Đằng sau làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt thâu tóm doanh nghiệp Mỹ
Cơn sốt săn lùng doanh nghiệp Mỹ của các nhà đầu tư Trung Quốc đang bùng lên với tốc độ chưa từng thấy.
- 15-03-2016Công ty Trung Quốc chi 6,5 tỷ USD mua khách sạn Mỹ
- 11-03-2016Trung Quốc đầu tư kỷ lục vào Mỹ, châu Âu
- 15-01-2016Trung Quốc bắt đầu mua dầu xuất khẩu của Mỹ
- 27-12-2015Thuốc thử Trung Quốc cho các ứng viên tổng thống Mỹ
Theo Reuters, Tập đoàn Starwood Hotels & Resorts Worldwide Inc của Mỹ ngày 18-3 thông báo đã nhận được lời đề nghị mua lại từ tập đoàn bảo hiểm Trung Quốc Anbang với giá 13,2 tỉ USD. Với món hời này, Starwood - công ty sở hữu các thương hiệu khách sạn nổi tiếng như Sheraton, Westin, W Hotels... - dự kiến hủy bỏ thỏa thuận đề xuất của đối thủ Marriott International để bắt tay với người Trung Quốc.
Báo USA Today bình luận Starwood là mục tiêu mới nhất của các nhà đầu tư Trung Quốc trong thời gian gần đây. Giới nghiên cứu thị trường cho biết số tiền 39 tỉ USD mà giới doanh nghiệp Trung Quốc dự kiến đổ vào Mỹ trong năm nay nhiều gấp bốn lần năm ngoái và bỏ xa kỷ lục 11,8 tỉ USD của năm 2013.
“Cơn mua sắm điên cuồng”
Truyền thông Mỹ mô tả trào lưu thâu tóm doanh nghiệp của các nhà đầu tư Trung Quốc bằng đúng từ ngữ mà truyền thông Nhật mô tả về hiện tượng du khách Trung Quốc đi mua đồ hàng hiệu: “Cơn mua sắm điên cuồng”.
Hiện tượng này ngày càng gây sự chú ý bởi người Trung Quốc nhắm tới toàn các mục tiêu “đắt giá”. Richard Peterson, giám đốc thuộc Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global, cho biết 5/6 thương vụ thâu tóm lớn nhất của Trung Quốc tại Mỹ diễn ra chỉ trong ba tháng đầu năm nay.
Vài ngày trước khi Anbang quyết tâm lật Marriott International trong thương vụ Starwood, gã khổng lồ bảo hiểm Trung Quốc cũng vừa chốt xong bản hợp đồng 6,5 tỉ USD mua lại một công ty kinh doanh khách sạn nghỉ dưỡng hạng sang của Mỹ từ tay quỹ đầu tư Blackstone Group LP.
Đáng chú ý, Blackstone chỉ vừa mua Strategic Hotels & Resorts Inc cách đó ba tháng với giá khoảng 6 tỉ USD. Điều này cho thấy quyết tâm và khả năng chi đậm của doanh nghiệp Trung Quốc trong các vụ mua bán lớn.
Tháng 2 vừa qua, Ingram Micro, doanh nghiệp chuyên phân phối hàng điện tử cho nhiều hãng lớn như Apple, Microsoft..., rơi vào tay Công ty Tianjin Tianhai với giá khoảng 6 tỉ USD.
Còn trước đó, thị trường Mỹ cũng một phen dậy sóng với số tiền 5,4 tỉ USD của Công ty Qingdao Haier bỏ ra để mua lại đơn vị sản xuất điện tử gia dụng của General Electric, hay sự kiện Wanda Group mua lại Legendary Pictures (3,5 tỉ USD) - nhà sản xuất phim Công viên kỷ Jura...
Kể từ lần Henan Shineway Industry Group mua lại nhà chế biến thực phẩm Smithfield Foods năm 2013 (7,3 tỉ USD), chưa bao giờ người Mỹ lại mất nhiều “thương hiệu quốc gia” như vậy trong một thời gian ngắn, đặc biệt là vào tay người Trung Quốc.
Theo trang tin tức Nasdaq, các nhà đầu tư Trung Quốc đang tiến hành thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài hầu như trên mọi lĩnh vực, từ vụ mua lại công ty công nghệ sinh học Thụy Sĩ Syngenta AG (43 tỉ USD, tháng 2-2016) cho đến hãng điện tử gia dụng của General Electric...
Chỉ trong quý đầu năm 2016, các công ty Trung Quốc đã thỏa thuận tổng cộng 102 tỉ USD với các đối tác nước ngoài, gần bằng con số kỷ lục 106 tỉ USD của cả năm 2015.
Mối lo an ninh quốc gia
Một thực tế khiến nhiều nước lo lắng khi làm ăn với Trung Quốc là việc nhiều doanh nghiệp nước này có dây dưa với chính phủ. Ví như vụ Starwood, báo Wall Street Journal dẫn nguồn tin tiết lộ chính quyền Bắc Kinh đã chỉ đạo một số doanh nghiệp Trung Quốc khác rút lui, chỉ giữ lại mỗi Anbang, nhằm không đẩy giá lên quá cao do “gà nhà đá nhau”.
Nhiều người vẫn còn nhớ một sự kiện nhỏ liên quan đến vụ Anbang mua lại khách sạn Waldorf Astoria ở khu Manhattan, thành phố New York năm ngoái.
Tổng thống Barack Obama khi đến đây đã phải chọn khách sạn khác thay vì Waldorf, nơi dừng chân quen thuộc của các tổng thống Mỹ từ năm 1947, chỉ vì Nhà Trắng lo người Trung Quốc gắn thiết bị do thám.
Tập đoàn Anbang được cho là có liên hệ với các quan chức chính phủ Trung Quốc, cả đương chức lẫn về hưu.
Theo báo New York Times, đến nay chưa có ứng viên tổng thống Mỹ nào đưa ra bình luận về chuyện mua bán với Trung Quốc, tuy nhiên đây hứa hẹn sẽ là chủ đề nóng vào một thời điểm thích hợp.
Trong một văn bản thể hiện lập trường, tỉ phú Donald Trump từng viết: “Nước Mỹ mở cửa hoàn toàn thị trường của mình cho Trung Quốc, nhưng Trung Quốc lại không làm như vậy”, ông này mô tả nó như “bức trường thành của chủ nghĩa bảo hộ”.
Theo Reuters, Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) sẽ phải cân nhắc xem trong số hàng trăm điền sản của Starwood có đơn vị nào nằm gần các công trình trọng yếu hay không trước khi phê duyệt bán cho nhà đầu tư Trung Quốc.
Giới chuyên gia cho rằng khả năng thương vụ này bị chặn là rất thấp dù Anbang có thể phải nhượng bộ một ít. Còn trước mắt, giới tài chính và luật sư của Phố Wall đều cho rằng thương vụ của Anbang chỉ là khởi đầu...
Bài học từ người Nhật
Báo New York Times nhận xét trào lưu thâu tóm doanh nghiệp Mỹ của Trung Quốc gợi nhớ đến giai đoạn cuối thập niên 1980, khi đó người Nhật cũng làm điều tương tự.
Một bài báo thời đó còn giật tít “Một trận Trân Châu Cảng kinh tế?” khi mô tả làn sóng đầu tư của Nhật.
Năm 1989, khi được hỏi về việc mua lại nhiều tài sản ở Hollywood, nhà đồng sáng lập Hãng điện tử Sony Akio Morita chỉ trả lời ngắn gọn: “Nếu anh không muốn người Nhật mua thì anh đừng bán”.
Tuổi Trẻ