Cuộc đua trung tâm tài chính của châu Á: Hồng Kông vs Singapore
Lâu nay lựa chọn đâu là thành phố trung tâm của châu Á vẫn là một câu hỏi hóc búa. Hồng Kông là thành phố được nhắc đến nhiều nhất. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người chọn Singapore.
Tháng trước, khi “Vua trái phiếu rác” Michael Milken lần đầu tiên tổ chức hội thảo của Viện Milken ở châu Á, ông đã quyết định chọn Singapore làm điểm đến. Chi nhánh của Viện Milken ở Singapore được thành lập 1 năm về trước.
Lâu nay lựa chọn đâu là thành phố trung tâm của châu Á vẫn là một câu hỏi hóc búa. Hồng Kông là thành phố được nhắc đến nhiều nhất, có lẽ bởi vị trí chiến lược là cửa ngõ dẫn vào Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thị trường vốn đang trưởng thành từng ngày.
Tuy nhiên, Milken cho rằng rất nhiều cổ đông và đối tác của các định chế tài chính - các ngân hàng, công ty bảo hiểm, tập đoàn vốn cổ phần tư nhân, các quỹ và các nhà đầu tư định chế - lại chọn Singapore làm nơi đặt trụ sở chính. “Một trong những lý do chính lý giải tại sao chúng tôi chọn Singapore là bởi tôi cảm thấy rằng thành phố này có thể trở thành biểu tượng của châu Á. Tất cả các tiêu chuẩn về pháp lý, kế toán hay tài chính của Singapore đều có thể nhân rộng ở châu Á", ông nói.
Những năm 1960, Singapore mới chỉ bắt đầu công cuộc xây dựng thị trường đôla châu Á trong khi trung tâm tài chính của Hồng Kông đã được định vị là một "tiền đồn" của London. Ngày nay, xét trên quy mô thị trường vốn và giá trị các vụ IPO ở đây, Hồng Kông vẫn là vùng lãnh thổ đứng thứ 3 thế giới (chỉ sau New York và London) với tổng giá trị các vụ IPO được thực hiện kể từ đầu năm đến nay lên tới 17,6 tỷ USD. Theo số liệu của Dealogic, Singapore chỉ đứng thứ 19 với vỏn vẹn 8 vụ IPO có giá trị 1,9 tỷ USD.
Tháng 11 tới, vị thế của Hồng Kông sẽ tiếp tục được nâng lên với sự ra đời của liên kết giữa hai sàn Hồng Kông và Thượng Hải. Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà đầu tư Hồng Kông và nước ngoài có thể tiếp cận trực tiếp với thị trường Thượng Hải.
Dẫu vậy, Singapore lại có được lợi thế ở lĩnh vực khác. Quốc đảo này đã thu hút được nhiều tập đoàn giao dịch hàng hóa và khai thác triệt để vị thế là cảng nhiên liệu lớn nhất thế giới nằm giữa các con đường vận tải biển giúp hàng hóa ra vào Trung Quốc. Gunvor, công ty giao dịch dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới, đã phải tăng thêm 20% nhân sự ở Singapore trong 9 tháng qua.
Kinh doanh hợp đồng hàng hóa phái sinh là mảng tăng trưởng nhanh nhất trên sàn SGX. Các sàn giao dịch toàn cầu cũng đang tăng cường sự hiện diện ở châu Á bằng cách thâu tóm các doanh nghiệp ở Singapore mà mới nhất là vụ IntercontinentalExchange mua lại Singapore Mercantile Exchange và Deutsche Börse (Đức) lên kết hoạch xây dựng một trung tâm thanh toán ở Singapore.
Trên thị trường ngoại tệ, năm ngoái Singapore đã vượt qua Tokyo trở thành trung tâm ngoại tệ lớn nhất châu Á và lớn thứ 3 thế giới. Hiện các dịch vụ tài chính đóng góp khoảng 12% GDP của Singapore, gần bằng tỷ lệ 16% của Hồng Kông.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hồng Kông vẫn “trên cơ” Singapore về hoạt động quản lý tài sản. Hồng Kông cũng có nhiều tỷ phú hơn. Theo báo cáo Wealth-X, Hồng Kông có 82 tỷ phú trong khi con số ở Singapore chỉ là 32.
Nghiên cứu của Boston Consulting Group cho thấy đến năm 2015 Hồng Kông và Singapore được dự báo sẽ vượt qua Thụy Sĩ trong mảng này. Tính đến cuối năm 2013, các quỹ ở Hồng Kông quản lý số tài sản trị giá 2.200 tỷ USD. Con số ở Thụy Sĩ và Singapore lần lượt là 3.700 và 1.400 tỷ USD.
Các chuyên gia trong ngành ngân hàng cho rằng mối đe dọa dài hạn hơn đối với Singapore nằm ở vai trò là cửa ngõ bước vào thị trường vốn Trung Quốc. Dự án nối hai sàn Hồng Kông và Thượng Hải có tham vọng mở rộng giao dịch các tài sản niêm yết bằng nhân dân tệ với dự báo Trung Quốc sẽ mở cửa cán cân vốn.
Tuy nhiên, Singapore có được lợi thế vượt trội mà Hồng Kông khó có thể bắt kịp: bầu không khí trong lành và những khoảng xanh không thể tìm thấy được ở thành phố đông đúc toàn nhà chọc trời như Hồng Kông.
Chi phí sống ở Singapore cũng rẻ hơn. Savills ước tính rằng trung bình giá thuê nhà ở Singapore vào khoảng 1,711 USD/tuần, trong khi ở Hồng Kông giá lên tới 2.446 USD và Hồng Kông cũng là thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Trong một nghiên cứu về Singapore và Hồng Kông được xuất bản hồi tháng 7, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ ra rằng không phải hai thành phố này đang cạnh tranh với nhau mà đang bù đắp cho nhau bằng cách phục vụ hai khu vực khác nhau: Hồng Kông phục vụ Bắc Á và Trung Quốc trong khi Singapore hướng tới khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, đối với nhiều người, Thượng Hải là một mối đe dọa. Khu vực tự do thương mại của Thượng Hải chính là dấu hiệu mới nhất thể hiện tham vọng trở thành trung tâm tài chính của châu Á, thậm chí là cạnh tranh với London và New York.
Ông trùm hàng hóa Jim Rogers – người đã chuyển đến sống ở Singapore kể từ năm 2007 – từng nói: “Hồng Kông và Singapore đã “mở cửa sổ” trước khi Trung Quốc mở toang cánh cửa ra vào. Trước chiến tranh thế giới thứ hai, Thượng Hải là trung tâm tài chính ngang hàng với London và New York. Và, điều ấy sẽ lặp lại một lần nữa”.
Thu Hương