MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Nhật ồ ạt chuyển ra nước ngoài

07-07-2015 - 15:13 PM | Tài chính quốc tế

Gần một phần ba tổng số doanh nghiệp Nhật Bản đã chuyển sản xuất ra nước ngoài...

Doanh nghiệp Nhật Bản đang đồng loạt dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài, và việc đồng Yên giảm giá cũng chưa thể khiến xu hướng này đảo chiều, theo Bloomberg.

Tính đến cuối quý 4/2014, có đến gần một phần ba tổng số doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Đây là kỷ lục mới tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, trong bối cảnh đồng Yên vẫn đang giảm giá mạnh so với đồng USD.

Trong điều kiện thông thường, đồng tiền yếu hơn được cho là sẽ giúp hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản cạnh tranh hơn và điều này có thể thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất hàng hoá ngay tại nước này thay vì phải chuyển sang nước khác để tiết kiệm chi phí.

Một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp Nhật chuyển sản xuất ra nước ngoài trong hơn chục năm qua là đồng Yên mạnh, khiến hàng hoá Nhật kém cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, dù đồng Yên đã yếu đi, các nhà sản xuất vẫn muốn đặt dây chuyền sản xuất gần khách hàng ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc dân số Nhật Bản đang ngày càng giảm và người dân hạn chế chi tiêu càng thúc đẩy doanh nghiệp xây dựng các cơ sở sản xuất mới tại châu Mỹ, châu Âu, và các nước khác, thay vì tại Nhật.

Cùng với xu hướng này, các doanh nghiệp Nhật cũng nhập linh kiện và vật liệu ở nước ngoài hơn là từ Nhật.

Giới chủ doanh nghiệp cũng cho rằng việc đồng Yên hạ giá sẽ không kéo dài, theo nhà kinh tế Hiroaki Muto tại công ty quản lý quỹ Sumitomo Mitsui. "Không nhà quản lý doanh nghiệp tỉnh táo nào lại giảm tỷ lệ sản xuất ở nước ngoài cả”, ông Muto bình luận.

Các hãng sản xuất xe hơi và điện tử hiện dẫn đầu xu hướng chuyển dịch sản xuất sang nước ngoài của giới doanh nghiệp Nhật. Bắc Mỹ là điểm đến số một của doanh nghiệp Nhật, theo sau là Trung Quốc.

Sản xuất tại nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng với doanh nghiệp Nhật. Trong khi đó, công suất sản xuất trong nước đang giảm, và hiện số lượng nhà máy và nhân công trong nước đều đã giảm xuống thấp hơn hẳn so với trước khủng hoảng tài chính 2008.

Theo Diệu Minh

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên