MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau việc Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đóng cửa

24-12-2010 - 06:48 AM | Tài chính quốc tế

Quyết định khó khăn này là một kết quả từ quyết định mới đây của quốc hội cắt giảm khoảng 300 triệu kronor Thụy Sĩ (khoảng 43 triệu USD) ngân sách cấp cho các cơ quan chính phủ.

Như SGTT đã thông tin, bộ ngoại giao Thụy Điển cho biết chính phủ nước này đã quyết định đóng cửa đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam. Bốn đại sứ quán khác của nước này ở thủ đô Buenos Aires của Argentina, Brussels của Bỉ , Kuala Lumpur của Malaysia, và Luanda của Angola cũng đóng cửa.

Trong thông cáo báo chí phát trên website của bộ này, Ngoại trưởng Thụy Điển, ông Carl Bildt cho biết: "Quyết định khó khăn này là một kết quả từ quyết định mới đây của quốc hội cắt giảm khoảng 300 triệu kronor Thụy Sĩ (khoảng 43 triệu USD) ngân sách cấp cho các cơ quan chính phủ”. Thông cáo này cũng cho biết các đại sứ quán nói trên sẽ đóng cửa trong năm 2011.

Quyết định nội bộ

Bài viết Dark days in Hà Nội (Những ngày âm u ở Hà Nội) đăng trên blog của Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam. Ảnh: blog.swedenabroad.com

Trước thông báo nói trên, người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga ngày 23.12 cho biết đây là "quyết định nội bộ của Thụy Điển". Bà Nga nói: "Chúng tôi mong muốn hai bên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong thời gian tới, thông qua các biện pháp và hình thức phù hợp, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của cả hai nước. Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Thụy Điển sớm mở lại đại sứ quán tại Việt Nam khi điều kiện cho phép".

Thụy Điển là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1969, và là một trong những nước có nhiều chương trình viện trợ cho Việt Nam.

Các nhân viên đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tiếp nhận thông tin về việc đóng cửa cơ quan này chỉ trước Giáng Sinh một ngày. Trên mạng xã hội facebook có nhân viên sứ quán bày tỏ tâm trạng “không tin được”, “không tưởng tượng được”, và sự luyến tiếc về việc đóng cửa trong khi vừa mới có một đại sứ mới năng động và xông xáo.

Ông Staffan Herrström hiện là đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam chỉ mới đến Hà Nội nhận nhiệm vụ từ tháng 9.2010. Trong hơn ba tháng qua ông cũng đã có nhiều hoạt động ở nhiều địa phương của Việt Nam, từ Hà Giang đến TP. Hồ Chí Minh.

Tiết kiệm 300 triệu kronor

Đại sứ Staffan Herrström cho biết việc đóng cửa sứ quán ở Hà Nội giúp tiết kiệm số tiền tương đương 3% mức ngân sách bị cắt giảm. Báo Swedish Wire của Thụy Điển cho biết Thủ tướng nước này, ông Fredrik Reinfeldt rất không hài lòng với kế hoạch cắt giảm, với một nửa trong tổng số 300 triệu kronor (khoảng 43 triệu USD) cắt giảm là do thu hẹp ngân sách của bộ Ngoại giao.

Viết trên mạng xã hội Twitter hôm 9.12, ông Carl Bildt cho hay: “Những người theo chủ nghĩa dân túy trong quốc hội đã quyết định cắt giảm nguồn tài chính cho bộ ngoại giao. Giờ chúng ta phải đóng cửa một số đại sứ quán ở nước ngoài. Cực kỳ dại dột”.

Năm ngoái với lý do cắt giảm ngân sách, bộ ngoại giao Thụy Điển cũng đã đóng cửa đại sứ quán của nước này tại Colombo, và tổng lãnh sự quán ở Kaliningrad, Canton, Los Angeles, và New York. Vào tháng 1.2010 bộ trưởng bộ ngoại giao Thụy Điển từng thông báo về việc chính phủ nước này sẽ mở 10 đại sứ quán mới nhưng lại đóng cửa 6 đại sứ quán khác. Đây được xem là biện pháp tìm kiếm cách thức mới để duy trì các quan hệ song phương trong tương lai.

"Ngày đen tối nhất trong năm"

Về việc xin cấp visa (thị thực) ở đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, qua Facebook ông trả lời một bạn trẻ Việt Nam rằng: “Việc vấn đề này được xử lý như thế nào trong khuôn khổ hoạt động Schengen sẽ được công bố vào đầu năm sau. Nhưng hiện tại tất nhiên chúng tôi vẫn thực hiện (việc cấp visa)". Khối tự do đi lai Schengen hiện có 25 thành viên, trong đó có Thụy Điển.

Trong một bài ngắn đăng trên blog vào chiều ngày 23.12 với tựa đề Dark days in Hanoi (Những ngày âm u ở Hà Nội), ông Herrström viết: “Thụy Điển sẽ tìm những cách khác để duy trì và nuôi dưỡng các mối quan hệ của chúng tôi với Việt Nam, và tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đóng góp cho điều này trong thời gian còn lại của tôi ở Hà Nội”.

Theo blog này, ông Herrström mới chỉ biết đến quyết định nói trên vào ngày 21.12 vừa qua, gọi đó là “ngày đen tối nhất trong năm”, và trong những việc ông lo lắng lúc này là những thách thức và những khó khăn trong tương lai sẽ xảy đến cho các nhân viên người Việt của ông. Tuy nhiên, ông đã kết thúc bài viết bằng lời an ủi: “Những ngày tươi sáng hơn sẽ đến”.

Theo Việt Anh – Mai Hương
Sài Gòn Tiếp Thị


ngocdiep

Trở lên trên