Điều gì xảy ra khi một quốc gia vỡ nợ?
Trong lịch sử, Hy Lạp và Argentina cũng đã lần lượt thất hứa với các trái chủ 7 lần và 8 lần. Tuy nhiên, chính xác thì điều gì xảy ra khi các quốc gia ngừng trả lại số tiền họ mắc nợ?
Từ xa xưa, khi các vị quốc vương vay mượn quá mức để tài trợ cho những thương vụ buôn bán quá mạo hiểm, cho tới gần đây, khi Argentina không thể trả nợ đúng hạn cho các chủ nợ quốc tế, các quốc gia trên thế giới đã nhiều lần gặp khó khăn khi trả lại số tiền đã đi vay. Trị vì Tây Ban Nha trong thế kỷ 16, vua Philip II đã chứng kiến đất nước của ông vỡ nợ 4 lần. Trong lịch sử, Hy Lạp và Argentina cũng đã lần lượt thất hứa với các trái chủ 7 lần và 8 lần. Tuy nhiên, chính xác thì điều gì xảy ra khi các quốc gia ngừng trả lại số tiền họ mắc nợ?
Khi một đất nước không thể trả nợ đúng hạn, nước đó rơi vào trạng thái “vỡ nợ” – tức là phá sản trên quy mô quốc gia. Tuy nhiên, vỡ nợ trên phạm vi quốc gia khác biệt rất nhiều so với việc 1 công ty vỡ nợ bởi các chủ nợ không thể dễ dàng tịch thu tài sản của quốc gia như tịch thu tài sản của một công ty. Năm 2012, một con tàu của Argentina đã bị Ghana giữ lại trong 10 tuần nhưng đó chỉ là trường hợp cá biệt.
Thêm vào đó, để lấy lại uy tín trên thị trường nợ quốc tế, các nước vỡ nợ thường tái cấu trúc các khoản nợ thay vì một lựa chọn đơn giản là từ chối trả nợ. Tuy nhiên, giải pháp chiết khấu – tức là cắt giảm giá trị ban đầu của trái phiếu – có thể khiến các trái chủ chịu nhiều thiệt hại hơn. Sau vụ vỡ nợ 81 tỷ USD năm 2011, Argentina đưa ra giải pháp trả cho các trái chủ 1/3 số nợ và trên thực tế 93% trong số này đã được giải quyết. Tuy nhiên, số nợ còn lại được nắm giữ bởi các quỹ kền kền và một số nhà đầu tư khác vẫn chưa được giải quyết. Các trái chủ này đang đòi Argentina 1,3 tỷ USD chưa tính đến lãi.
Trong một số trường hợp, con nợ có thể chọn cách tái cấu trúc khoản nợ bằng cách kéo dài thời gian trả nợ. Cách này khiến giá trị hiện tại của trái phiếu giảm xuống và do đó cũng không phải không gây rủi ro cho nhà đầu tư. Tuy nhiên một số người cho rằng đây là cách tốt nhất đối với Ukraine.
Vỡ nợ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho các quốc gia, đặc biệt khi đất nước đó vỡ nợ theo cách bất ngờ và gây ra tình trạng hỗn loạn. Người tiết kiệm và nhà đầu tư trong nước (dự đoán rằng đồng nội tệ sẽ giảm giá mạnh) sẽ ồ ạt rút tiền khỏi các tài khoản ngân hàng và chuyển ra nước ngoài. Để ngăn chặn tình trạng này, chính phủ phải đóng cửa các ngân hàng và áp đặt các biện pháp kiểm soát dòng vốn.
Tồi tệ hơn là phản ứng của thị trường vốn quốc tế. Lợi suất trái phiếu sẽ tăng mạnh hoặc thậm chí quốc gia đó bị mất khả năng huy động vốn. Các tổ chức xếp hạng tín dụng cũng cảnh báo về việc đầu tư vào quốc gia này.
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy ở hầu hết các quốc gia, các bên cho vay vốn đang tìm kiếm mức lợi suất cao cuối cùng sẽ tiếp tục cho vay miễn là họ nhận được phần thưởng xứng đáng. Thêm vào đó, các hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng cũng giúp trái chủ phòng vệ.
Cho tới nay vẫn chưa có luật quốc tế hoặc tòa án quốc tế quy định các trường hợp quốc gia vỡ nợ. Điều này cũng giúp giải thích tại sao các trường hợp vỡ nợ lại đa dạng như vậy. Đã có nhiều đề xuất – như bổ sung quyền lực để ngăn các trái chủ đa số thâu tóm quá trình. Tuy nhiên điều này vẫn phụ thuộc vào nước phát hành. Dẫu vậy điều này vẫn không thể giúp giải quyết 900 tỷ USD trái phiếu quá hạn được phát hành theo luật lệ cũ. Giống như nhiều vụ ly hôn rắc rối, các bên có liên quan đều phải trả giá đắt.
Thu Hương