Đằng sau scandal rúng động Malaysia
Đây là vụ bê bối tài chính lớn nhất từ trước đến nay của Malaysia với rất nhiều người có liên quan.
- 30-08-2015Dân Malaysia biểu tình đòi thủ tướng từ chức
- 27-08-2015Lập đội đặc nhiệm kinh tế, Malaysia có lặp lại sai lầm quá khứ?
- 17-08-2015"Bóng ma" khủng hoảng 1998 ám ảnh Malaysia
Mùa xuân năm 2013, Song Dal Sun – người đứng đầu bộ phận đầu tư chứng khoán của tập đoàn bảo hiểm Hàn Quốc Hanwha – ngồi xuống để lắng nghe bài thuyết trình được thực hiện bởi một cán bộ của ngân hàng Goldman Sachs. Chàng trai trẻ tuổi của Goldman đã bay từ Hồng Kông sang Hàn Quốc để thuyết phục Hanwha đầu tư vào trái phiếu của 1Malaysia Development Bhd, tập đoàn trực thuộc nhà nước Malaysia có mối quan hệ thân thiết với Thủ tướng Najib Razak.
Đây là một khoản đầu tư khá hấp dẫn. Trái phiếu có kỳ hạn 10 năm và được niêm yết bằng USD đem đến mức lới uất 4,4% - cao hơn 100 điểm cơ bản so với các trái phiếu cùng loại. Tuy nhiên, với 25 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành tài chính, Song nhận thấy có điều gì đó không ổn. Với lợi suất hấp dẫn như vậy, 1MDB lẽ ra có thể dễ dàng bán số trái phiếu này cho các nhà đầu tư định chế thông qua một vụ IPO tầm cỡ toàn cầu. Thay vào đó, một mình Goldman Sachs bán 3 tỷ USD trái phiếu của 1MDB với sự hậu thuẫn của Chính phủ Malaysia. Cuối cùng Song quyết định không mua.
Sau này, những thương vụ bán trái phiếu ấy đã trở thành một phần của vụ bê bối “nhấn chìm” 1MDB, khiến các nhà đầu tư ngơ ngác và cánh cửa trở thành một quốc gia phát triển đóng sập lại trước Malaysia. Thủ tướng Najib, người cũng từng là Bộ trưởng Tài chính Malaysia, là Chủ tịch ban cố vấn của 1MDB. Những hệ lụy của scandal này khiến chiếc ghế Thủ tướng cũng như Đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) lung lay. Là một tập đoàn đầu tư quốc doanh đóng vai trò chủ chốt trong chính sách kinh tế của ông Najib sau khi ông trở thành Thủ tướng hồi tháng 4/2009, 1MDB giờ đây ngập trong khối nợ trị giá ít nhất 11 tỷ USD. Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad khẳng định một lượng tiền khổng lồ đã biến mất khỏi các quỹ của 1MDB.
Ngay từ năm 2009, khi Najib tiếp quản quỹ đầu tư được thành lập bởi tập đoàn dầu khí quốc gia Terengganu và biến nó thành một quỹ phát triển sở hữu bởi Chính phủ Malaysia, 1MDB luôn là thực thể gây tranh cãi. Kể từ đầu năm 2015, với một số bài báo tiêu cực về 1MDB, vụ bê bối ngày càng tiến sâu hơn vào Chính phủ Malaysia, khiến nhiều người kêu gọi ông Najib từ chức và gợi nhớ đến cuộc chiến kéo dài chống tham nhũng và những bất ổn của nền kinh tế của Chính phủ Malaysia.
Từ tháng 3, khi áp lực từ cộng đồng tăng lên, tổng kiểm toán nhà nước, Ủy ban Kiểm toán công của quốc hội, ngân hàng trung ương và cảnh sát phải vào cuộc. Vụ bê bối càng làm đồng ringgit giảm giá. Vốn đã là đồng tiền có mức cạnh tranh kém nhất châu Á, tính từ đầu năm đến ngày 16/7, đồng ringgit giảm 8,1% so với đồng USD. Dự trữ ngoại hối giảm 20% trong tháng 6/2015 so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 3/7, tờ Wall Street Journal cho hay, các điều tra viên chính phủ Malaysia phát hiện ra gần 700 triệu USD được chuyển từ 1MDB, vòng qua các tổ chức chính phủ, ngân hàng và các công ty có liên quan tới Quỹ này, để đến tài khoản cá nhân của Thủ tướng Najib trong tháng 3/2013. Số tiền này chia thành 2 lần chuyển khoản với trị giá 620 triệu USD và 61 triệu USD. Thời điểm chuyển khoản là 2 tháng trước cuộc tổng tuyển cử. Đây là thời điểm gây tranh cãi vì 1MDB có thể được thành lập để tạo ra với một trong những mục tiêu chính là tài trợ cho các chiến dịch tranh cử. Văn phòng thủ tướng bác bỏ những cáo buộc trên và cho rằng đây là động cơ "phá hoại chính trị" dưới bàn tay của một số cá nhân để làm suy yếu niềm tin vào nền kinh tế, làm hoen ố chính phủ, và loại bỏ thủ tướng được bầu dân chủ. 1MDB cho rằng quỹ này không cung cấp bất kỳ khoản tiền nào cho Thủ tướng.
Trước cuộc bầu cử năm 2013, vào ngày 12/3, Chủ tịch 1MDB Lodin Wok Kamaruddin và chủ tịch của Abu Dhabi’s Aabar Investments là Al Qubais ký một thỏa thuận thành lập liên doanh. Sau đó, 1MDB tuyên bố tăng giá trị cổ phiếu của quỹ này lên 3 tỷ USD thông qua phát hành riêng lẻ.
Những bê bối trước đó và những người liên quan
Đây là vụ bê bối tài chính lớn nhất từ trước đến nay của Malaysia với rất nhiều người có liên quan. Najib, bắt đầu con đường chính trị từ năm 23 tuổi, là con trai cả của Abdul Razak Hussein - Thủ tướng thứ 2 của Malaysia sau khi nước này giành độc lập năm 1957.
Rosmah Mansor, vợ của ông Najib cũng là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn. Bà từng là giám đốc điều hành công ty bất động sản Island & Peninsular, thường xuyên bị truyền thông đả kích do có lối sống xa hoa.
Riza Aziz, con trai riêng của Rosmah có quan hệ thân thiết với ông Low Taek Jho- một người có liên quan đến nhiều bên trong đó có 1MDB. Năm 2009, nhân vật này được các báo lá cải nhắc đến khá nhiều qua bức ảnh tiệc tùng với Paris Hilton. Bản thân Riza Aziz là đồng sáng lập một công ty ở Los Angeles. Công ty này đã sản xuất phim Sói già phố Wall năm 2013 về lối sống thái quá trong giới tài chính. Trong phim này, phần cảm ơn dành cho Low được dành hẳn một đoạn trong credit sau phim. Low đã giúp thành lập liên doanh giữa 1MDB và PetroSaudi International, liên doanh đầu tiên của 1MDB.
Tháng 9/2013, khi ông Najib và Rosmah đến San Francisco để mở một văn phòng mới của Khazanah Nasional, quỹ thịnh vượng của Malaysia, người ta thấy Tim Leissner từ Goldman Sachs và Kimora Lee Simmons, vợ cũ của Russell Simmons, đồng sáng lập Def Jam Recordings chụp ảnh cùng nhau. Leissner hiện nay là Chủ tịch khu vực Đông Nam Á của Goldman Sachs. Tổ chức tài chính này đã giúp tỷ phú T. Ananda Krishnan của Maxis, nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn nhất của Malaysia lên sàn chứng khoán vào năm 2009.
Goldman Sachs có mối quan hệ chặt chẽ và cũng có lợi từ 1MDB. Trong 2 năm 2012 và 2013, ngân hàng này bán bán trái phiếu 3 công ty, với tổng giá trị đạt 6,5 tỷ USD. Khoản phí và hoa hồng cho Goldman đạt 593 triệu USD, bằng khoảng 9,1%. Theo Edward Naylor, phát ngôn viên của Goldman tại Hong Kong, lệ phí và hoa hồng phản ánh rủi ro bảo lãnh và các điều kiện khác.
Theo nhiều cách khác nhau, 1MDB vẫn tồn tại dù Malaysia vẫn là môt nước nghèo. Najib lập nên 1MDB khi nền kinh tế Malaysia đã dần hồi phục, tăng trưởng ở mức 7,4% trong năm 2010, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. 1MDB có hội đồng tư vấn được Thủ tướng Najib chủ trì và thành viên có cả các quan chức chính phủ cấp cao từ Trung Quốc, Saudi Arabia, và UAE với chiến lược là công ty nhà nước quan hệ đối tác toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài đến Malaysia, và xây dựng nền công nghiệp của nước này.
Ban đầu, 1MDB liên kết với các công ty của Ả Rập và Abu Dhabi. Tháng 7/2013, tại Malaysia, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chứng kiến lễ ký kết hai bản ghi nhớ (MoU) giữa 1MDB và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), mở ra cơ hội cho cả hai nước được hưởng lợi từ trái phiếu Samurai, trái phiếu đầu tiên do 1MDB phát hành có bảo lãnh của JBIC. Tuy nhiên kế hoạch không được triển khai theo đúng như dự định. Theo thời gian, người ta dần thấy 1MDB giống chiếc hộp đen khổng lồ, không biết bên trong nó có gì.
1MDB cũng đang thực hiện các hoạt động làm giảm nợ và đảm bảo lợi ích tối đa cho toàn bộ cổ đông. 1MDB hoàn nợ khoản vay 975 triệu USD và có hơn 40 nhà đầu tư tiềm năng bày tỏ quan tâm đến tài sản của công ty này. 1MDB cũng dự định bán nhà máy điện.