MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đảo Síp châm ngòi cho cuộc chiến Nga – Đức?

19-03-2013 - 19:23 PM | Tài chính quốc tế

Nga có thể nổi giận và cắt đứt nguồn cung cấp năng lượng dành cho nước Đức sau khi bị mất hàng tỷ USD tiền đầu tư và tiền gửi tiết kiệm tại hệ thống ngân hàng Síp.

Người Đức sẽ chứng tỏ với thế giới rằng họ không có lỗi trong kế hoạch cứu trợ gây nhiều tranh cãi dành cho Cộng hòa Síp. Tuy nhiên, rất có thể kế hoạch đánh thuế tiền gửi tiết kiệm sẽ khiến người Nga nổi giận và cắt đứt nguồn cung cấp năng lượng dành cho nước Đức sau khi bị mất hàng tỷ USD tiền đầu tư và tiền gửi tiết kiệm tại hệ thống ngân hàng Síp.

Trong khi quốc hội Síp chuẩn bị bỏ phiếu thông qua lời đề nghị đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, không ít người cho rằng gói cứu trợ dành cho Síp ẩn chứa những mục tiêu sâu xa. Đức và các đồng minh ở châu Âu muốn triệt tiêu hoạt động rửa tiền được các bố già Nga thực hiện ở Síp.  

Theo số liệu thống kê không chính thức, 20% số tiền gửi tại hệ thống ngân hàng Síp được nắm giữ bởi người Nga. Đồng thời, một số lượng lớn các doanh nghiệp Nga đang đăng kí kinh doanh ở Síp. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi chính sách đánh thuế tiền gửi tiết kiệm đối với các khoản tiền gửi từ 100.000 USD trở lên ngay lập tức vấp phải sự phản đối của người Nga. Hôm qua (18/3), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi chính sách đánh thuế của Síp là “không công bằng, thiếu chuyên nghiệp và nguy hiểm”. 

Theo Steve Keen, giáo sư đến từ đại học Western Sydney, cho rằng công dân của mình đang bị tấn công, Nga có thể đưa ra những động thái trả đũa. “Nếu bạn định tấn công trực tiếp vào hoạt động rửa tiền, đừng biến những người nông dân và doanh nhân nhỏ bé của Síp thành “vật thế chấp” để chống lại các bố già Nga”, ông nói.

Keen cũng bổ sung thêm rằng nước Nga đã đưa ra những tín hiệu sẵn sàng tung ra con bài năng lượng. Hơn nữa, việc này cũng đã có tiền lệ. Hồi năm 2009, tập đoàn dầu khí lớn nhất nước Nga là Gazprom đã giảm mạnh nguồn cung khí đốt cho châu Âu sau khi mâu thuẫn với 1 công ty năng lượng của Ukraina. 

36% người dân châu Âu đang phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí gas từ Nga. Do đó, chắc chắn người Đức sẽ phải suy nghĩ kỹ càng trước khi đưa ra các quyết định chính trị có liên quan chặt chẽ đến lợi ích của Nga. 

Theo Christos Stylianides, người phát ngôn của chính phủ Síp, Thủ tướng Nicos Anastasiades sẽ có cuộc trò chuyện với Tổng thống Putin vào hôm nay.  Trong khi đó, trước các cuộc biểu tình và sự lao dốc của TTCK toàn cầu, bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schuble đang cố gắng xoa dịu căng thẳng khi cho rằng kế hoạch đánh thuế không phải là ý tưởng của người Đức. Ông cũng tuyên bố sẵn sàng làm mọi thứ để thay đổi tình hình. 

Nga và Cộng hòa Síp vốn có quan hệ kinh tế khá mật thiết từ nhiều thập kỷ. Rất nhiều doanh nhân Nga đã tới đây và phát triển công việc kinh doanh. Rất nhiều người Nga đã định cư hoặc mua nhà tại Síp. Mới đây, nhằm hỗ trợ Síp thoát khỏi khủng hoảng, Nga đã đồng ý cho đảo quốc này vay 3,36 tỷ USD đồng thời cho phép kéo dài thời hạn trả nợ.  

Trong vòng chưa đầy 2 năm tính đến giữa năm 2011, kinh tế Síp đã rơi vào suy thoái lần thứ hai với các hoạt động kinh doanh giảm 2,3% trong quý 3/2012, là quý giảm thứ sáu liên tiếp. Tháng 6 năm ngoái, Chính phủ Síp đã phải xin cứu trợ từ các nước thành viên Eurozone khác, do khu vực ngân hàng nước này trở nên kiệt quệ vì phải xóa nợ cho Hy Lạp.

Thu Hương

huongnt

CNBC

Trở lên trên