MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì đang đợi kinh tế Nga?

18-12-2014 - 14:11 PM | Tài chính quốc tế

Bức tranh kinh tế Nga có thể tồi tệ hơn trong năm 2015.

Trên thế giới hiện nay, các ngân hàng trung ương đang thiên về hướng đưa ra các quyết định một cách chậm chạp, vững chắc và có thể đoán trước. Bởi vậy, khi các lãnh đạo của NHTW Nga có cuộc họp khẩn cấp và đưa ra quyết định nâng lãi suất cơ bản từ 10,5% lên 17%, mọi người sẽ có cảm giác một điều tồi tệ đang xảy ra. Và, điều đó đã xảy ra trên thực tế: cuộc khủng hoảng tiền tệ mà nhiều người lo sợ sẽ xảy ra ở Nga đã trở thành hiện thực. Tâm trạng ở Moscow gần như là hoảng loạn. Người Nga đã đúng khi lo sợ: họ đang đứng trước sự kết hợp tồi tệ nhất đối với một nền kinh tế: suy thoái sâu và lạm phát tăng chóng mặt. 


Rất nhiều vấn đề hạn chế của kinh tế Nga xuất phát từ bên ngoài. Xứ sở bạch dương phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp dầu khí. Hydrocarbon chiếm tới hơn một nửa nguồn thu ngân sách và 2/3 kim ngạch xuất khẩu. Chính phủ Nga cũng nắm giữ cổ phần tại nhiều tập đoàn năng lượng cũng như các ngân hàng cấp vốn cho các doanh nghiệp này. Giá dầu đã giảm 50% trong 6 tháng qua, kéo theo đồng ruble lao dốc không phanh. 

Cuộc chiến ở Ukraine là vấn đề lớn thứ hai xuất phát từ bên ngoài. Mỹ và EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính lên nhiều doanh nghiệp Nga, khiến họ gặp nhiều khó khăn khi đi vay ở nước ngoài. Ngày 12/12, các chính trị gia Mỹ nhất trí cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine, gây nên nguy cơ căng thẳng leo thang. Mỹ có nhiều kế hoạch trừng phạt Nga nặng hơn nữa.
 
Ngày 15/12, giá dầu thô giảm 1% nhưng đồng ruble giảm tới 10% so với USD – mạnh nhất kể từ năm 1998, khi Nga vỡ nợ. NHTW Nga được cho là đã chi 2 tỷ USD để mua ruble nhằm can thiệp vào thị trường. Tuy nhiên, hành động này không có tác dụng: đồng ruble giảm thêm 11% hôm 16/12. 

Điều gì khiến Nga rơi vào tình trạng này vẫn còn chưa rõ. Thủ phạm có thể là các tập đoàn năng lượng khổng lồ trực thuộc nhà nước (như Gazprom và Rosneft). Những người lạc quan cho rằng đây là nguồn cung cấp USD đáng tin cậy. Tuy nhiên, Rosneft phải gánh khoản nợ nước ngoài khổng lồ. Ngày 12/12, Rosneft phát hành 11 tỷ USD trái phiếu niêm yết bằng đồng ruble với mức lợi suất thấp hơn cả lợi suất trái phiếu chính phủ. Một số người nhận định đây là dấu hiệu cho thấy nợ doanh nghiệp của Nga rất đáng lo ngại. Trước khi năm 2015 kết thúc, Nga phải hoàn trả 115 tỷ USD nợ thanh toán bằng ngoại tệ.

Cơn hoảng loạn cũng lan sang các tài sản khác. Chính phủ Nga có khoảng 11 tỷ USD nợ thanh toán bằng ruble và 60 tỷ USD thanh toán bằng USD. Lợi suất của hai loại trái phiếu này đã lần lượt tăng lên mức 15% và 8%, cao hơn cả Hy Lạp. Cổ phiếu của các doanh nghiệp có liên quan đến thị trường Nga cũng đang giảm mạnh.

Vấn đề nợ thanh toán bằng USD càng tồi tệ hơn khi các hãng xếp hạng tín nhiệm như Standard & Poor’s và Fitch đều đang khá bi quan về Nga. Với NHTW dự báo GDP Nga sẽ giảm 4,5% trong năm 2015, gần như chắc chắn Nga sẽ bị hạ xếp hạng tín nhiệm. Nếu nợ do Nga phát hành bị xếp loại rác, niềm tin của nhà đầu tư sẽ giảm mạnh. Ranh giới mong manh giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp Nga có nghĩa là điện Kremlin có thể phải gánh khối nợ 614 tỷ USD của các ngân hàng và nhiều doanh nghiệp. Kho dự trữ ngoại hối 370 tỷ USD của Nga đang dần cạn kiệt. 

Với 6 lần tăng lãi suất, Nga cần có những lựa chọn khác để chặn đứng đà giảm của đồng ruble. Nga có thể đàm phán gia hạn trái phiếu với hi vọng giảm bớt nhu cầu về USD hoặc sử dụng các biện pháp kiểm soát dòng vốn. Lựa chọn thứ hai là điều mà NHTW và Bộ Tài chính Nga đang cố gắng tránh.  

Tháng 9/1998, ở đỉnh điểm của khủng hoảng tài chính Đông Á, Malaysia đã trừng trị giới đầu cơ bằng cách cố định tỷ giá và hạ lãi suất. Người dân cũng bị hạn chế số tiền có thể mang ra nước ngoài. Tuy nhiên, kinh tế Nga đang ở trong trạng thái yếu ớt hơn Malaysia trong quá khứ. 
Kể cả khi Nga có thể kiểm soát dòng vốn thành công, triển vọng năm 2015 rất u ám. Tỷ lệ lạm phát lên tới 9,1%. Các chủ cửa hàng ở Nga bắt đầu thay đổi giá bán theo từng ngày. Cách đây chưa đầy 2 tuần, 1 USD có thể mua được 52 ruble. Ngày 16/12, bạn cần đến 60 – 70 ruble để đổi được 1 USD. Các cửa hàng muốn bảo vệ thu nhập bằng USD cần phải tăng giá bán 50% để bù đắp. Tiền lương thực tế của người Nga giảm mạnh. 

Người Nga dường như đang mất niềm tin vào đồng nội tệ. Trên các con phố ở Moscow, khủng hoảng là chủ đề được bàn tán nhiều nhất. Các ngân hàng nhà nước hạn chế khối lượng USD và euro bán ra. Một chi nhánh của Sberbank ở trung tâm Moscow chỉ bán 2.000 USD. VTB (một ngân hàng nhà nước khác) cam kết bán 3.000 USD nhưng “chỉ vào ngày mai nếu bạn đến sớm và may mắn”. 

Dù nhu cầu về USD có chững lại, các ngân hàng Nga vẫn gặp phải vấn đề lớn. Nền kinh tế suy giảm, thu nhập teo tóp sau khi điều chỉnh theo lạm phát  và lãi suất tăng mạnh có nghĩa là nguy cơ vỡ nợ tăng cao. 


Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên