhân trong 10 năm để được xuất khẩu dầu mỏ và đón nhận đầu tư, sẽ có tác động mạnh lên thị trường dầu mỏ thế giới.

Tờ báo ghi nhận thị trường dầu mỏ đã nhanh chóng phản ứng: giá dầu Brent giảm gần 2% ngay sau khi thỏa thuận được thông báo, sau đó có nhích lên nhưng vẫn ở mức thấp nhất kể từ tháng Tư.

Trong khi thị trường đang dư thừa dầu mỏ (khoảng 800.000 thùng/ngày trong quý II), các nhà đầu tư dự đoán dầu thô Iran sẽ sớm quay lại. Tuy việc gỡ bỏ cấm vận khó diễn ra trước tháng 12 tới, nhưng Iran với trữ lượng dầu đứng thứ tư thế giới, sẽ nhanh chóng xuất khẩu dầu trở lại nhờ nguồn dự trữ. Theo Bộ Năng lượng Iran, xuất khẩu dầu của nước này có thể tăng nửa triệu thùng một ngày ngay sau khi được bỏ cấm vận.

Iran cũng rất cần đầu tư nước ngoài, trong đó các tập đoàn lớn của Pháp đang sẵn sàng. Ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân với Iran được ký kết tại Vienna vào ngày 15/7, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã thông báo chuyến công du Iran sắp tới của ông, theo lời mời của người đồng nhiệm Mohammad Javad Zarif.

Tuy thời điểm chuyến công du chưa được xác định, song đó có thể là một trong những chuyến viếng thăm Iran đầu tiên của một quan chức cao cấp phương Tây ngay sau lễ ký kết thỏa thuận.

Với dân số khoảng 80 triệu người, Iran là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Pháp, như nhà sản xuất xe hơi PSA Peugeot Citroën và Renault, hay tập đoàn dầu khí Total. Do các lệnh trừng phạt quốc tế đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này, trao đổi thương mại giữa Pháp và Iran giảm xuống còn 500 triệu euro vào năm 2013, thấp hơn tám lần so với năm 2004.

Thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân của Iran được cho là sẽ mở đường cho việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế mà quốc tế áp đặt đối với nước này. Ngay sau đó cuộc đua tiếp cận thị trường của Iran đã bắt đầu. Ngoài các công ty Pháp, nhiều đối tác tiềm năng khác, ví dụ như Mỹ, cũng quan tâm tới triển vọng thâm nhập thị trường Iran giống như việc mở cửa đối với Cuba.

Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP của Iran ở mức 2,2% trong năm 2015, Iran luôn tìm cách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, vốn chỉ ở mức 40 triệu USD trong năm 2013.

Nền kinh tế Iran đang phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ, chiếm gần 50% nguồn thu của nhà nước. Nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và giảm bớt sự phụ thuộc vào lĩnh vực “vàng đen”, Chính phủ Iran đã quyết định tư nhân hóa và mở cửa cho đầu tư nước ngoài đối với phần lớn các lĩnh vực kinh tế.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa nhiều và bị hạn chế bởi bất ổn chính trị cùng theo các biện pháp trừng phạt của quốc tế liên quan việc phát triển lĩnh vực hạt nhân của Iran. Các nước láng giềng của Iran cho rằng Iran cần quyết tâm dành những lợi ích từ thỏa thuận đạt được nêu trên để phục vụ cho việc phát triển và cải thiện đời sống của người dân.

Theo Ngọc Tiến

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên