MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dmitry Firtash - "Mắt xích" trong chiến dịch trừng phạt của Mỹ

25-03-2014 - 16:00 PM | Tài chính quốc tế

Dmitry Firtash là tỷ phú người Ukraine vừa bị FBI bắt giữ ở Vienna hôm 14/3 với tội danh hối lộ.

Theo Bloomberg, vị tỷ phú đóng vai trò trung gian trong hoạt động giao dịch khí đốt giữa Nga và Ukraine có thể trở thành “chìa khóa” giúp các nhà làm luật nước Mỹ mạnh tay trừng phạt những nhân vật nằm sâu hơn trong “vòng tròn quyền lực” của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo thông báo được Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra, việc bắt giữ tỷ phú Firtash là kết quả sau nhiều năm điều tra của FBI và “không có liên quan đến các sự kiện gần đây ở Ukraine”. Tuy nhiên, Firtash chỉ trích việc ông bị bắt giữ hoàn toàn là một động thái mang tính chất chính trị. Hôm 20/3, tỷ phú này đã trả số tiền bảo lãnh kỷ lục 125 triệu euro (tương đương 172 triệu USD) để được thả tự do.

Giới phân tích cho rằng Firtash tham gia rất sâu vào các hợp đồng của Gazprom ở Ukraine. Do đó, vụ bắt giữ này đe dọa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lãnh đạo cấp cao của Gazprom và chính bản thân tập đoàn này. 

Sau khi ông Putin ký hiệp ước sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua một dự luật cho phép mở rộng phạm vi trừng phạt đối với bất kỳ người Nga nào có liên quan đến những vụ tham nhũng “nghiêm trọng”. 

Cuối tuần trước, Tổng thống Barack Obama cũng đã bổ sung thêm 20 nghị sĩ và doanh nhân Nga vào danh sách trừng phạt. Trong số này có cả hai anh em Arkady và Boris Rotenberg – những người đã cùng với tỷ phú Firtash đầu tư ở Ukraine và Nga. Các công ty của nhà Rotenberg cũng đã nhận được những hợp đồng trị giá 7 tỷ USD phục vụ Olympics Sochi và đây cũng là những nhà cung cấp lớn cho Gazprom. 

48 tuổi, tỷ phú Firtash có được cơ nghiệp nhờ vị trí là trung gian buôn bán khí đốt giữa Nga và Ukraine. Ukraine cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Gazprom. Firtash cùng cộng sự sở hữu một nửa RosUkrEnergo – công ty được thành lập năm 2004. Công ty này nổi tiếng vì là công ty nhập khẩu khí đốt duy nhất ở Ukraine trong giai đoạn 2006 – 2009 (thời kỳ tranh chấp với Nga khiến nguồn cung bị gián đoạn và gây nên khủng hoảng khí đốt trên khắp châu Âu). 

Gazprom sở hữu nửa còn lại của RosUkrEnergo. Tuy nhiên, năm 2005, Cơ quan anh ninh Ukraine cho rằng RosUkrEnergo có thể được kiểm soát gián tiếp bởi Semion Mogilevich – một tội phạm có tổ chức nằm trong danh sách truy nã của FBI. Tỷ phú Firtash đã nhiều lần bác bỏ mối liên hệ giữa Mogilevich và RosUkrEnergo trong khi luật sư của Mogilevich cũng khẳng định khách hàng của mình chưa bao giờ làm ăn với Firtash.

Trong nhiều năm, Gazprom vẫn bán khí đốt sang Ukraine với giá thấp hơn các quốc gia Tây Âu. Để trợ giá cho thị trường nội địa Ukraine, thông qua RosUkrEnergo, Gazprom có thể mua khí đốt khai thác từ Turkmenistan với giá rẻ mạt và bán sang châu Âu với giá cao. Các nhà đầu tư của Gazprom đã phê phán chiến lược này, cho rằng Gazprom có thể tự hoàn thành tốt việc này mà không cần đến sự tham gia của RosUkrEnergo. 

Là nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và là trụ cột của kinh tế Nga, Gazprom vẫn được coi là mục tiêu trừng phạt mà Mỹ và EU nhắm tới. Tờ Bold (Đức) hôm 15/3 nhận định CEO của Gazprom Alexey Miller cùng với CEO của tập Rosneft Igor Sechin sẽ là những người tiếp theo nằm trong danh sách trừng phạt của EU.  

Miller (52 tuổi) và Sechin (53 tuổi) đều đã từng là cấp dưới của ông Putin khi ông còn làm việc tại thị trưởng St. Petersburg trong những năm 1990. 

Nếu được Quốc hội thông qua và ông Obama phê chuẩn, một dự luật mới sẽ cho phép Tổng thống Obama áp đặt lệnh trừng phạt lên các nghị sĩ Nga cũng như những người thân cận hoặc thành viên trong gia đình họ có hành vi “chiếm đoạt tài sản tư hoặc tài sản công, tham nhũng trong quá trình triển khai các hợp đồng của chính phủ hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên, hối lộ hoặc có tham gia tạo điều kiện cho hành vi tham nhũng”.

Ngoài Firtash, hai tỷ phú khác cũng thân cận với ông Putin là Alisher Usmanov (cựu cố vấn của Gazprom) và Roman Abramovich (ông chủ của câu lạc bộ bóng đá Chelsea) là những cái tên có thể bị đưa vào danh sách cấm vận. 

Phần lớn trong số tài sản trị giá 14 tỷ USD của tỷ phú Abramovich đến từ vụ bán OAO Sibneft (công ty dầu khí mà ông mua lại với giá 100 triệu USD từ năm 1996), Sibneft được bán cho Gazprom với giá 13 tỷ USD. 

Trong khi đó, tỷ phú Usmanov (60 tuổi) là người giàu nhất nước Nga với tài sản 17,4 tỷ USD. Từ đầu năm nay, tỷ phú này đã liên tục bán cổ phần nắm giữ ở các công ty Mỹ (Apple và Facebook). 
 
Usmanov từng phát biểu hôm 20/3 rằng các lệnh cấm vận sẽ “phản tác dụng” đối với tất cả các bên bởi nền kinh tế toàn cầu được kết nối với nhau. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên